Một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên hôm thứ Tư (31/5) đã kết thúc thất bại, khiến thiết bị đẩy và thiết bị phóng lao xuống biển, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin. Phía quân đội Hàn Quốc cũng thông báo họ đã thu hồi được các bộ phận của phương tiện phóng.
Theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA, tên lửa phóng vệ tinh mới “Chollima-1” đã thất bại do động cơ và hệ thống nhiên liệu không ổn định.
Đây là nỗ lực phóng vệ tinh thứ sáu của Triều Tiên và là lần đầu tiên kể từ năm 2016. Đây được cho là lần đưa vệ tinh do thám đầu tiên của Triều Tiên bay vào quỹ đạo.
Vụ phóng đã dẫn đến cảnh báo khẩn cấp và cảnh báo sơ tán ngắn ở các vùng của Hàn Quốc cũng như Nhật Bản. Các thông báo đã được rút lại mà không có nguy hiểm hoặc thiệt hại nào được báo cáo.
Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 31/5 cho hay, quân đội nước này đang tiến hành một chiến dịch trục vớt để thu hồi những gì được cho là một phần của phương tiện phóng vũ trụ.
Quân đội đã chia sẻ hình ảnh các mảnh vỡ được vớt lên khỏi mặt nước, trong đó có một vật thể hình trụ lớn được buộc vào một chiếc phao.
Ông George William Herbert, phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến Vũ khí hạt nhân và là nhà tư vấn tên lửa nhận xét, các hình ảnh cho thấy ít nhất một phần của tên lửa, bao gồm phần “tầng giữa” được thiết kế để kết nối với một tầng khác.
Ông Herbert lưu ý thêm, rất có thể đó là một tên lửa nhiên liệu lỏng và vật thể tròn màu nâu bên trong có thể là bình nhiên liệu đẩy hoặc chất oxy hóa.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các quan chức từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc điện đàm và “mạnh mẽ lên án” vụ phóng.
“Ba quốc gia sẽ luôn cảnh giác với tinh thần khẩn cấp cao độ”, tuyên bố nêu rõ.
Trước đó, Triều Tiên loan báo sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên từ ngày 31/5 đến ngày 11/6 để tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Mỹ.
Ông Lee Choon Geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc, đánh giá rằng đây là cơ hội hiếm có để Hàn Quốc thu hồi một phần tên lửa của Triều Tiên, và có lẽ cả vệ tinh. Ông cho rằng Triều Tiên có thể mất vài tháng để khắc phục sự cố kỹ thuật và sẽ chưa thể tiến hành ngay một vụ phóng khác.
Trong dữ liệu cung cấp cho các cơ quan quốc tế, Triều Tiên thông báo vụ phóng sẽ mang tên lửa về phía Nam, với các tầng và các mảnh vỡ khác dự kiến sẽ rơi xuống Hoàng Hải và Thái Bình Dương.
Còi báo động không kích đã rền vang khắp thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào khoảng 6:32 sáng (giờ địa phương) khi thành phố cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán, trước khi rút lại cảnh báo và không ghi nhận thiệt hại.
Chính phủ Nhật Bản cũng ban hành một cảnh báo khẩn cấp đối với hệ thống phát sóng J-Alert của họ để người dân ở phía Nam đảo Okinawa trú ẩn trong nhà vào sáng sớm 31/5. Cảnh báo cũng đã được dỡ bỏ do tên lửa không bay vào lãnh thổ Nhật Bản.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay, tên lửa của Triều Tiên đã biến mất khỏi màn hình radar phía trên Hoàng Hải và không tiến vào không gian, đồng thời nói thêm thêm rằng chính phủ hiện không có thêm thông tin nào để chia sẻ.
“Chúng tôi cực lực lên án hành động của Triều Tiên,” ông bày tỏ. Hiện Tokyo đã gửi khiếu nại tới Bình Nhưỡng thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh.
Phát ngôn viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng lên án vụ phóng vệ tinh.
Ông khẳng định, bất kỳ vụ phóng nào của Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều trái với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…