Nhà cầm quyền Trung Quốc đầu tuần qua đã cho bắt giữ trái phép giám mục Công giáo tại thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc kiến vì đức cha này không quy phục chính quyền cộng sản.
Trung Quốc hiện đang có khoảng 12 triệu tín đồ Công giáo và chính quyền luôn muốn đặt họ dưới quyền kiểm soát.
Theo Asia News, cảnh sát thành phố Ninh Đức, tỉnh Phúc Kiến tối thứ Hai (26/3) đã bắt cóc Đức cha Vincent Guo Xijin – giám mục giáo xứ Mân Đông sau khi ông từ chối cử hành Lễ Phục sinh cùng với ông Zhan Silu – một giám mục mà Đức cha Vincent Guo coi là không chính danh vì ông Zhan đã chính thức bị phế truất khỏi Giáo hội. Ông Zhan Silu là một trong 7 giám mục do chính quyền Trung Quốc chỉ định không được Tòa thánh Vatican công nhận.
Nhà cầm quyền Trung Quốc đã thả tự do cho giám mục Vincent Guo vào thứ Ba (27/3) sau một đêm giam giữ trái phép. Tuy nhiên, ông Guo bị giới chức cấm không cho làm Lễ Thánh trong vai trò giám mục.
Reuters đã gọi điện tới Phòng cảnh sát thành phố Ninh Đức, Phúc Kiến và Văn phòng Các vấn đề Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Phúc Kiến để xác minh sự việc nêu trên nhưng không nhận được hồi đáp.
Bộ Công an Trung Quốc cũng không trả lời khi được Reuters liên hệ đề nghị cung cấp thông tin. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với báo giới rằng ông không biết về tình huống này, nhưng khẳng định chính phủ Trung Quốc bảo vệ đầy đủ quyền tự do tôn giáo của người dân.
Reuters, dẫn theo nguồn tin giấu tên hiểu biết về vấn đề của giám mục Vincent Guo nói rằng ông Guo đã bị các cảnh sát tỉnh Phúc Kiến bắt. Trước đó, ông Guo đã không chấp nhận gia nhập Hiệp hội Công giáo Ái quốc do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, hoạt động độc lập với Tòa thánh Vatican.
Theo Reuters, Công giáo tại Trung Quốc bị chia rẽ giữa các cộng đồng giáo dân “ngầm”, do Đức Giáo Hoàng công nhận và những cộng đồng thuộc Hiệp hội Công giáo Ái quốc của nhà nước Trung Quốc, nơi các giám mục do chính quyền cộng sản chỉ định với sự hợp tác với các cộng đồng Giáo hội.
Theo Asia News, nhà chức trách Trung Quốc đã bắt giám mục Vincent Guo vì muốn ngăn cản ông Guo làm chủ Lễ Thánh hiện tại và cũng nhằm cấm ông không được chủ tọa các Lễ Thánh trong tương lai. Chế độ Bắc Kinh không công nhận ông Guo là giám mục Công giáo chính thức.
Trước đó, ông Guo đã phải đồng ý từ chức giám mục của giáo xứ Mân Đông và chỉ giữ vai trò phụ tá cho ông Zhan Silu – giám mục do chính quyền Trung Quốc chỉ định.
Việc ông Guo từ chức giám mục là động thái thực thi một phần trong thỏa thuận giữa Tòa Thánh Vatican và chính quyền Trung Quốc nhằm thống nhất các giáo hội Công giáo “ngầm” và chính thức, giải quyết tranh chấp về việc ai có quyền bổ nhiệm các giám mục trong các nhà thờ tại Trung Quốc.
Một nguồn tin giấu tên từ Vatican tháng trước nói với Reuters rằng thỏa thuận khung Vatican – Trung Quốc đã sẵn sàng và có thể được ký kết ngay trong tháng này. Thỏa thuận này có thể mở đường cho việc nối lại mối quan hệ ngoại giao chính thức giữa Vatican và Trung Quốc sau khi Tòa Thách cắt đứt liên hệ từ khi Trung Quốc do Đảng Cộng sản nắm quyền năm 1949.
Reuters cho hay theo thỏa thuận này, Tòa Thánh Vatican sẽ có tiếng nói trong các cuộc đàm phán để bổ nhiệm các giám mục tương lai tại Trung Quốc.
Để được phía Trung Quốc chấp nhận, Vatican đã yêu cầu các giám mục như ông Guo phải từ chức và đồng ý công nhận 7 giám mục “không chính danh” do Hiệp hội Công giáo Ái quốc Trung Quốc chỉ định, những người bị chính quyền giám sát chặt chẽ. Đổi lại, nếu Bắc Kinh ký thỏa thuận, họ sẽ công nhận chính thức 20 giám mục do Tòa Thánh Vatican chỉ định và khoảng 40 giám mục đã được chỉ định trong các giáo hội “ngầm”. Trung Quốc cũng sẽ đồng ý tôn trọng quyền phủ quyết của Đức Giáo Hoàng đối với bất cứ cá nhân nào trong danh sách giám mục do Bắc Kinh chỉ định.
Song song với việc đàm phán với Vatican, chính quyền Trung Quốc vẫn tiếp tục sách nhiễu những giám mục không chịu quy phục như ông Guo. Asia News cho biết trước khi ông Guo bị bắt, một số giám mục của các nhà thờ Công giáo “ngầm” cũng bị các nhà chức trách bắt giữ để gây sức ép buộc những người này phải gia nhập Hiệp hội Công giáo Ái quốc. Các giám mục này cương quyết không gia nhập Hiệp hội vì nó bị quản lý bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). ĐCSTQ đang muốn tìm mọi cách để buộc người dân phải tuân thủ chính sách “Hán hóa tôn giáo” của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tiến trình “Hán hóa tôn giáo” sẽ làm cho các tôn giáo đồng hóa với văn hóa Trung Quốc, thực chất là buộc các tôn giáo và giáo dân phục tùng các quy định của nhà nước và ĐCSTQ.
Các nhà phê bình, trong đó có Đức Hồng y Joseph Zen – cựu giám mục của Hồng Kông, chỉ trích thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc là bước lùi nguy hiểm của Tòa Thánh. Họ cho rằng với thỏa thuận này, Vatican sắp sửa “bán hết” người Công giáo ở Trung Quốc như giám mục Guo – những người vẫn trung thành với Vatican và trước nay phải chịu đựng rất nhiều khó khăn để giữ được sự trung thành như vậy.
Khi được báo giới hỏi về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng không được phép bắt giữ hay sách nhiễu bất kỳ ai bày tỏ quan điểm của họ một cách hòa bình.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt các chính sách hạn chế quá mức việc thực hành tự do tôn giáo hoặc không cho phép các cá nhân bằng năng lực của họ thực hiện các quyền con người chính đáng”, Reuters dẫn phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Reuters cũng nhận định rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao chính thức giữa Vatican và Đài Loan.
Vatican là một trong 20 nước vẫn công nhận Đài Loan tự trị là nhà nước độc lập với tên gọi chính thức là Cộng hòa Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh trước nay luôn khẳng định rằng nếu nước nào muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc Đại lục, thì họ sẽ phải chấm dứt quan hệ với Đài Loan.
Xuân Thành (T/h)
Xem thêm:
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.