Dù Mỹ cam kết giúp đỡ ở biển Đông, Việt Nam vẫn thận trọng đối đầu Bắc Kinh
- Chris Humphrey và Bac Pham
- •
Theo nhận định của SCMP, trong khi Việt Nam tiếp tục phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp và thậm chí có thể có hành động pháp lý, nhưng nước này vẫn tỏ ra thận trọng trước đề nghị giúp đỡ của Mỹ trong việc đối đầu với Trung Quốc tại biển Đông.
Washington đã củng cố lập trường chống lại các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh ở Biển Đông vào tuần trước khi ký một biên bản ghi nhớ (MOU) với Việt Nam, cam kết hỗ trợ cho ngư dân nước này chống lại những đe dọa phi pháp từ Trung Quốc.
Trong khi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J Kritenbrink không nhắc đến Trung Quốc trong các tuyên bố tại lễ ký kết với Tổng cục Thủy sản Việt Nam, các nhà phân tích cho biết ông rõ ràng đang đề cập đến Bắc Kinh.
Việt Nam là một trong bốn quốc gia Đông Nam Á có yêu sách cạnh tranh với Bắc Kinh tại biển Đông, khu vực giàu tài nguyên năng lượng, khoáng sản và là nơi có khối lượng hàng hoá thương mại trị giá khoảng 3 nghìn tỷ USD đi qua mỗi năm.
Vào tháng Tư, một chiếc thuyền đánh cá của Việt Nam đã bị chìm sau khi va chạm với một tàu hải cảnh Trung Quốc. Việt Nam tố Trung Quốc đâm chìm tàu cá, trong khi phía Trung Quốc nói rằng tàu cá Việt Nam đã tự va vào tàu hải cảnh rồi chìm. Sau đó, các cộng đồng đánh cá ở Việt Nam và Philippines đã phản đối lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo MOU, Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam tăng cường quản lý nghề cá cùng khả năng thực thi pháp luật và giám sát bằng cách cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ thông tin. Hà Nội, Washington và các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác để chống lại nạn đánh bắt cá bất hợp pháp cũng như các mối đe dọa trên biển.
“Hoa Kỳ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý nghề cá và thực thi các quy định, và chúng tôi rất vui mừng được chia sẻ,” ông Kritenbrink nói. “Chúng tôi mong muốn được hợp tác với Việt Nam để tăng cường tính bền vững của nghề cá và hỗ trợ ngư dân chống lại những mối đe dọa bất hợp pháp.”
Thỏa thuận nói trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố hồi đầu tháng này rằng các yêu sách về Biển Đông của Bắc Kinh là trái pháp luật và Washington sẽ tăng cường các chính sách của mình để ngăn chặn Trung Quốc chiếm đoạt tài nguyên, quấy rối ngư dân và đe dọa các nước láng giềng. Một ngày sau, ông Pompeo nói rằng Mỹ sẽ hỗ trợ các nước tin rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của họ ở Biển Đông.
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia có tiếng nói nhất trong việc phản đối các động thái của Bắc Kinh trên biển Đông, nhưng nước này cũng tỏ ra thận trọng khi đáp lại lời đề nghị hỗ trợ của Mỹ.
Ông Việt Hoàng, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Chính phủ Việt Nam vẫn cho rằng, mặc dù tuyên bố của ông Pompeo có lợi hơn cho họ, Việt Nam cố gắng không bị cuốn vào ‘cuộc chiến’ giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Có lẽ không chỉ chính phủ Việt Nam mà các chính phủ Asean khác vẫn đang quan sát những diễn biến tiếp theo một cách thận trọng,” ông nói.
Jeffrey Ordaniel, giám đốc chương trình hàng hải tại Diễn đàn Thái Bình Dương, một viện phi lợi nhuận tập trung vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, cho biết việc Mỹ hỗ trợ các tàu cá Việt Nam trên thực tế ra sao vẫn chưa rõ ràng.
“Tôi nghĩ rằng các lựa chọn của Mỹ sẽ chỉ giới hạn trong việc cung cấp nâng cao năng lực thông thường về nhận thức trong lĩnh vực hàng hải, và có lẽ thực hiện một số phối hợp trong các tổ chức đối thoại khu vực,” ông nói.
“Washington có thể sẽ tăng cường nỗ lực nâng cao năng lực hàng hải của Hà Nội, và có lẽ sẽ có mặt nhiều hơn ở vùng biển Việt Nam như một cách báo hiệu cho Trung Quốc rằng Mỹ đang theo dõi. Mỹ chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi cách tiếp cận thận trọng của Việt Nam. Hà Nội khó có thể sẵn sàng đối kháng với Bắc Kinh.”
Năm ngoái, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội tăng vọt khi tàu khảo sát Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 liên tục vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam (EEZ) trong khi tìm kiếm trữ lượng dầu khí trong khoảng thời gian ba tháng từ tháng Bảy đến tháng Mười. Khu vực này có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động thăm dò năng lượng của Việt Nam và là khu vực rất nhạy cảm.
