Dịch bệnh ‘viêm phổi Vũ Hán’ do virus corona chủng mới (COVID-19) vẫn tiếp tục lây lan trên toàn cầu, hiện nay ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Ý là những nước bên ngoài Trung Quốc mà tình hình lây lan nghiêm trọng nhất. Tính đến sáng ngày 28/2, số bệnh nhân được xác nhận tại Hàn Quốc đã tăng lên 2.022, ở Nhật Bản là 919 (705+214) và ở Ý là 655. Số bệnh nhân được xác nhận ở những nước này vẫn đang tăng nhanh.
Nhiều quan điểm chỉ ra việc để dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát trên toàn cầu có liên quan đến phản ứng chậm chạp và đánh giá thấp hiểm họa virus corona của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Từ sau khi bùng phát bệnh COVID-19 ở Trung Quốc, những phát ngôn của WHO liên quan đến tình hình luôn kéo theo làn sóng chỉ trích. Chẳng hạn Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom đã ca ngợi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, nhiều lần tuyên bố trước quốc tế thể hiện tình hình không quá nghiêm trọng, thậm chí không khuyến nghị các nước đưa công dân của nước mình về nước hoặc hạn chế đi lại. Chính thái độ như vậy cũng có thể xem là “lỗ hổng” khiến sự lây lan của dịch nghiêm trọng hơn.
Ngày 30/1, WHO kêu gọi các nước trên thế giới “không hạn chế du lịch và giao thương với Trung Quốc”. Tuy nhiên, nhiều quốc gia sau khi đánh giá nguy cơ dịch bệnh đã áp đặt các hạn chế du lịch đối với Trung Quốc. Chính phủ Mỹ tuyên bố công dân nước ngoài nào trong 14 ngày trước đó đã từng đi đến Trung Quốc sẽ không được vào Mỹ, còn công dân Mỹ đã đến Trung Quốc khi về Mỹ sẽ bị buộc phải cách ly, sẽ triển khai kiểm dịch tại một số cảng nhập cảnh, hủy tất cả các chuyến bay trên các tuyến hàng không của Trung Quốc và bố trí hồi hương cho công dân Mỹ.
Nhưng Hàn Quốc là nơi mà cả ngàn người bị nhiễm COVID-19 lại làm theo khuyến nghị của WHO, đã không áp dụng các lệnh cấm nghiêm ngặt nhập cảnh đối với công dân Hồng Kông và Macao (Trung Quốc), chỉ giới hạn du khách Trung Quốc ở mức độ nhỏ. Sau khi dịch bệnh bùng phát, người dân Hàn Quốc đã bất bình tổ chức ký tên chung kêu gọi Chính phủ thực thi triệt để hạn chế nhập cảnh.
Nhật Bản cũng vì tin vào phát ngôn của WHO mà xem nhẹ tình trạng nguy hiểm của dịch bệnh, từng có lúc quyết định rút ngắn số ngày cách ly dựa theo đánh giá của WHO, nhưng sau khi bị người dân phản đối lại phải đổi lại thời gian cách ly giống như ban đầu là 14 ngày. Đồng thời đã không thực hiện biện pháp hạn chế hoàn toàn, chỉ áp dụng cấm nhập cảnh người nước ngoài trong vòng hai tuần trước đó đã từng đến Hồ Bắc và Chiết Giang, cũng như du khách Trung Quốc có hộ chiếu được cấp ở Hồ Bắc và Chiết Giang. Thậm chí chính quyền Nhật Bản còn cho biết WHO “lo ngại” trước thực trạng các nước hạn chế du khách Trung Quốc.
Còn Ý chỉ áp dụng “cấm giao thông hàng không chứ không cấm người dân”, dù đình chỉ tất cả các chuyến bay trực tiếp đến Trung Quốc, nhưng không thực thi đồng bộ các biện pháp như “kiểm dịch tại sân bay” và “cách ly người vùng dịch nhập cảnh”, hành khách đến từ vùng dịch vẫn có thể quá cảnh vào Ý.
Ông Thái Tôn Hồng (Cai Zonghong) từng là bác sĩ Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Cựu chiến binh Cao Hùng (Kaohsiung Veterans General Hospital) tại Đài Loan cho biết, qua theo dõi sự phát triển của dịch bệnh và ứng phó của các nước cho thấy WHO đã gây tác động đến hiệu quả phòng chống dịch bệnh của một số quốc gia.
Sự bùng phát của dịch bệnh lần này lại một lần nữa gây vấn đề lo ngại về tình trạng ĐCSTQ xâm nhập vào tổ chức quốc tế. Thái Tôn Hồng thẳng thắn tố cáo chế độ độc tài thì khó có thông tin minh bạch, để làm đẹp số liệu dịch bệnh họ có thể khai giảm thiểu tối đa số người nhiễm bệnh và tử vong. Hiện trạng ở Trung Quốc Đại Lục là “chế độ chính trị làm sụp đổ ngành y tế”. Với tư cách là Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom lại có những phát ngôn từ trước công luận kiểu thiên vị cho thấy bị chính trị ảnh hưởng quá nặng, trong tình hình nghiêm trọng nhưng không có khuyến nghị hiệu quả về phòng chống dịch bệnh, khiến nhiều nước nghe theo WHO không thể phản ứng kịp thời và hiệu quả.
