Bộ Tài chính Mỹ hôm 19/10 đã ban hành các tài liệu hướng dẫn cho một chương trình được thiết kế nhằm mang việc làm và miễn thuế cho các khoản đầu tư tư nhân vào các vùng khó khăn. Đây là một phần của đề xướng nằm trong gói đại tu thuế của Tổng thống Trump đã được thông qua cuối năm 2017.
Văn bản mà Bộ Tài chính Mỹ ban hành hôm 19/10 là các quy định cho các nhà đầu tư tiềm năng liên quan tới chương trình khuyến khích thuế tại các “vùng cơ hội”. Trong Đạo luật Thuế và Việc làm 2017, có nội dung về ưu đãi thuế cho các vùng khó khăn trong nước Mỹ, được gọi là các “vùng cơ hội”.
Thông qua việc miễn thuế, các vùng cơ hội này khuyến khích người Mỹ đầu tư vào các cộng đồng dân cư đang gặp khó khăn kinh tế. Các quy định vừa được ban hành cung cấp hướng dẫn cho các nhà đầu tư cách thức làm sao để có thể đạt tiêu chuẩn được miễn thuế đặc biệt trong các vùng cơ hội đã được chỉ định.
Trong tuyên bố phát đi hôm 19/10, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho hay: “Chúng tôi dự đoán rằng 100 tỷ USD vốn tư nhân sẽ được dành riêng cho việc tạo việc làm và phát triển kinh tế ở các Vùng Cơ hội. [Gói] kích thích này sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế và đẩy mạnh tăng trưởng bền vững – mục tiêu chính của Đạo luật Thuế và Việc làm”.
Văn bản hướng dẫn này được tung ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Điều này được cho là để Đảng Cộng hòa thu hút thêm cử tri nhằm đạt mục tiêu tiếp tục giữ đa số ghế tại cả Hạ viện và Thượng viện.
Theo Epoch Times, Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục ban hành bản hướng dẫn bổ sung về các khuyến khích thuế tại vùng cơ hội trước cuối năm nay. Và các dự thảo quy định này sẽ để công chúng đóng góp ý kiến trong vòng 60 ngày.
Theo các quy định đề xuất của Bộ Tài chính, chương trình “vùng cơ hội” nằm trong Đạo luật Thuế và Việc làm 2017 chào mời các nhà đầu tư tư nhân các gói miễn thuế đáng kể. Chương trình này cho phép các nhà đầu tư được miễn thuế cho các khoản tăng vốn trong 10 năm, nếu khoản vốn tăng thêm này được tái đầu tư trong một quỹ cơ hội đủ tiêu chuẩn – một công cụ đầu tư được tạo ra để đổ tiền và các vùng cơ hội. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn được thêm các lợi ích khác trong đó có miễn thuế lợi tức đầu tư từ các quỹ cơ hội, nếu khoản đầu tư được giữ trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có thể giữ các khoản đầu tư của họ trong các quỹ cơ hội tới năm 2047 mà không bị mất lợi ích thuế.
Epoch Times đánh giá rằng chương trình này có tiềm năng sẽ trở thành chương trình phát triển kinh tế lớn nhất của nước Mỹ. Các nhà đầu tư tư nhân Mỹ cũng đang háo hức để đổ tiền vào các khu vực cơ hội như vậy, và nhiều quỹ cũng đã được thành lập để nhắm mục tiêu vào loại lợi ích mới này.
Chương trình “vùng cơ hội” khuyến khích các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như bất động sản thương mại và công nghiệp, nhà ở, cơ sở hạ tầng và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Theo Nhóm Đổi mới Kinh tế (EIG), các nhà đầu tư (hộ gia đình và doanh nghiệp) đang nắm giữ gần 6,1 ngàn tỷ USD vốn cổ phần và quỹ chưa thực hiện. Đây là một số vốn chưa được khai thác đáng kể đủ điều kiện để tái đầu tư vào các vùng cơ hội.
Theo Epoch Times, các chính phủ địa phương đã đề xuất các khu vực xếp vào vùng cơ hội từ tháng Tư. Bộ Tài chính Mỹ đã phê duyệt 8.761 cộng đồng là vùng cơ hội tại tất cả các bang và Quận Columbia, cùng 5 vùng lãnh thổ thuộc Mỹ. Tổng cộng tất cả vùng cơ hội này có gần 35 triệu dân.
EIG gần đây có công bố một nghiên cứu tiết lộ rằng đang có sự tương phản lớn giữa các vùng thịnh vượng và khó khăn trong nước Mỹ về nguồn nhân lực, việc làm và thành lập doanh nghiệp. Nghiên cứu này chia các cộng đồng thành 5 tầng và đánh giá cuộc Đại Suy thoái 2008 và thời gian phục hồi sau đó ảnh hưởng tới các cộng đồng này như thế nào.
Theo báo cáo của EIG, trong những năm phục hồi kinh tế, các cộng đồng tầng trên đã lấy lại được sự thịnh vượng. Trong khi đó, phần lớn các vùng khó khăn vẫn phải đối mặt với tình trạng sụt giảm việc làm, doanh nghiệp và cả dân số. Khoảng cách giàu nghèo giữa vùng thịnh vượng và khó khăn ngày càng lớn hơn.
Dân số sống trong các vùng thịnh vượng đã tăng hơn 10 triệu người từ năm 2008, trong khi ngược lại, tại khu vực khó khăn đã giảm khoảng 3,4 triệu người.
Báo cáo của EIG cho biết các cộng đồng khó khăn tập trung nhiều hơn ở các bang miền Nam, trong đó có Alabama, Arkansas, Mississippi, và Tây Virginia. Hơn 1/3 dân số của các bang này sống trong các vùng khó khăn. Các nhóm dân tộc thiểu số tại các cộng đồng khó khăn chiếm 56%, trong khi tính chung toàn nước Mỹ các cộng đồng thiểu số chiếm 38%.
Mọi chuyện có vẻ còn tệ hơn khi nhìn vào các cộng đồng khó khăn trên phương diện kinh doanh và việc làm. Chẳng hạn, số lượng doanh nghiệp tại các khu vực thịnh vượng từ năm 2012 tới 2016 tăng 180.000 doanh nghiệp, trong khi, tại các vùng khó khăn lại giảm 13.300 doanh nghiệp.
Về vấn đề việc làm, tất cả các cộng đồng dân cư Mỹ đều gặp hoàn cảnh sụt giảm công việc như nhau trong thời kỳ khủng hoảng. Tuy nhiên, sự tương đồng này đã chấm dứt trong thời kỳ phục hồi. Tới năm 2016, các vùng thịnh vượng có thêm 3,6 triệu việc làm mới so với mức năm 2007. Ngược lại, các khu vực khó khăn không cho thấy dấu hiệu hồi phục việc làm.
Với thực trạng nêu trên, chương trình “vùng cơ hội” được kỳ vọng sẽ thu hút được vốn đầu tư vào các cộng đồng nghèo khó và giúp cho tất cả các khu vực tại Mỹ có sự phát triển đồng đều hơn.
Xuân Thành
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…