Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 31/10, thế giới ghi nhận thêm khoảng 315.000 ca mắc COVID-19 mới và 4.200 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 235.788.634 ca, trong đó có khoảng 4.724.886 người thiệt mạng.
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (40.993 ca), Anh (38.009 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (23.948 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.158 ca), Romania (394 ca) và Ukraine (336 ca).
Như vậy, Nga tiếp tục đứng đầu thế giới về cả số ca mắc và tử vong mới. Số ca mắc mới ở Nga nói trên cũng là mức cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Nga đang đứng thứ 5 thế giới xét về tổng ca mắc (trên 8,5 triệu ca) và tổng ca tử vong (trên 238.000 ca).
Xét từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn là quốc gia có tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với trên 46,8 triệu ca mắc và trên 766.000 ca tử vong.
Trong bối cảnh dịch bùng trở lại ở một số quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia Gamaleya (Nga), ông Alexander Gintsburg cho biết những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh vì chủng Delta có đặc tính tương tác đặc biệt với cơ thể.
Ông Gintsburg giải thích: “Người tiêm chủng vẫn bị mắc bệnh vì chủng Delta, các tế bào bộ nhớ không kịp hoạt động. Chủng Delta đã thay đổi bản chất tương tác với các tế bào và tồn tại bên trong các tế bào”. Ông Gintsburg cho biết thêm virus đã kịp xâm nhập vào các tế bào, do mức kháng thể bắt đầu giảm kể từ 6-8 tháng sau khi tiêm chủng và các tế bào nhớ còn lại bắt đầu sản xuất kháng thể vào ngày thứ 2 hoặc thứ 4 sau khi mắc bệnh, “song đã muộn”. Theo ông Gintsburg, virus lây lan từ tế bào này sang tế bào khác mà không rời khỏi chúng và tích tụ với số lượng rất lớn. Để liên tục có lượng kháng thể cao trong máu, cần tiêm liều bổ sung sau mỗi 6 tháng.
Mỹ cho phép trẻ em nước ngoài nhập cảnh không cần cách ly
Ngày 30/10, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo du khách nước ngoài dưới 18 tuổi đến Mỹ bằng máy bay không cần tự cách ly sau khi nhập cảnh.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky đã ký quyết định sửa đổi về quy định cách ly đối với trẻ em nước ngoài nhập cảnh vào Mỹ. Cụ thể, trẻ dưới 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 không cần tự cách ly trong vòng 7 ngày sau khi nhập cảnh. Trước đó, một chỉ thị của CDC đã khiến nhiều người nước ngoài lo lắng trẻ em sẽ bắt buộc phải cách ly trong 1 tuần lễ sau khi đến Mỹ.
Từ ngày 8/11, Mỹ cũng sẽ tháo dỡ các giới hạn nhập cảnh đối với đa số người nước ngoài đã đến Anh, 26 nước thuộc khối Schengen, Ireland, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và Brazil trong vòng 14 ngày trước đó.
Các hãng bay và nhiều tổ chức khác đã kêu gọi CDC Mỹ thay đổi quy định đối với trẻ em người nước ngoài với lý do việc trẻ bắt buộc phải tự cách ly sau khi nhập cảnh sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch quốc tế. Bên cạnh trẻ em, quy định miễn trừ cách ly cũng áp dụng cho công dân nước ngoài đang tham gia các thử nghiệm y khoa.
Úc nới lỏng kiểm soát biên giới lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020
Ngày 1/11, Úc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới được áp đặt trong 18 tháng qua với việc cho phép khoảng 14 triệu người dân nước này đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa COVID-19 tại các bang Victoria, New South Wales và thủ đô Canberra được phép đi lại tự do, bao gồm cả việc ra nước ngoài và nhập cảnh trở lại khi quay về.
Khoảng 47.000 công dân Úc và người có thẻ đăng ký thường trú tại nước này nhưng đang ở nước ngoài cũng được phép nhập cảnh trở lại. Theo đó, nhiều gia đình đã được đoàn tụ lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái.
Sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhất thế giới, đến nay Úc đã chuyển từ chiến lược “Zero-COVID” sang sống chung với dịch bệnh thông qua hoạt động tiêm chủng mở rộng. Đến nay, hơn 80% trong số những người trên 16 tuổi ở 2 bang lớn nhất Úc và Lãnh thổ Thủ đô (ACT) đã tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, một điều kiện để nối lại hoạt động đi lại quốc tế.
Úc đã đóng cửa biên giới khi đại dịch bắt đầu bùng phát và chỉ cho phép một số công dân và thường trú nhân trở về từ nước ngoài, với thời gian cách ly 14 ngày bắt buộc trong khách sạn.
Hàn Quốc bắt đầu tiêm phòng cho trẻ 12 đến 15 tuổi
Từ ngày 1/11, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vắc-xin Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 15 (trẻ có năm sinh từ 2006 đến 2009). Đây là một trong các biện pháp được áp dụng nhằm hiện thực hóa kế hoạch 3 giai đoạn “Chung sống với COVID” mà Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố. Cũng bắt đầu từ ngày 1/11, Hàn Quốc sẽ tiêm liều bổ sung cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân ghép tạng và những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Thông tin từ cơ quan phòng chống dịch quốc gia cho biết từ ngày 18/10, Hàn Quốc bắt đầu nhận đăng ký tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi và tính đến hết ngày 30/10, tỷ lệ đăng ký tiêm chủng khá thấp ở mức 26,4% tương đương với khoảng 493.055 trẻ đăng ký. Tỷ lệ đăng ký tiêm chủng cho trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi vừa qua xảy ra trường hợp một học sinh lớp 10 tử vong, 75 ngày sau khi tiêm vắc-xin Pfizer vào hôm 13/8. Hiện nguyên nhân tử vong vẫn chưa được công bố.
Bắt đầu từ 15/11, Hàn Quốc cũng tiến hành tiêm bổ sung cho nhân viên y tế, những người ở độ tuổi 50 trở lên và có bệnh nền cùng những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên như công an, quân đội.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…