Hôm thứ Ba (13/9), Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết chính phủ nước này đang đề ra chính sách thương mại mới với Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu thô, pin và chất bán dẫn của Bắc Kinh. Ông cũng nói rằng Đức sẽ “không còn ngây thơ” trong các giao dịch thương mại với Bắc Kinh.

Embed from Getty Images

Theo Reuters, Bộ Kinh tế Đức đang xem xét một loạt các biện pháp mới nhằm giảm thiểu các hoạt động kinh doanh với Trung Quốc. 

Ông Robert Habeck nói với Reuters rằng Trung Quốc là một đối tác thương mại được hoan nghênh, nhưng Đức không thể cho phép chủ nghĩa bảo hộ của Bắc Kinh bóp méo cạnh tranh và đe dọa những tiếng nói lên án vi phạm nhân quyền đối với nước này. 

“Chúng tôi không thể cho phép mình bị tống tiền”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn.

Ông Habeck không nêu cụ thể các biện pháp mới, nhưng cho biết chúng sẽ bao gồm việc kiểm tra chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong sáu năm qua với hơn 246 tỷ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, chính phủ Đức hiện tại dường như đang có đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh so với người tiền nhiệm do quan ngại về sự phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc.

Bộ Kinh tế Đức cũng đang xem xét các biện pháp bao gồm cắt giảm hoặc thậm chí hủy bỏ bảo lãnh đầu tư và xuất khẩu cho Trung Quốc và không còn xúc tiến các hội chợ thương mại.

Ông Habeck cho biết Đức phải mở cửa cho các đối tác thương mại và khu vực mới vì nhiều lĩnh vực bị phụ thuộc vào việc bán hàng cho Trung Quốc.

“Đức sẽ không còn sự ngây thơ nữa,” ông nói thêm.

Các bình luận của ông Habeck được đưa ra trước cuộc họp của các Bộ trưởng thương mại của Nhóm G7 ở Brandenburg trong tuần này.

Ông nói rằng “viễn tưởng” về một thế giới thống nhất với thương mại chung đã kết thúc.

Berlin cũng muốn xem xét các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu một cách nghiêm khắc hơn, và rằng châu Âu không nên ủng hộ Sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa của Trung Quốc, nhằm mua lại cơ sở hạ tầng chiến lược ở châu Âu và ảnh hưởng đến chính sách thương mại.

Ông Habeck cho hay ông phản đối kế hoạch của Cosco Trung Quốc mua cổ phần của một nhà khai thác container tại cảng Hafen Hamburg của Đức, báo hiệu mối lo ngại về các thương vụ tiếp quản của Trung Quốc đang lan rộng từ lĩnh vực công nghệ sang các lĩnh vực công nghiệp khác, chẳng hạn như hậu cần.

Thanh Thủy (theo Reuters)