Trung Quốc đã đề cử một ứng viên cho vị trí thẩm phán tại tòa án quốc tế chuyên giải quyết tranh chấp biển đảo. Mỹ phản đối mạnh mẽ việc này và đang tìm cách ngăn chặn động thái của Bắc Kinh.
Tòa Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) là cơ quan tư pháp độc lập gồm 21 thẩm phán. ITLOS được thành lập theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), có vai trò phân xử các tranh chấp về giải thích và áp dụng UNCLOS – một hiệp ước quốc tế vạch ra các quyền và trách nhiệm quốc gia đối với các đại dương trên thế giới.
ITLOS đang có kế hoạch tổ chức bầu cử trong tháng Tám này hoặc tháng Chín để chọn 7 thẩm phán làm việc nhiệm kỳ 9 năm. Theo điều lệ của ITLOS, 1/3 trong tổng số 21 thẩm phán của tòa án này sẽ hết nhiệm kỳ sau mỗi ba năm và cần phải tổ chức bầu bổ sung. Tất cả 168 quốc gia ký kết UNCLOS sẽ được quyền bỏ phiếu. Mỹ đã ký UNCLOS nhưng quốc hội nước này chưa phê duyệt công ước này nên Washington không có quyền bầu cử tại ITLOS.
Trung Quốc hiện có một thẩm phán tại ITLOS là ông Gao Zhiguo, nhưng ông này sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng Chín. Đó là lý do thúc đẩy Bắc Kinh đề cử ông Duan Jielong làm thẩm phán mới tại ITLOS. Ngoài Trung Quốc, 8 nước khác cũng đề cử ứng viên thẩm phán cho cuộc bầu cử ITLOS sắp tới.
Mặc dù Mỹ sẽ không được tham gia bỏ phiếu, nhưng điều này không ngăn được Washington phản đối ứng viên do Bắc Kinh đề xuất.
Ông David Stillwell, phụ tá ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Sự vụ Đông Á và Thái Bình Dương trong diễn đàn trực tuyến của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế tổ chức vào tháng trước đã nói: “Việc chọn một quan chức Trung Quốc vào cơ quan này là giống như thuê một kẻ đốt phá làm việc hỗ trợ điều hành Phòng Cứu hỏa”.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước liên quan trong cuộc bầu cử Tòa án Quốc tế sắp tới hãy cẩn trọng đánh giá hồ sơ năng lực của ứng viên Trung Quốc và cân nhắc xem liệu một thẩm phán Trung Quốc tại tòa án này sẽ giúp sức hay ngăn cản luật biển quốc tế. Với hồ sơ của Bắc Kinh, câu trả lời cho câu hỏi đó là rõ ràng”, ông Stillwell nói thêm.
Năm 2016, một phiên tòa tại Tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với gần 90% diện tích Biển Đông là không phù hợp với các quy tắc của UNCLOS. Bắc Kinh đã không chấp nhận hay công nhận phán quyết này.
Trung Quốc yêu sách chủ quyền hầu hết diện tích 3,6 triệu km2 trên Biển Đông bằng bản đồ đường 9 chín đoạn mơ hồ. Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông.
Theo UNCLOS, các quốc gia bờ biển có quyền chủ quyền đối với nguồn tài nguyên biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của họ và trong phạm vi này, các quốc gia ven biển được phép thực hiện các hoạt động kinh tế và nghiên cứu biển nhất định. Đường 9 đoạn của Trung Quốc vượt rất xa phạm vi 200 hải lý tính tờ bờ biển của họ.
Đức Thiện (Theo Taiwan News)
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…