Năm 2014, phong trào chống Bắc Kinh cũng leo thang tại Việt Nam sau khi một giàn khoan của Trung Quốc xâm nhập vùng biển tranh chấp, gây ra các cuộc tấn công đối với các nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper đã đến thăm Việt Nam và tuyên bố Mỹ sẽ tặng Việt Nam một tàu tuần tra bờ biển để tăng cường năng lực tuần tra trong khu vực.
Kể từ đó, Mỹ đã duy trì sự hiện diện trên tuyến đường biển này, bao gồm gửi hai tàu sân bay tới khu vực và thậm chí đề nghị Úc thực hiện các cuộc tập trận hải quân. Cả tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đều thực hiện các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông trong tuần đầu tiên của tháng 7, trong khi Trung Quốc cũng diễn tập bắn đạn thật vào hôm 25/7.
> SCMP: Bắc Kinh cố gắng xoa dịu căng thẳng với Việt Nam ở biển Đông
Bắc Kinh sau đó đã tìm đến Hà Nội để cố gắng xoa dịu tình hình, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Phạm Bình Minh tổ chức trao đổi trực tuyến vào ngày 21/7 – một cuộc họp mà truyền thông Việt Nam mô tả là nỗ lực để đảm bảo Trung Quốc vẫn kiểm soát được các xung đột trên biển.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Vương Nghị, nói rằng Mỹ là “kẻ gây rối trong khu vực,” tuy nhiên nhiều nguồn tin cho biết không có kết quả hay nghị quyết nào đạt được qua cuộc trao đổi này.
“Tôi nghĩ không có tiến triển gì mới sau cuộc gặp của các ông Vương Nghị và Phạm Bình Minh,” ông Hoàng nói. “Trong vấn đề Biển Đông, sẽ không có gì thay đổi, vì lập trường của Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề này vẫn rất khác nhau. Việt Nam kiên trì dựa trên luật pháp quốc tế còn Trung Quốc muốn duy trì đường lưỡi bò, nên khi Trung Quốc không thay đổi lập trường, vấn đề Biển Đông sẽ khó thay đổi.”
Cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao đã diễn ra ngay sau khi Việt Nam hủy bỏ hợp đồng cho một dự án khoan dầu ngoài khơi, dẫn đến việc nước này phải trả 1 tỷ USD tiền bồi thường cho hai công ty dầu khí quốc tế. Các nhà phân tích cho rằng đó là do áp lực của Trung Quốc.
> Biển Đông: Nếu các nước có cùng yêu sách hành động, Mỹ mới có lý do để can thiệp
Đã có những ý kiến cho rằng Việt Nam có thể có hành động pháp lý chống lại Bắc Kinh bằng cách nộp đơn kiện lên tòa trọng tài quốc tế. Vào tháng 7 năm 2016, Philippines đã hành động như vậy tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague và đã được xử thắng, mặc dù Trung Quốc không tham gia trong phiên toà.
Do Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), nên không thể đóng bất kỳ vai trò chính thức nào trong hành động pháp lý mà Việt Nam có thể thực hiện.
Trong khi ông Hoàng tin rằng hành động pháp lý sẽ là biện pháp cuối cùng của Việt Nam đối với Việt Nam, thì ông David Koh, một nhà tư vấn và cựu nhà phân tích Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho biết chính phủ Việt Nam đã luôn nói rằng vẫn cân nhắc các hành động pháp lý.
Trên thực tế, ông tin rằng đó là một điều tốt, bởi nó chỉ ra vai trò của luật pháp quốc tế trong việc giải quyết các khác biệt chính trị.
“Tôi không nghĩ rằng thực hiện hành động pháp lý và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Việt Nam không thể đồng thời xảy ra,” ông Koh nói. “Hơn bất cứ lúc nào, tôi nghĩ rằng Việt Nam đang tiến gần hơn tới việc xem xét các hành động pháp lý.”
Nhưng Carl Thayer, giáo sư tại Đại học NSW ở Canberra, nói rằng Mỹ không có khả năng tăng cường hỗ trợ quân sự cho Việt Nam trên biển. Thay vào đó, Mỹ sẽ tập trung vào ngoại giao và xây dựng năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Việt Nam.
“Cảnh sát biển Hoa Kỳ không thể duy trì sự hiện diện liên tục. [Trong khi đó,] ngư dân Việt Nam bị đe dọa bởi cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển, dân quân hàng hải và đội tàu đánh cá cấp tỉnh của Trung Quốc,” ông nói.
“Mỹ sẽ không tham gia trực tiếp như một vấn đề chính sách và Mỹ cũng thiếu phương tiện để cung cấp hỗ trợ hiệu quả trên biển,” ông nói. “Chính sách này là: đây là trách nhiệm của Việt Nam bởi họ có chủ quyền.”
Chris Humphrey & Bac Pham (Gia Huy biên dịch)
Xem thêm:
Từ khóa tranh chấp biển Đông Quan hệ Mỹ - Trung Quan hệ Việt Trung chủ quyền biển Đông Dòng sự kiện