Ngược lại, những nước như Mỹ, Đài Loan… nhận ra mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, ngay lập tức thực hiện các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt, nhờ đó dịch bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát.
Nguyên nhân số người nhiễm COVID-19 ở Hàn Quốc và Ý tăng nhanh chỉ sau vài ngày, ngoài lý do “xui xẻo” trong phòng chống dịch bệnh, còn có thể liên quan đến sự xuất hiện của “trường hợp siêu truyền nhiễm”.
Bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm bệnh ở Ý là một vận động viên thể thao 38 tuổi, đến nay vẫn chưa thể tìm ra nguồn lây nhiễm của vận động viên này từ đâu. Bệnh nhân này được xem là “người siêu truyền nhiễm”. Anh ta làm việc trong một công ty lớn, thường xuyên tổ chức tụ tập vui chơi, trước khi phát bệnh đã tham gia hai hoạt động thể thao, trong đó có hoạt động với khoảng 1.200 người đăng ký tham gia.
Một thành viên nữ 61 tuổi của giáo hội Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc sau khi có các triệu chứng nhiễm COVID-19 vẫn tiếp tục tụ tập với các tín đồ khác, trong đó có lần tụ tập trong không gian kín với cả ngàn người. Thời báo New York (New York Times) đưa tin, trong tụ họp của giáo phái Tân Thiên Địa bí ẩn, các tín đồ phải ngồi sát nhau cầu nguyện, họ không được phép đeo kính và khẩu trang, và thậm chí bị bệnh cũng phải đến giáo đường tham dự.
Còn ở Ý, nhiều bệnh nhân nam có thể vì thể trạng sức khỏe rất tốt, khi thấy có triệu chứng khó chịu xem như cảm mạo thông thường, vẫn tham gia các hoạt động tập thể mà không đeo khẩu trang. Người dân Ý vốn dĩ tính cách rất sôi nổi nhiệt tình, bạn bè gặp gỡ hay hôn má nhau, thường tổ chức những bữa tiệc linh đình, là những yếu tố khiến dịch bệnh lan nhanh.
Trong hoạt động du lịch toàn cầu, du khách người Trung Quốc chiếm tỷ trọng áp đảo, trong khi Ý, Hàn Quốc và Nhật Bản là điểm đến yêu thích hàng đầu của du khách Trung Quốc. Lấy Nhật Bản làm ví dụ, ngành du lịch của Nhật Bản phụ thuộc vào du khách Trung Quốc, chính yếu tố kinh tế và Thế vận hội Tokyo sắp tới đã làm giảm nhiệt tình của Nhật Bản về phòng chống dịch bệnh.
Ông Thái Tôn Hồng cho biết, ngoài thông tin do WHO công bố khiến Nhật Bản thiếu cảnh giác, nhìn nhận vấn đề như dịch cảm cúm, thì Thế vận hội và du khách Trung Quốc cũng là một trong những mối quan tâm của Nhật Bản. Ông cho rằng con số thống kê các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Nhật Bản sẽ còn nhiều hơn nếu hoạt động kiểm tra COVID-19 thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Hôm 12/2, anh Jin Au-Yeung – nhạc sĩ và diễn viên người Mỹ đi du lịch Nhật Bản, đã chỉ ra trên trang Facebook của mình rằng cơ chế phòng ngừa dịch bệnh của Nhật Bản ưu tiên giảm thiểu thiệt hại kinh tế, cho nên du khách Trung Quốc đến từ bên ngoài Hồ Bắc và Chiết Giang vẫn được tự do đi lại. Ngoài ra, việc kiểm dịch tại sân bay Nhật Bản lỏng lẻo, hành khách từ Trung Quốc đến sân bay Nhật Bản có thể ra ngoài được ngay mà không cần qua kiểm tra.
Hậu quả nghiêm trọng của tình trạng bùng phát số ca nhiễm COVID-19 tại các nước nêu trên là gì? Ông Thái Tôn Hồng cho biết, điều khủng khiếp nhất là sự sụp đổ của hệ thống y tế gây hiệu ứng dây chuyền: lây nhiễm cụm quy mô lớn trong các khu vực, gánh nặng đè lên hệ thống y tế gia tăng mạnh, bùng phát lây nhiễm trong bệnh viện nên phải cách ly số lượng lớn nhân viên y tế làm giảm thiểu nhân lực. Cuối cùng, các bệnh nhân mới trong cộng đồng đã không được điều trị đúng cách và các biện pháp cách ly, bảo vệ không đạt hiệu quả nên lây lan cho nhiều người hơn.
Ông Anne Schuchat, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, tình hình hiện nay cho thấy sự bùng phát toàn cầu của dịch COVID-19 là “không thể tránh khỏi”, chỉ còn là vấn đề sớm hay muộn.
Tô Quan Mễ (Theo Epoch Times)
Xem thêm:
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…