Hôm thứ Năm (5/10), Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu rằng nếu lục địa này dao động trong việc ủng hộ Kyiv, Nga có thể gây dựng lại năng lực quân sự của họ và tấn công các nước khác trong vòng 5 năm.
Tham dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng Chính trị Châu Âu ở Tây Ban Nha, ông Zelensky cho biết ông vẫn tin tưởng vào việc Hoa Kỳ và Châu Âu tiếp tục viện trợ tài chính cho Ukraine, bất chấp “cơn bão chính trị” đang diễn ra ở Washington và các nơi khác.
Trong bài phát biểu đầy cảm xúc, ông Zelensky mô tả trẻ em Ukraine ở thành phố phía đông Kharkiv đang phải học từ xa hoặc tham gia lớp học tại ga tàu điện ngầm vì các cuộc không kích.
Ông nói trước cuộc họp ở thành phố Granada: “Trẻ em không thể tới trường cho đến khi có một hệ thống phòng không hoàn toàn hiệu quả”.
Theo các quan chức Ukraine, cuộc tấn công của Nga vào một ngôi làng ở vùng Kharkiv hôm 5/10 đã giết chết ít nhất 51 người, trong đó có 1 cậu bé 6 tuổi. Thông tin này chưa thể được xác minh độc lập.
Ông Zelensky phân tích rằng bằng cách cung cấp thêm thiết bị quân sự cho Ukraine, các nước châu Âu có thể giúp đảm bảo “máy bay không người lái, xe tăng hoặc bất kỳ vũ khí nào khác của Nga sẽ không tấn công bất kỳ ai khác ở châu Âu”.
“Chúng ta không được cho phép (Tổng thống Nga Vladimir) Putin gây bất ổn cho bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới và các đối tác của chúng ta nhằm hủy hoại sức mạnh của châu Âu”, trích lời ông Zelensky.
Ông nói thêm: “Sự hiện diện của Nga, quân đội hoặc lực lượng ủy nhiệm của họ trên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào khác là mối đe dọa đối với tất cả chúng ta. Chúng ta phải hợp tác để đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của các quốc gia khác”.
Cộng đồng Chính trị Châu Âu được thành lập vào năm ngoái sau khi Nga xâm lược Ukraine nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hơn 40 quốc gia từ Na Uy cho đến Moldova.
Gần đây, những bất ổn chính trị ở cả Mỹ và châu Âu đã đặt ra câu hỏi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Cuộc họp mặt ở Granada là nơi để các nhà lãnh đạo như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Rishi Sunak xem xét việc tái khẳng định cam kết của họ với Ukraine.
Tranh chấp giữa các Đảng viên Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Hoa Kỳ khiến các cuộc đàm phán về ngân sách trở nên phức tạp. Tổng thống Joe Biden, một Đảng viên Dân chủ, đã chuyển từ việc tin tưởng rằng sẽ đạt được thỏa thuận về viện trợ Ukraine sang bày tỏ quan ngại một cách công khai.
Sự ủng hộ ở châu Âu dường như cũng kém vững chắc hơn sau khi cựu Thủ tướng thân Nga Robert Fico giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Slovakia vào cuối tuần trước với cam kết chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tổng thống Zelensky thừa nhận sự lo ngại nhưng cho biết bản thân lạc quan về việc sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ.
“Tình hình với Mỹ rất nguy hiểm, đây là một giai đoạn khó khăn”, ông Zelensky phát biểu sau khi tổ chức một số cuộc họp tại hội nghị thượng đỉnh.
“Tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ và châu Âu sẽ ở bên cạnh Ukraine và chúng ta sẽ cùng nhau thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.”
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen, cho hay khối này đang nghiên cứu gói hỗ trợ Ukraine trị giá 50 tỷ euro cho giai đoạn 2024-2027, đồng thời nói thêm rằng bà “rất tin tưởng” về việc Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ Kyiv.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Ukraine có thể tiếp tục trông cậy vào sự hỗ trợ từ châu Âu.
“Có một cam kết rất sâu sắc, rất mạnh mẽ bởi vì tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta đang nói về châu Âu và về khả năng đạt được hòa bình lâu dài trên lục địa của chúng ta”, trích lời ông Macron.
Thủ tướng Đức Scholz cho biết nước này đang xem xét cung cấp thêm hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine vào những tháng mùa đông. Ngoài ra, theo một nguồn tin chính phủ, Tây Ban Nha đã đề nghị cung cấp thêm cho Ukraine 6 hệ thống phòng không HAWK để bảo vệ hành lang ngũ cốc và cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Tổng thống Zelensky cho hay ông đã thảo luận với Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez về gói viện trợ quân sự mới, về vấn đề hỗ trợ năng lượng và phương thức duy trì một hành lang ở Biển Đen cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.
Nga đã rút khỏi một thỏa thuận vào tháng Bảy cho phép Ukraine – nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới – vận chuyển thực phẩm một cách an toàn qua Biển Đen.
Gần đây, Nga cũng bác bỏ đề nghị nhằm khôi phục thỏa thuận này vốn do Liên Hợp Quốc làm trung gin, trong khi Ukraine đang tiếp tục xuất khẩu một số mặt hàng thông qua cái mà họ gọi là “hành lang nhân đạo” tạm thời cho các tàu chở hàng.
Những nỗ lực của Ukraine trong việc xuất khẩu ngũ cốc bằng đường bộ qua các nước EU đã gây ra căng thẳng với Ba Lan và một số thành viên khác thuộc khu vực Đông Âu đang muốn bảo vệ nông dân của họ. Kyiv và Brussels cũng đang thảo luận về việc mở rộng các tuyến đường biển thay thế.
Hội nghị thượng đỉnh tại Tây Ban Nha lần này cũng sẽ thảo luận về những nỗ lực của Ukraine và các nước khác trong việc gia nhập EU cũng như cách giải quyết làn sóng người tị nạn và người di cư ngày càng tăng từ Trung Đông và châu Phi – cả hai đều được coi là những thách thức hiện hữu đối với EU.
Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez phát biểu: “Việc chuyển từ một EU gồm 27 [quốc gia] thành một EU gồm 35 [quốc gia] sẽ tạo ra nhiều thách thức trong nội bộ. Chúng tôi sẽ mở ra cuộc thảo luận lớn này ở Granada để đưa chúng ta đến một cải cách sâu sắc đối với EU”.
Nội dung thảo luận bên lề cuộc họp ngày 5/10 tập trung vào các cuộc khủng hoảng giữa Azerbaijan và Armenia cũng như giữa Serbia và Kosovo, vốn đã bùng phát những tuần gần đây trong bối cảnh các nỗ lực hòa giải của EU đang gặp khó khăn.
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…