Qua 3 năm từ sau bùng phát dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), nhiều nước trên thế giới đã chuyển hướng trong hợp tác với Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã lợi dụng đại dịch để tiếp tục thực hiện chiến lược mở rộng “Vành đai và Con đường” nhưng dường như không còn hiệu quả, nhiều “quan hệ hữu nghị” mà họ dùng lợi ích mua chuộc được đang dần sụp đổ.
Vào tháng Năm năm nay, ông Bongbong Marcos thắng cử Tổng thống Philippines. Vị Tổng thống mới này đã khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên trong thay đổi chính sách đối ngoại, đặc biệt là đối với ĐCSTQ. Trước chiến dịch tranh cử, ông Marcos nhiều lần cho thấy có thiện chí với Bắc Kinh và thờ ơ với Mỹ.
Trang thông tin NetEase (Wangyi.com) của Trung Quốc Đại Lục từng tuyên bố ông Marcos sẽ tiếp tục duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và sẽ không theo Mỹ để chống lại họ. Một số phương tiện truyền thông quốc tế cũng cho rằng chiến thắng của ông Marcos không phải là tin tốt cho Mỹ. Việc Mỹ muốn lôi kéo Philippines để kiềm chế ĐCSTQ là không khả thi.
Trước cuộc bầu cử ở Philippines, trang QQ Tencent của Trung Quốc đã công bố bài viết trích dẫn một báo cáo ngày 21/4 của ông Joshua Kurlantzick thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ chỉ ra rằng ông Marcos có thể tiếp tục chính sách thân ĐCSTQ thời chính quyền Rodrigo Duterte.
Nhưng mọi nhận định như vậy đã đảo ngược sau khi ông Marcos đến thăm Mỹ.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 20/9/2022 tại Thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images)
Ngày 20/9, ông Marcos đã có bài phát biểu tại thảo luận chung của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 77, nhắc lại: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thân thiện với tất cả các nước, không thù nghịch với bất kỳ ai”. Cùng ngày, ông Marcos và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm bên lề tại Đại hội đồng LHQ, ông Marcos nói với ông Biden: “Vai trò của Mỹ trong việc duy trì hòa bình ở khu vực của chúng tôi được tất cả các nước trong khu vực, đặc biệt là Philippines, đánh giá cao”.
Hai bên cam kết tăng cường liên minh, nhấn mạnh ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông để đối phó với hành vi khiêu khích của ĐCSTQ ở Biển Đông. Ông Marcos chia sẻ: “Quan hệ hữu nghị hơn 100 năm giữa Philippines và Mỹ tiếp tục phát triển… Tôi muốn xác định lại mối quan hệ đó trên nhiều lĩnh vực”.
Những lời của ông Marcos được nhiều nhà quan sát nhận định rằng chuyển hướng thân Mỹ. Một số học giả Philippines cho rằng Philippines đang điều chỉnh lại đường lối chống Mỹ trong quá khứ, Chính phủ mới không đồng ý với đường lối chống Mỹ và thân ĐCSTQ của cựu Tổng thống Duterte, sẽ ngày càng xích lại gần thế giới phương Tây.
Trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Duterte của Philippines, ông Duterte chưa gặp bất kỳ nhà lãnh đạo phương Tây nào, kể cả Mỹ.
Ông Marcos nói với Bloomberg rằng Philippines muốn tiếp tục quan hệ thương mại với Trung Quốc. Về tuyên bố chủ quyền của ĐCSTQ đối với các phần của Biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền, ông Marcos cho biết tại Đại hội đồng LHQ rằng Philippines sẽ giải quyết các tranh chấp với các nước khác thông qua luật pháp quốc tế như “Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982” (UNCLOS).
Năm 2013, ĐCSTQ đã chiếm đóng bãi cạn Scarborough (ở phía nam của Trung Quốc) mà Philippines tuyên bố chủ quyền (ĐCSTQ gọi là đảo Hoàng Nham), khi đó Chính phủ Duterte kiện lên Tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague – Hà Lan. Tòa trọng tài đã ra phán quyết vào tháng 7/2016 tuyên bố của ĐCSTQ về lợi ích lịch sử trong “đường 9 đoạn” ở Biển Đông là không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển.
Nhưng cho đến nay, ĐCSTQ vẫn từ chối thừa nhận phán quyết. Quan hệ hai nước trở nên căng thẳng trong vấn đề này.
Mối quan hệ hữu nghị trước đây giữa chính quyền Duterte và ĐCSTQ đã dần trở nên nguội lạnh khi trong những năm gần đây quân đội ĐCSTQ liên tục xâm phạm vùng lãnh hải tranh chấp.
