Trung Quốc sắp dần hết số lượng hàng hóa có thể đánh thuế đáp trả lại Mỹ và phải chứng kiến các nước khác như Châu Âu và Nhật Bản không những từ chối liên minh chống lại Mỹ mà còn đi theo Mỹ để bủa vây chính mình. Theo tác giả Xu Yimiao của tờ South China Morning Post, giới lãnh đạo Bắc Kinh nên ‘nuốt danh dự xuống’ và tìm cách đối thoại trực tiếp với Tổng thống Trump hơn là tiếp tục lún sâu vào chiến tranh thương mại.
Tại Bắc Kinh, giới lãnh đạo cấp cao đang có những cuộc tranh luận nảy lửa và lần đầu tiên quyền lực tuyệt đối của Tập Cận Bình, người mới đây được phong làm ‘Chủ tịch suốt đời’ gặp thách thức nghiêm trọng, chỉ bởi ông ta đã Trung Quốc lún sâu vào cuộc chiến thương mại với Donald Trump mà không có cách nào rút ra được. Không những thế, cả EU, Mỹ và Nhật Bản dường như không hẹn mà gặp, đều hạn chế đầu tư và kinh doanh với Trung Quốc. Sách lược do phái hiếu chiến tại Bắc Kinh dường như đã thất bại, và buộc họ phải lên một sách lược khác, dù muộn màng.
Kế sách ‘ăn miếng trả miếng’ về đánh thuế đối với Mỹ của Bắc Kinh đã hoàn toàn thất bại. Thậm chí không những không đe dọa được Trump thoái lui, kế sách này còn khiến Tổng thống Mỹ tức giận leo thang thêm căng thẳng. Việc Trung Quốc, đáp trả khoản thuế 34 tỷ USD lên hàng Mỹ chẳng khiến Trung Quốc được lợi gì. Nhà Trắng vừa thông báo ngày 23/8 sẽ đánh thuế lên thêm 16 tỷ USD hàng Trung Quốc, và ông Trump lại ra lệnh tăng mức thuế đánh lên 200 tỷ đô hàng Trung Quốc tiếp theo lên 25% chứ không còn chỉ là 10% như trước. Để đáp trả ngày 3/8, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp các mức thuế khác nhau lên 60 tỷ USD hàng Mỹ, và ngày 8/8 công bố danh sách mặt hàng sẽ áp thuế thêm lên 16 tỷ USD để đáp trả Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang tiêu gần hết số hàng mà họ có thể đe dọa áp thuế.
Nhưng đến lúc này thì Trung Quốc phải nhận ra rằng ông Trump không dọa suông. Riêng khoản thuế 200 tỷ USD cũng vượt quá mức mà Trung Quốc có thể đáp trả. Việc này buộc Bắc Kinh phải thay đổi sách lược. Có các tin đồn rằng giới chức Trung Quốc đã cố gắng lập liên minh với Châu Âu và các nước khác để chống lại đòn thuế của Mỹ, tuy nhiên “kế” này cũng thất bại.
“Mỹ và EU là bạn tốt nhất. Bất kỳ ai nói chúng tôi là kẻ thù đều là tin giả”, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter ngày 15/7/2018.
Ngày 26/7, sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tới thăm Washington, EU và Mỹ ký một thỏa thuận về thương mại. Mặc dù nội dung của thỏa thuận này khá mơ hồ, không rõ ràng và không nhất định nghĩa là các vấn đề thương mại giữa hai bên đã được giải quyết, nhưng theo các nhà quan sát Trung Quốc, động thái này chấm dứt hy vọng viển vông mong Châu Âu nhập liên minh chống Mỹ với Trung Quốc. Trên thực tế, ngày 15/7, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk khẳng định “Mỹ và EU là bạn tốt nhất” trên Twitter. Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans cũng tweet: “Châu Âu và Mỹ được gắn kết bởi lịch sử và các giá trị chung”.
Các diễn tiến này đã khiến Trung Quốc báo động trong nỗi sợ rằng mình sắp bị bủa vây. Bên ngoài Trung Quốc, các thỏa thuận thương mại cũng tấp nập kéo đến trước sự bất lực của Bắc Kinh. Ngày 16/7, Nhật và EU ký một hiệp ước tự do thương mại lớn nhất trong lịch sử. Các quan chức thương mại Mỹ và Nhật cũng đã gặp mặt nhau trong tuần qua. Tổng thống Mỹ nói ông có thể gặp Iran “mà không cần điều kiện nào”, ám chỉ việc gạt các quan ngại khác để dành sức đương đầu với Trung Quốc. Giới chức Mexico gần đây bày tỏ lạc quan về việc tái thương thảo Nafta với Mỹ. Dường như chỉ có Trung Quốc là cường quốc duy nhất mà vấn đề thương mại đang lâm vào ngõ cụt.
