Maldives, quốc đảo du lịch tại Ấn Độ Dương, đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra sau khi Tổng thống Abdulla Yameen từ chối tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao trao trả tự do cho các tù nhân chính trị đối lập, trong đó có cựu tổng thống Mohamed Nasheed. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã phát đi cảnh báo công dân không nên du lịch tới Maldives trong thời gian này.
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen tới thăm Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
BBC cho biết cuộc khủng hoảng chính trị tại Maldives khởi nguồn từ tuần trước khi các thẩm phán Tòa án Tối cáo thống nhất ra phán quyết bãi bỏ các cáo buộc đối với 9 nhà hoạt động chính trị đối lập và ra lệnh thả tự do cho những người này. Phán quyết tuyên bố rằng tất cả nên được xét xử lại.
Trong số những chính trị gia đối lập này có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed. Tòa án cho rằng bản án đối với ông Nasheed năm 2015 là vi hiến.
Phán quyết nêu trên cũng tuyên bố rằng 12 nghị sĩ bị tước quyền tham gia quốc hội sẽ được khôi phục lại và điều này dẫn tới nghị viện Maldives sẽ do phe đối lập nắm đa số ghế.
Động thái bất ngờ của Tòa án đã khiến cho chính trường Maldives rung chuyển. Tổng thống Abdulla Yameen không tuân thủ phán quyết của Tòa và cho đình chỉ nghị viện, bắt giữ hai thẩm phán và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 15 ngày để điều tra cuộc “đảo chính” chống lại ông.
Với lệnh khẩn cấp được chính quyền ban bố, lực lượng an ninh hiện nay được tự do bắt bớ và các cuộc tập trung đông người bị cấm.
Lực lượng quân đội quốc gia được lệnh chống lại bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc tội hoặc loại bỏ Tổng thống Yameen.
Trong khi đó, phe đối lập đã kêu gọi cộng động quốc tế can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Maldives.
Căng thẳng chính trị đang tăng cao khi Tổng thống Yamen đã ra lệnh bắt giam Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và một thẩm phán khác vào thứ Hai (5/2).
Hôm thứ Ba (6/2), Tổng thống Yamen có bài phát biểu trên truyền hình nhà nước nói rằng: “Tôi phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì không còn cách nào khác là phải điều tra những thẩm phán này”.
Các thẩm phán còn lại sau đó đã đưa ra tuyên bố họ đã thu hồi phán quyết ban đầu của Tòa về việc thả các tù chính trị đối lập theo “theo những mối quan ngại của tổng thống”.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn ngày càng nghiêm trọng. Cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, là anh em ruột của tổng thống đương nhiệm, nhưng liên kết với phe đối lập, hiện đang bị giam lỏng tại nhà riêng.
Trước những diễn biến khủng hoảng chính trí mạnh mẽ tại Maldives, đã có những chỉ trích của quốc tế đối với động thái của chính quyền Tổng thống Yameen.
Cựu tổng thống Nasheed đã đặc biệt kêu gọi Ấn Độ can thiệp để giúp các tù nhân, và đề nghị Mỹ ngăn chặn các giao dịch tài chính của các nhà lãnh đạo đương nhiệm của Maldives.
Ông Nasheed là tổng thống dân bầu đầu tiên của Maldives năm 2008. Ông đã bị lật đổ sau cuộc nổi dậy của quận đội vào năm 2012 và bị kết án theo luật chống khủng bố vào năm 2015. Hiện tại ông Nasheed đang sống lưu vong tại Sri Lanka.
Ấn Độ và Hoa Kỳ chưa có các tuyên bố chính thức liên quan đến những đề nghị của phe đối lập tại Maldives.
Maldives là quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương chỉ có khoảng 400.000 dân với 26 rạn san hô và 1.192 hòn đảo lớn nhỏ. Du lịch là một trong những ngành kinh tế quan trọng hạng đầu của quốc gia này. Năm 2016, doanh thu du lịch của Maldives là 2,7 tỷ USD.
Cuộc khủng hoảng chính trị lần này xảy ra đúng mùa du lịch cao điểm của đất nước, khi hàng chục ngàn người nước ngoài đến thăm các bãi biển tại Maldives.
Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Anh Quốc… đã đồng loạt đưa ra cảnh báo công dân nước mình không du lịch tới Maldives.
Theo tờ Vnexpress, Cục lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều ngày 5/2 đã phát đi khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến Maldives trong thời gian này cho đến khi chính phủ Maldives gỡ bỏ tình trạng khẩn cấp.
Cũng theo Cục lãnh sự, các công dân Việt Nam đang làm việc, học tập hoặc du lịch tại Maldives nên tránh đến các địa điểm tập trung đông người, nhạy cảm, đồng thời thường xuyên theo dõi cảnh báo của các cơ quan chức năng địa phương để đảm bảo an toàn.
Trường hợp khẩn cấp, công dân Việt Nam có thể liên hệ theo đường dây nóng: Đại sứ quán Việt Nam tại Sri Lanka (kiêm nhiệm Maldives), số điện thoại: +94.11.2696050 hoặc Tổng đài Bảo hộ Công dân: +84.981.84.84.84.
Yên Sơn
Xem thêm:
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…