Tại “Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – ASEAN kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại” diễn ra tháng 11/2021, ông Duterte đã công khai tuyên bố trước sự chứng kiến của ông Tập rằng ông “ghê tởm” trước đụng độ gần đây giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông. Ở đây, ông Duterte đề cập đến việc tàu tuần duyên ĐCSTQ bắn vòi rồng vào hai tàu tiếp tế đang hướng đến bãi cạn Thomas thứ hai (Second Thomas Shoal) trên Biển Đông để chuyển tiếp tế cho binh sĩ Philippines.
Những năm gần đây, ĐCSTQ đã xây dựng các đường băng và các cơ sở khác trên một số đảo tranh chấp bằng cách mở rộng vùng diện tích nhân tạo, đồng thời sử dụng lực lượng hải quân và lực lượng dân quân hàng hải để xua đuổi tàu của các nước khác được cho là đã xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Vào tháng 3/2021, Philippines tuyên bố hơn 200 tàu dân quân Trung Quốc (thường được gọi là “quân xanh nhỏ/tiểu lam nhân”) đã đi vào Đá Ba Đầu [Việt Nam tuyên bố chủ quyền] mà Philippines gọi là bãi đá ngầm Whitsun thuộc Khu đặc quyền kinh tế của Philippines, khiến tình hình trở lại căng thẳng.
ĐCSTQ tuyên bố rằng bãi Đá Ba Đầu là một phần của cái gọi là quần đảo Nam Sa của Trung Quốc [tức Quần đảo Trường Sa của Việt Nam], các tàu của Trung Quốc chỉ ở đó để tránh gió.
Những thăm dò đã được chứng minh Biển Đông giàu tài nguyên dầu khí, ngoài ra đây cũng là một tuyến đường vận chuyển quan trọng giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong lịch sử, Trung Quốc Đại Lục, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Mỹ đã nhiều lần đảm bảo rằng nếu Philippines bị tấn công ở Biển Đông thì Mỹ sẽ giúp bảo vệ Philippines theo “Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines” (Mutual Defense Treaty). Sau khi tàu Cảnh sát biển ĐCSTQ bắn vòi rồng vào tàu Philippines trên bãi đá ngầm Thomas thứ hai, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đã phản đối mạnh mẽ lên Đại sứ ĐCSTQ tại Philippines và Bộ Ngoại giao của họ, đồng thời nhắc nhở chính quyền ĐCSTQ rằng tàu của Philippines được bảo vệ theo “Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines”.
Vào năm 2014, Mỹ và Philippines cũng đã ký “Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA)”.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Nikkei hồi đầu tháng Chín, Đại sứ Jose Manuel Romualdez của Philippines tại Mỹ cho biết, Philippines đang đàm phán với Mỹ để tăng số lượng căn cứ quân sự mà quân đội Mỹ có thể sử dụng. “Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường” cho phép Mỹ duy trì hiện diện quân sự luân phiên tại 5 căn cứ ở Philippines.
Ngày 23/9 ông Marcos nói rằng do khoảng cách địa lý của Philippines với Trung Quốc và Đài Loan, nếu xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan thì Philippines cũng khó “tránh thảm họa”, và rằng Philippines không có khả năng về mặt quân sự nên phải dựa vào đồng minh.
Không nghi ngờ đồng minh đó chính là Mỹ.
Điều thú vị là lần này ĐCSTQ đã đánh giá sai lầm tình hình. Chưa đầy 24 giờ sau khi ông Marcos đắc cử Tổng thống, Đại sứ Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) của ĐCSTQ tại Philippines đã bày tỏ thái độ của phía chính quyền Trung Quốc rằng Trung Quốc và Philippines là bạn bè và láng giềng. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ cũng tuyên bố rằng mối quan hệ liên lạc và phát triển giữa Trung Quốc và Philippines là không có giới hạn, hợp tác cùng có lợi giữa hai nước là tràn đầy triển vọng.
Theo thông tin được Đại sứ quán ĐCSTQ tại Philippines công bố vào tháng Sáu năm nay cho hay trong 6 năm liên tiếp, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines, đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Philippines. Trong 6 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư 161 tỷ peso (khoảng 2,73 tỷ USD) vào Philippines theo thỏa thuận, trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ hai ở Philippines.
Sau 3 năm Đại dịch COVID-19 rồi tới chiến tranh Nga xâm lược Ukraine bùng nổ kéo dài hơn 7 tháng qua, một nhóm các cường quốc và chính phủ ban đầu thân ĐCSTQ đã thay đổi lập trường và tham gia vào phe ngăn chặn [bành trướng vô pháp] của ĐCSTQ đứng đầu là Mỹ. Trước ông Marcos của Philippines, vào cuối tháng Năm năm nay, ĐCSTQ đã bị “bất ngờ” khi ông Anthony Albanese đắc cử Thủ tướng Úc.
