TT Trump ra mắt Bộ Tư lệnh Không gian, tiền đề thành lập Quân chủng Không gian

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/8 đã chính thức ra mắt Bộ Tư lệnh Không gian Hoa Kỳ. Đây là một bước đệm tiến tới thành lập Lực lượng Không gian – quân chủng thứ sáu của quân đội Mỹ mà ông Trump thông báo vào năm ngoái.

Bộ Tư lệnh Không gian sẽ đảm bảo rằng sự thống trị của Mỹ trên không gian là không bao giờ bị nghi ngờ và không bao giờ bị đe dọa,” ông Trump nói tại Tòa Bạch Ốc hôm 29/8.

Bộ tư lệnh tác chiến thống nhất mới sẽ trực thuộc Không Lực Hoa Kỳ và do Tướng Không quân John Raymond làm chỉ huy trưởng.

Tổng thống Trump đã gọi sự kiện thành lập Bộ Tư lệnh Không gian là “ngày đáng nhớ” thừa nhận “vị trí trung tâm của không gian trong an ninh và quốc phòng Mỹ”.

Những địch thủ của chúng ta đang vũ khí hóa quỹ đạo trái đất bằng công nghệ mới nhắm vào vệ tinh Mỹ, những thiết bị quan trọng cho cả hoạt động chiến trường và đời sống của chúng ta ở trong nước,” ông Trump nói. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh rằng mục tiêu của bộ tư lệnh không gian là để “ngăn chặn hiệu quả sự xâm lược và vượt trội so với các đối thủ của Mỹ”.

Hệ thống các bộ tư lệnh tác chiến Hoa Kỳ có từ năm 1946 và làm nhiệm vụ kiểm soát lực lượng từ nhiều quân chủng trong phạm vi trách nhiệm phụ trách của mỗi bộ tư lệnh. Bộ Tư lệnh Không gian là bộ tư lệnh thứ 11 của quân đội Mỹ, và đây là bộ tư lệnh thứ hai do Tổng thống Donald Trump thành lập. Vào ngày 4/5/2018, ông Trump đã cho ra mắt Bộ Tư lệnh Không gian mạng.

Quân chủng Không gian

Vào ngày 18/6/2018, Tổng thống Trump đã thông báo rằng các hoạt động không gian của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ được tách ra thành một quân chủng mới – Lực lượng Không gian Hoa Kỳ.

Bộ Tư lệnh Không gian vừa được thành lập sẽ chịu trách nhiệm để hoàn tất xây dựng quân chủng mới.

Ông Trump đã ra lệnh thiết lập Lực lượng Không gian nhằm củng cố sự tập trung của quân đội Mỹ vào các hoạt động không gian, bao gồm các hoạt động như phóng vệ tinh, cung cấp thông tin liên lạc, tình báo, cảnh báo tên lửa, điều hướng hàng hải, cũng như các hoạt động phản công không gian.

Các hoạt động phản công không gian đang ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây khi mà Trung Quốc và Nga đang tập trung mở rộng khả năng quân sự của họ trong không gian.

Tên lửa và Laser

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) trong một báo cáo năm 2019 cho biết: “Các học thuyết quân sự của Trung Quốc và Nga chỉ ra rằng họ coi không gian là khu vực quan trọng trong chiến tranh hiện đại và xem khả năng phản công không gian là phương tiện để làm giảm hiệu quả quân sự của Mỹ và đồng minh.

Cả Trung Quốc và Nga năm 2015 đều thừa nhận quân đội của họ đang tập trung nhiều hơn vào các hoạt động không gian.

Báo cáo của DIA nói thêm rằng Trung Quốc và Nga đã phát triển “các dịch vụ không gian mạnh mẽ và có năng lực, trong đó có tình báo dựa vào không gian, giám sát và trinh sát”, những hoạt động này cho phép họ “giám sát, theo dõi và nhắm mục tiêu vào các lực lượng Mỹ và đồng minh”.

Họ đã xây dựng được các mạng lưới giám sát “có khả năng tìm kiếm, theo dõi và nhận dạng các vệ tinh trên khắp quỹ đạo trái đất”.

Họ cũng đã phát triển các phương tiện vô hiệu hóa hoặc phá hủy vệ tinh, bao gồm các biện pháp như tấn công mạng, gây nhiễu, làm mờ vệ tinh bằng laser, vi sóng, kéo, bắn hoặc đâm chúng bằng các vệ tinh khác, cũng như bắn chúng bằng các tên lửa mặt đất.

Nhiều khả năng quân sự hiện đại hoạt động được là do được kích hoạt hoặc trợ giúp từ vệ tinh, bao gồm nhắm mục tiêu tên lửa, liên lạc, theo dõi hoạt động chuyển quân và phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo.

