Tổng thống Mỹ Joe Biden, tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo khu vực Đông Á hôm 27/10, đã nói rằng Mỹ cực kỳ quan ngại về những hành vi ‘áp bức’ của Trung Quốc tại Eo biển Đài Loan.
Bình luận nêu trên của Tổng thống Biden được đưa ra vài tuần sau khi Trung Quốc triển khai số lượng kỷ lục máy bay quân sự các loại xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không của Đài Loan. Động thái gây hấn này của Bắc Kinh khi đó đã kích hoạt phản ứng mạnh mẽ của Đài Bắc và Washington.
Phát biểu tại sự kiện trực tuyến có sự tham dự của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và các lãnh đạo của các quốc gia khác trong khu vực Đông Á, Tổng thống Biden đã tái khẳng định rằng Mỹ có cam kết “vững chắc” với Đài Loan.
“Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những hành vi áp bức của Trung Quốc”, ông Biden nói, đồng thời cáo buộc những động thái của Bắc Kinh trên Eo biển Đài Loan gần đây “đã đe dọa tới hòa bình và ổn định khu vực”.
“Mỹ cam kết với Đài Loan. Thực tế, cam kết đó là vững chắc và nhất quán xuyên suốt các chính quyền [tại Washington]. Cam kết đó tiếp tục duy trì hòa bình và ổn định xuyên Eo biển Đài Loan, cũng như trong khu vực”, ông Biden nói.
Theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1979, Washington có nghĩa vụ cung cấp cho Đài Loan các công vụ tự vệ. Trong khi đó, chế độ Trung Quốc trước nay luôn coi Đài Loan là lãnh thổ ngoài khơi xa của họ và có thể tiếp quản bằng vũ lực nếu cần.
Tuần trước, ông Biden cũng đã khuấy động tranh cãi khi tuyên bố rằng Mỹ “cam kết” bảo vệ Đài Loan nếu quốc đảo này bị chế độ Trung Quốc tấn công. Phát ngôn này của ông Biden là khác với chính sách “mập mờ chiến lược” từ lâu của Mỹ về vấn đề Đài Loan. Với chiến lược mập mờ này, Washington luôn cố tình không thể hiện quan điểm rõ ràng về cách họ sẽ phản ứng với kịch bản Trung Quốc tấn công Đài Loan.
Nhà Trắng sau đó nói rằng phát biểu của ông Biden không phải là dấu hiệu về sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Trong khi đó, một số nhà phân tích chính trị quốc tế nhận định rằng ông Biden thực ra đã lỡ lời.
Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến với các lãnh đạo Đông Á hôm 27/10, Tổng thống Biden đã tái khẳng định cam kết của Mỹ về việc bảo đảm khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Trong những tháng gần đây, Mỹ đã tăng cường củng cố hợp tác với đồng minh, trong đó có việc cùng Anh và Úc đồng thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh ba bên mới Mỹ – Anh – Úc, gọi tắt là “AUKUS”. Liên minh AUKUS được cho là để ứng phó với việc Bắc Kinh ngày càng phô trương sức mạnh quân sự và kinh tế tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Xuân Thành (Theo Reuters)
Xem thêm:
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…