Ngoại trưởng Úc Marise Payne ngày 21/4 đã chính thức hủy bỏ các thỏa thuận gây tranh cãi của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của bang Victoria với Bắc Kinh, nói rằng chúng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc.
(Ảnh: Ngoại trưởng Úc Marise Payne)
Bà Payne đã thực hiện quyền hạn được cấp gần đây theo Đạo luật Quan hệ Đối ngoại của Úc để chấm dứt tổng cộng bốn thỏa thuận, tất cả đều giữa chính quyền bang Victoria và các chế độ nước ngoài, bao gồm Iran, Syria và Trung Quốc.
Theo luật mới, các bang, vùng lãnh thổ, chính quyền địa phương và các trường đại học công lập của Úc phải thông báo cho Bộ trưởng Ngoại giao về các thỏa thuận và đề xuất đối ngoại hiện có để xem xét.
Hai thỏa thuận trong số đó đã được ký kết bởi Thủ hiến Daniel Andrews và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Bắc Kinh.
Thỏa thuận đầu tiên, một biên bản ghi nhớ (MOU) năm 2018, cho thấy bang Victoria cam kết thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa của chính quyền Trung Quốc và Sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21, thường được gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Thỏa thuận thứ hai của bang Victoria là thỏa thuận khung năm 2019 về việc cùng thúc đẩy BRI.
Bà Payne cũng hủy một biên bản ghi nhớ (MOU) năm 2004 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo bang Victoria và Cộng hòa Hồi giáo Iran, và Nghị định thư về Hợp tác Khoa học năm 1999 giữa Bộ này và Syria.
“Tôi coi bốn thỏa thuận này là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Úc, hoặc chúng gây ra những bất lợi cho quan hệ đối ngoại của chúng tôi,” bà Payne nói trong một tuyên bố.
Đạo luật Quan hệ Đối ngoại của chính phủ liên bang Úc cũng buộc chính quyền bang Victoria phải giao nộp các tài liệu liên quan đến thỏa thuận bí mật thứ ba được ký kết giữa bang này và chế độ cộng sản Trung Quốc.
Thỏa thuận đó đã được ký vào tháng 3 năm 2017, 18 tháng trước khi thỏa thuận BRI đầu tiên được ký kết. Biên bản ghi nhớ bí mật cam kết bang Victoria sẽ làm việc với Bắc Kinh trong các dự án cơ sở hạ tầng của Victoria thông qua quan hệ đối tác công tư (PPP).
Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông không thấy có lợi gì trong thỏa thuận giữa bang Victoria với Bắc Kinh.
“Nếu có lợi ích, chúng là gì và những gì đã được trả cho chúng? Tôi không có câu trả lời cho những câu hỏi đó vào thời điểm này, nhưng việc đánh giá những thỏa thuận đó sẽ tiếp tục,” ông Morrison nói.
Sau tuyên bố dừng BRI với Bắc Kinh, Đại sứ quán Trung Quốc tại Canberra cảnh báo rằng quan hệ song phương vốn đã căng thẳng sẽ càng trở nên tồi tệ và Úc “sẽ chỉ làm tổn thương chính mình.”
“Chúng tôi cực kỳ không hài lòng và kiên quyết phản đối việc hủy bỏ này,” Đại sứ quán cho biết vào cuối ngày thứ Tư.
“Đây là một động thái vô lý và khiêu khích khác được thực hiện bởi Úc nhằm chống lại Trung Quốc. Điều đó càng cho thấy chính phủ Úc không có sự chân thành trong việc cải thiện quan hệ Trung Quốc – Úc.”
Mối quan hệ song phương đã bắt đầu căng thẳng vào năm 2018 khi Úc trở thành quốc gia đầu tiên công khai cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G của mình. Mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn vào năm ngoái khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ lo ngại rằng việc cho vay mà Sáng kiến Vành đai và Con đường kéo theo có thể dẫn đến các khoản nợ không bền vững ở các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả khu vực các đảo ở Thái Bình Dương.
Lê Vy
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…