Các vấn đề kinh tế đã khiến nội bộ Trung Quốc chia rẽ sâu sắc. Giới học giả, các think tank và ngành tài chính bày tỏ lo ngại về định hướng chính sách của Bắc Kinh, không phải chỉ trong vấn đề thương mại với Mỹ mà là hậu quả dồn ứ của nó trong hàng chục năm qua. Ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng sở dĩ Trung Quốc đạt được các thành tựu kinh tế như ngày nay, không phải là do sự lãnh đạo “tài tình” ở Bắc Kinh, mà là do hòa nhập vào hệ thống kinh tế toàn cầu do Mỹ và đồng minh lãnh đạo.
Vì thế thật kém khôn ngoan, hay thậm chí là ngu ngốc khi gửi tín hiệu cho các “lãnh đạo” này rằng mình đang xây dựng một hệ thống mới để lật đổ họ. Tiềm lực Trung Quốc còn cách quá xa khả năng có thể đối đầu kinh tế với Mỹ, bởi nền kinh tế này phụ thuộc vào Mỹ nhiều hơn nhiều Mỹ phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, càng cứng đầu thì Trung Quốc càng tự làm tổn thương mình. Thay vì hướng ngoại và gây chiến, Trung Quốc nên tập trung vào việc cải tổ nền kinh tế quốc nội. “Made in China 2025” – kế hoạch biến Trung Quốc thành trung tâm số một của cách ngành công nghệ cao, là một tham vọng quá sức và quá sớm để một nước chưa chuẩn bị đủ sẵn sàng mang ra gây chiến với Mỹ và liên minh. Ông Trump và các lãnh đạo Châu Âu đã không thể nhắm mắt làm ngơ trước việc Trung Quốc trở nên giàu mạnh từ việc ăn cắp công nghệ và dùng nó để chống lại họ như hàng chục năm qua. Trung Quốc cũng sẽ không đơn giản có thể rút chân khỏi cuộc chiến này một cách êm đẹp. Công nghệ của Mỹ sẽ không dễ dàng bị ăn cắp như trước nữa, thậm chí Mỹ có thể gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi chiến lược mà họ thường dùng nhất là phá giá đồng Nhân Dân Tệ để được lợi bất công về thương mại.
Việc vạch ra kế sách mới vào phút chót không phải dễ dàng. Trong khoảng một tháng qua, Bắc Kinh đau đầu để tìm ra các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động bên ngoài tới nền kinh tế trong nước. Và họ lại làm điều mà họ luôn làm khi quốc tế có khủng hoảng: bơm tiền. Từ cuối tháng 6, chính sách tiền tệ nhanh chóng được chuyển qua thành nới lỏng. Cái gọi là “tranh luận chính sách” giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc với Bộ Tài chính kéo dài không hơn 2 tuần, trong khi các lãnh đạo cấp cao ra chỉ thị chính sách tài chính phải chủ động hơn và yêu cầu “ổn định” ở mọi mặt trận trong thông cáo chung sau khi Bộ chính trị họp ngày 31/7.
Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ phải thuyết phục Trump quay trở lại bàn đàm phán, giống như những gì Châu Âu, Nhật Bản và Mexico đã và đang làm. Tuy nhiên, đến lúc này, không rõ giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm điều này như thế nào. Có các tin tức mới đây rằng Phó Thủ tướng Lưu Hà của Trung Quốc đã bí mật gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin để tìm cách khởi động cuộc đối thoại. Nhưng ngay sau đó, ông Trump đòi nâng thuế dự định đánh lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc từ 10% lên 20%.
Bắc Kinh có thể phải thấy rằng việc “đi cửa sau” với những quan chức cấp dưới của Trump là không hiệu quả. Một giải pháp tốt hơn nhiều là tìm cách đối thoại trực tiếp với ông Trump, gửi tín hiệu “đầu hàng” một cách phù hợp để ông Trump có thể tuyên bố chiến thắng cuộc chiến thương mại. Với cuộc bầu cử Quốc hội tại Mỹ đang đến gần, sẽ tốt nhất nếu Trung Quốc làm điều này trước tháng 11 – thời điểm mà chiến thắng có ý nghĩa lớn nhất với ông Trump. Ví dụ về vụ tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc cho thấy Trump sẽ không đẩy vấn đề đến cực đoan sau khi đạt được mục đích của mình. Trong vụ ZTE là yêu cầu tập đoàn này nộp phạt, thay đổi cơ cấu quản trị và chịu kiểm soát từ phía Mỹ, còn trong cuộc chiến thương mại, mục tiêu của ông ta đơn giản là chiến thắng.
Tất nhiên, chấp nhận đầu hàng sẽ khiến Bắc Kinh mất mặt – một điều không dễ dàng gì đối với các lãnh đạo quốc gia độc đảng này, tuy nhiên, theo tác giả Xu Yimiao của Nam Hoa Tảo Báo, đôi khi đây là lựa chọn tốt nhất để chấm dứt thiệt hại trong thương mại và hy vọng nó sẽ sinh lợi ở một thời điểm khác.
Trọng Đạt
Xem thêm:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…