Ngày 21/5, Đảng Lao động của ông Albanese đã đánh bại Đảng Tự do của ông Scott Morrison vốn có quan điểm cứng rắn với ĐCSTQ. Khi đó Bắc Kinh mừng thầm. Ngày 23/5, Thủ tướng ĐCSTQ Lý Khắc Cường đã chúc mừng ông Albanese nhậm chức Thủ tướng. Trong điện mừng cùng dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Úc, ông Lý Khắc Cường bày tỏ mong ông Albanese thúc đẩy phát triển ổn định quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – Úc.
Nhưng ngày 23/5, khi ông Albanese nói về quan hệ Úc – Trung Quốc trong cuộc họp báo đầu tiên sau khi nhậm chức, cho rằng chính ĐCSTQ chứ không phải Úc đã thay đổi. Úc luôn kiên định đối với hệ giá trị của Úc, và chính phủ của ông sẽ tiếp tục làm như vậy.
Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ là Thời báo Hoàn cầu tuyên bố trong một bài xã luận rằng thực trạng xấu đi của quan hệ Trung – Úc là “phát súng đầu tiên nhắm vào Canberra”. “Phát súng đầu tiên” đề cập đến năm 2018, Chính phủ thời cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull ngăn chặn chuỗi cung ứng của Trung Quốc đặc biệt là Huawei xây dựng mạng 5G tại Úc. Tờ Thời báo Hoàn Cầu tuyên bố: “Úc là nước đầu tiên trên thế giới cấm Huawei và các nhà cung cấp khác của Trung Quốc cung cấp thiết bị 5G tại Úc”, “Đây cũng là đội tiên phong thách thức Trung Quốc (tẩy chay ĐCSTQ) về một loạt vấn đề liên quan đến Tân Cương, Hồng Kông và Đài Loan”.
Trang NetEase thừa nhận trong một tài liệu ngày 22/5 rằng Chính phủ mới của Úc không mấy thay đổi lập trường thù địch của Chính phủ Morrison đối với ĐCSTQ.
Theo tin ngày 17/3 của tờ “Người Úc” (The Australian), khi Ngoại trưởng ĐCSTQ Vương Nghị gặp Ngoại trưởng Úc Penny Wong tại Bali, ông ta đã liệt kê 4 yêu cầu để cải thiện quan hệ Trung – Úc: Úc nên coi ĐCSTQ là “đối tác chứ không phải là đối thủ”; hai bên phải tìm kiếm điểm chung trong sự khác biệt; Úc cần từ chối “chi phối của các nhà sản xuất khác biệt của đối tác Trung Quốc”; cả hai bên phải thiết lập “nền tảng dư luận xã hội tích cực”.
Đáp lại “chỉ thị” kiểu ta là lãnh đạo này, Thủ tướng Albanese tuyên bố trước cộng đồng quốc tế rằng Úc “không đáp ứng các yêu cầu”; “chúng tôi đáp ứng lợi ích quốc gia của chính mình”.
Trang NetEase của Trung Quốc cũng cho biết ĐCSTQ không nên có quá nhiều ảo tưởng về Chính phủ Albanese.
Vào tháng Chín, 2 nước Tây Âu quan trọng là Anh và Ý cũng đã lần lượt bầu các phụ nữ cánh hữu mạnh mẽ lên làm lãnh đạo: bà Liz Truss và bà Giorgia Meloni.
Ngày 20/9, bà Truss tham dự Đại hội đồng LHQ lần đầu tiên với tư cách là Thủ tướng Anh. Trong chuyến đi đến New York, bà đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, kêu gọi các nền dân chủ cùng chí hướng kiên định ngăn chặn các chế độ độc tài.
Sau khi trở thành Thủ tướng Anh, bà Truss đã nhiều lần bày tỏ sẽ có lập trường cứng rắn đối với Nga và chế độ ĐCSTQ. Bà cho biết Anh đang làm việc với các đồng minh G7 để giảm sự phụ thuộc chiến lược vào Trung Quốc và đảm bảo một “phản ứng chung” đối với các mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.
Khi được hỏi nếu ĐCSTQ xâm phạm lãnh thổ Đài Loan thì Anh có như tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Biden sẵn sàng bảo vệ Đài Loan về mặt quân sự hay không, bà Truss đã nói “Chúng tôi quyết tâm làm việc với các đồng minh của mình để đảm bảo rằng Đài Loan có thể tự vệ… Chúng tôi cần theo bài học Ukraine”.
