Theo một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ, đại dịch COVID-19 có thể gây ra một làn sóng khủng hoảng nội bộ và thậm chí là nội chiến “ít nhất ở một vài và [thậm chí] có thể là nhiều quốc gia”.
Trong bản đánh giá thường niên đối với các mối đe dọa, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ nhận định: “Một số quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng nặng nề [do đại dịch virus corona] đang phải trải qua các cuộc khủng hoảng tài chính và nhân đạo. Điều này làm gia tăng nguy cơ tăng đột biến về di cư, các chính phủ bị sụp đổ, hoặc xung đột nội bộ.”
Phát hiện nêu trên đã làm rõ thêm ảnh hưởng địa chính trị của đại dịch COVID-19.
Các chi phí xã hội liên quan đến cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng, và hệ quả suy giảm kinh tế của việc phong tỏa lặp lại nhiều lần ở các nước trên thế giới đã thể hiện quá rõ ràng trong năm qua. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, các quan chức tình báo Mỹ còn dự đoán các vấn đề này sẽ lan sang lĩnh vực quân sự.
Báo cáo cho biết: “Sự suy thoái kinh tế do đại dịch có khả năng tạo ra hoặc làm trầm trọng thêm sự bất ổn ở ít nhất một vài và [thậm chí] có thể là nhiều quốc gia, trong bối cảnh mọi người ngày càng tuyệt vọng khi phải đối mặt với nhiều áp lực đan xen như suy giảm kinh tế kéo dài, mất việc làm cũng như các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.”
Các quan chức liên bang Mỹ từ lâu đã lo lắng đại dịch sẽ gây ra sự gia tăng đột biến về di cư, đặc biệt là từ các nước Mỹ Latinh, vốn có thể làm căng thẳng các nguồn lực của Hoa Kỳ.
Ông John Barsa, quyền giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ, nói với Washington Examiner hồi tháng 5/2020: “Nếu có sự sụp đổ kinh tế ở một quốc gia nào đó, thì điều tất yếu là sẽ có dòng di cư [từ nước này] đến những nơi có nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Liệu chúng ta có cầ phải lo ngại về những tác động kinh tế mà vấn đề này gây ra hay không? Chắc chắn là có.”
Theo nhóm của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Avril Haines, các động lực tương tự vốn có thể thúc đẩy sự gia tăng di cư cũng có thể gây ra nhiều hệ quả khốc liệt hơn. Ngoài ra, những áp lực kinh tế tương tự còn làm giảm các nguồn lực vốn dành cho an ninh.
Báo cáo cho biết: “Khi quân đội phải đối mặt với những lời kêu gọi cắt giảm ngân sách ngày càng tăng, thì các lỗ hổng sẽ dần xuất hiện trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; hoạt động huấn luyện và chuẩn bị quân sự; các hoạt động chống khủng bố; việc giám sát, xác minh, và tuân thủ việc kiểm soát vũ khí. Các lỗ hổng này có thể sẽ tăng lên nếu đại dịch không nhanh chóng kết thúc cũng không thể phục hồi nhanh chóng. Điều này sẽ khiến việc quản lý các xung đột khó khăn hơn, đặc biệt bởi vì đại dịch không gây ra bất kỳ sự giảm sút nào về số lượng cũng như cường độ của các cuộc xung đột.”
Nhóm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ưu tiên triển khai tiêm vắc-xin cho người dân Mỹ trong những ngày đầu cầm quyền của ông, nhưng các quan chức Hoa Kỳ cũng vẫn đang chuẩn bị để phân phối vắc-xin trên khắp thế giới.
Báo cáo viết: “Chúng tôi dự đoán COVID-19 sẽ vẫn là mối đe dọa đối với dân chúng khắp thế giới cho đến khi vắc-xin và thuốc điều trị được phân phối rộng rãi. Các tác động kinh tế và chính trị của đại dịch sẽ lan tràn khắp thế giới trong nhiều năm.”
Nhật Minh (Theo washingtonexaminer)
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…