Tấn công vệ tinh cũng có thể được sử dụng để làm tê liệt các dịch vụ dân sự như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), hệ thống truyền hình, chuyển dữ liệu, thậm chí cả các giao dịch thẻ tín dụng và rút tiền ATM.

Không lực Hoa Kỳ đã từng cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ không gian của Mỹ. Cơ quan này cho rằng công nghệ không gian của Mỹ đã giúp Trung Quốc phát triển hệ thống của riêng họ. Một hệ thống được Trung Quốc tự phát triển theo cách đánh cắp công nghệ Mỹ là hệ thống định vị toàn cầu BeiDou, phỏng theo công nghệ GPS của Mỹ.

Ủy ban Đánh giá Kinh tế Mỹ – Trung năm 2017 đã cảnh báo rằng khi Trung Quốc hoàn thành lắp đặt mạng BeiDou với 35 vệ tinh vào năm 2020 sẽ cho phép họ tấn công vào các mục tiêu với “độ sai lệnh chỉ dưới 10m”.

Vũ trang không gian

Hiệp ước Không gian vũ trụ 1967 cấm các nước ký kết triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân trong không gian. Tuy nhiên, hiệp ước này lại không cấm các nước thiết lập vũ khí thông thường trong không gian.

Báo cáo năm 2019 của DIA cho biết “mặc dù Trung Quốc và Nga đang phát triển các hệ thống vũ khí không gian, nhưng họ lại cũng đồng thời thúc đẩy các thỏa thuận tại Liên Hiệp Quốc nhằm giới hạn vũ khí hóa không gian. Đề xuất của họ không xét đến nhiều khả năng chiến tranh không gian và những thỏa thuận đề xuất này cũng thiếu các cơ chế xác minh, từ đó tạo khoảng trống cho Trung Quốc và Nga tiếp tục phát triển các vũ khí không gian”.

Không gian đã chật chội

Quỹ đạo trái đất đang ngày càng trở nên chật chội. Trên không gian này hiện có ít nhất 666 vệ tinh tình báo, 790 vệ tinh thông tin liên lạc, 129 vệ tinh điều hướng hàng hải, và 303 vệ tinh khoa học, theo ông William Roper, trợ lý chỉ huy Không Lực Mỹ phát biểu vào ngày 20/3/2019. Vệ tinh của Mỹ chiếm khoảng gần một nửa tổng số vệ tinh nêu trên.

Ông William Roper cũng cho biết kinh tế không gian đã tăng trưởng tới mức 350 tỷ USD.

Chi phí thành lập và vận hành Lực lượng Không gian

Cũng theo ông William Roper, Không Lực Mỹ đã yêu cầu 14 tỷ USD cho các dự án không gian trong năm tài khóa 2020, tăng 17% so với năm tài khóa 2019 để “phát triển các khả năng không gian phòng thủ mới”. Trong số đó, 72 triệu USD sẽ được dùng vào việc xây trụ sở của Lực lượng Không gian với số nhân viên ban đầu là 160 người.

Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu 2 tỷ USD trong 5 năm cho Lực lượng Không gian, dự tính số nhân viên của quân chủng này là 15.000 người, theo một số quan chức quân đội Mỹ nói với trang Military.com.

Bộ Tư lệnh Không gian sẽ bắt đầu với số nhân viên khoảng 600 người và được rút từ nguồn lực của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, đơn vị hiện đang quản lý các hoạt động không gian, theo Space News.

Tổng thống Trump hôm 29/8 tuyên bố: “Với hành động hôm nay, chúng ta mở ra một chương vĩ đại khác trong lịch sử phi thường của quân đội Hoa Kỳ. Bộ Tư lệnh Không gian sẽ đảm bảo rằng sự thống trị của Mỹ trong không gian không bao giờ bị nghi ngờ và không bao giờ bị đe dọa, bởi vì chúng ta biết cách tốt nhất để ngăn chặn xung đột là phải chuẩn bị cho chiến thắng.

Như Ngọc (Theo The Epoch Times)

Xem thêm:

Như Ngọc

Tôi yêu thích và quan tâm tình hình chính sự và thông tin thời cuộc thế giới, bình luận và phân tích về chính trị Mỹ, Trung và thế giới nói chung. Hiện tại tôi đang đóng góp cho chuyên mục Thế giới của báo trithucvn.org.

Published by
Như Ngọc

Recent Posts

Nga bắn tên lửa tầm trung, không phải ICBM — Tổng thống Putin

Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…

2 giờ ago

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

7 giờ ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

8 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

8 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

9 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

11 giờ ago