Theo nguồn tin trước đó của Thời báo Hindustan (Ấn Độ), bà Truss đã gọi cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng.
Theo The Guardian của Anh, do quan hệ giữa Trung Quốc và Anh ngày càng xấu đi, Chính phủ Anh có kế hoạch đóng cửa dần 30 Học viện Khổng Tử tại nước này và thay vào đó thuê giáo viên Đài Loan dạy tiếng Trung ở Anh.
Tại Ý, ngày 25/9, bà Giorgia Meloni thuộc Đảng anh em của Ý (Brothers of Italy) đã giành chiến thắng, và sẽ là thủ tướng kế nhiệm người tiền nhiệm cánh tả. Trước cuộc bầu cử, bà nói rằng sẽ tăng cường hợp tác với Đài Loan, gây bất mãn mạnh mẽ từ ĐCSTQ.
Trong cuộc phỏng vấn bằng văn bản do Hãng thông tấn Trung ương đăng tải ngày 23/9, bà Meloni nói rằng đảng mà bà lãnh đạo và Đài Loan “được kết nối bằng tình hữu nghị chân thành”. Trước các mối đe dọa, EU nên sử dụng mọi biện pháp chính trị và ngoại giao để gây áp lực toàn diện nhằm tránh xung đột ở eo biển Đài Loan.
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters hồi tháng Tám, bà cho biết rằng việc bà được bầu làm thủ tướng Ý sẽ hạn chế sự bành trướng của Trung Quốc ở Ý và châu Âu, đồng thời cho biết bà không có ý định tiếp tục tham gia vào sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Việc chuyển hướng tại Ý là một đòn nặng nề đối với ĐCSTQ. Ý là thành viên sáng lập của NATO và Liên minh châu Âu, đồng thời là thành viên của G7 và G20. Ý đã ký thỏa thuận hợp tác “Vành đai và Con đường” với ĐCSTQ từ hồi tháng 3/2019, trở thành nước G7 đầu tiên tham gia sáng kiến này.
Đức hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G7. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck ngày 15/9 cho biết G7 đã nhất trí đưa ra lập trường cứng rắn hơn và phối hợp hơn chống lại Trung Quốc về các vấn đề thương mại.
Sau cuộc họp, ông Habeck nói với giới truyền thông rằng “Đức không còn ngây thơ về Trung Quốc (ĐCSTQ)”, phải đảm bảo các tiêu chuẩn cao của thương mại quốc tế và ngăn chặn ĐCSTQ sử dụng sức mạnh kinh tế để đè bẹp các nước khác.
Ông Habeck nói: “Khi mọi người nói rằng bất kể thế nào cũng cần thúc đẩy thương mại, bất chấp tiêu chuẩn xã hội hay nhân đạo … đó là điều chúng ta không nên cho phép nữa.”
Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thường bị cáo buộc là không đủ cứng rắn trong vấn đề nhân quyền vì “đường lối thân thiện về kinh tế” với Trung Quốc. Số liệu thống kê cho thấy đến cuối năm 2021 Trung Quốc đã trong 6 năm liên tiếp trở thành đối tác thương mại lớn nhất thế giới của Đức, kim ngạch thương mại Đức – Trung năm 2021 là 235,12 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước đó. Sức mạnh gia tăng của ĐCSTQ không tách rời chính sách của Đức thời bà Merkel.
Ông Harbeck kêu gọi Đức và Liên minh châu Âu “thúc đẩy các chính sách thương mại cứng rắn hơn” kiềm chế ĐCSTQ.
Mỹ đã không ngừng vận động các đồng minh và đối tác phối hợp hành động để cùng giải quyết các thách thức của ĐCSTQ, những thay đổi ở Anh, Ý và Đức hiện nay cho thấy “hình bóng” hoạt động vận động hành lang của Mỹ.
Gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan là Tanee Sangrat xác nhận với truyền thông rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok vào tháng 11 tới.
Tổng thống Mỹ Biden vẫn chưa cho biết liệu ông có tham dự hội nghị thượng đỉnh này hay không, do đó còn bỏ ngỏ khả năng cuộc gặp Biden – Tập tại diễn đàn này.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết trong chuyến thăm Đài Loan gần đây của ông rằng chính sách của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua đã khuyến khích thương mại với Trung Quốc, nhưng điều đó không còn nữa. Tất cả các nhà đầu tư Mỹ và Đài Loan nên hiểu sự nguy hiểm khi thiết lập quan hệ với ĐCSTQ. Tất nhiên doanh giới vẫn chú ý thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Ông cầu nguyện rằng 1,4 tỷ người đó có thể được hưởng các quyền và tự do cơ bản mà mỗi con người xứng đáng có được.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…