Theo Fox News đưa tin vào ngày 13/2, công tố viên đặc biệt John Durham cho biết trong một báo cáo kiến nghị được đệ trình ngày 11/2 rằng chiến dịch tranh cử năm 2016 của bà Hillary đã trả tiền cho một công ty công nghệ để “xâm nhập” vào máy chủ của Trump Tower khi ông Trump còn là ứng cử viên tổng thống, sau đó khi ông Trump trở thành Tổng thống vẫn tiếp tục “xâm nhập” vào máy chủ của ông ở Nhà Trắng. Mục đích để xây dựng “câu chuyện” về “sự cấu kết” giữa ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và Nga, sau này được gọi là “cổng thông đồng Nga”. Tuy nhiên, các kênh truyền thông thiên tả cáo buộc những tờ thiên hữu như Fox News đưa tin “phóng đại”. Vậy sự thật của câu chuyện là thế nào?
Tài liệu gốc của công tố viên Durham cho biết một giám đốc công nghệ đã sử dụng quyền truy cập của mình vào dữ liệu máy tính của Nhà Trắng, mang theo chủ đích tìm kiếm những điều không hay về ông Trump. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, vị giám đốc này là cựu Phó Chủ tịch cấp cao của Neustar, ông Rodney Joffe. Và ông Joffe được cho là đã đưa những thông tin mình tìm được cho luật sư của ông là Michael Sussman, người làm việc cho công ty luật Perkins Coie.
Perkins Coie chính là bên đã ủy quyền cho Fusion GPS thuê ông Steele, một cựu lãnh đạo của Nga về tình báo Anh, soạn thảo hồ sơ bẩn chống Trump vào năm 2018. Chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của bà Hillary Clinton và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC) lại là một trong những khách hàng của Perkins Coie. Vụ việc “Steele dossier” khét tiếng này sau đó đã bị phanh phui là do chiến dịch tranh cử của bà Clinton và DNC trả tiền. Ông Sussman cũng đã bị truy tố vào tháng 9/2021 vì nói dối FBI trong quá trình chứng minh mối quan hệ Trump-Nga.
Sau khi tài liệu của ông Durham được công bố gần đây, phía cánh hữu có lẽ đã quá “vui mừng” móc nối các sự kiện trên lại với nhau. Người dẫn chương trình Jesse Watters của Fox News tuyên bố rằng: “Các tài liệu của Durham cho thấy Hillary Clinton đã thuê người khác xâm nhập vào máy tính tại nhà riêng và văn phòng của Trump trước và trong nhiệm kỳ tổng thống đồng thời tạo dựng bằng chứng ông ấy thông đồng với Nga.” Vậy nên, những tờ thiên hữu như Fox News mới bị phe thiên tả cáo buộc là đưa tin “phóng đại”.
Bản đệ trình của công tố viên Durham vào ngày 11/2 có nội dung xoay quanh những xung đột lợi ích liên quan đến trường hợp của Michael Sussmann. Một phần tài liệu tóm tắt lại những luận điểm mà ông Durham đã đưa ra trong bản cáo trạng trước đó vào tháng 9/2021 cùng một số thông tin mới, trong đó chỉ ra giám đốc công nghệ Rodney Joffe không chỉ phân tích dữ liệu từ tòa nhà Trump Tower hay căn hộ Trump’s Central Park West, mà ông còn có dữ liệu từ Văn phòng Điều hành của Tổng thống Hoa Kỳ. Khi làm việc này, ông Joffe đã nhận được sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu tại một trường đại học có trụ sở tại Hoa Kỳ, cụ thể là Viện Công nghệ Georgia (Georgia Tech), những người này đang phân tích dữ liệu Internet cho một hợp đồng an ninh mạng của chính phủ liên bang. Họ đã giúp Joffe bằng cách phân tích dữ liệu của họ về mối quan hệ giữa Trump và Nga. Thời điểm đó, Joffe đã gửi email cho họ nói rằng nếu họ có thể tìm thấy “bằng chứng về bất cứ điều gì” cho thấy hành vi không đúng đắn liên quan đến mối quan hệ này thì các VIPs sẽ rất vui, mặc dù email không chỉ rõ VIPs là những ai.
Ông Joffe thực sự có quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu này vì công ty mà ông làm việc, Neustar, đang cung cấp dịch vụ phân giải DNS cho Văn phòng điều hành của Tổng thống, chứ không phải là một cuộc “xâm nhập” như báo chí đã “giật tít”. Điều mà công tố viên Durham cáo buộc là ông Joffe đã sử dụng quyền truy cập này để thu thập “những thông tin xúc phạm về Donald Trump.”
Ông Joffe sau đó đã đưa dữ liệu DNS này cho ông Michael Sussman và ông Michael Sussman đã nộp lại cho CIA trong một cuộc họp vào năm 2017, cáo buộc Tổng thống Trump và các cộng sự của mình đã sử dụng điện thoại không dây do Nga sản xuất xung quanh Nhà Trắng. Công tố viên Durham chứng minh rằng Joffe và Sussmann đã đưa ra các cáo buộc dựa trên nguồn dữ liệu không đầy đủ. Việc truy cập dữ liệu DNS thực chất đã bắt đầu từ năm 2014, từ thời cựu Tổng thống Barack Obama. Như vậy, người sử dụng điện thoại không dây của Nga chưa hẳn là ông Trump.
Ông Joffe và những nhà nghiên cứu của Georgia Tech có quyền hợp pháp để truy cập vào nguồn dữ liệu trên, nhưng họ không được phép sử dụng nó để nhắm mục tiêu vào ông Trump, và đó là những gì Durham cáo buộc họ đã làm.
Tất nhiên, họ đang phủ nhận điều đó. Hai luật sư làm việc cho một trong những nhà nghiên cứu của Georgia Tech nói rằng các nhà nghiên cứu chỉ đang điều tra phần mềm độc hại trong Nhà Trắng và họ không theo dõi chiến dịch tranh cử của Trump. Theo hiểu biết của họ, tất cả dữ liệu đều là dữ liệu công khai từ trước khi Trump nhậm chức. Tuy nhiên nếu đúng là như vậy, nếu họ chỉ khai thác dữ liệu từ trước khi ông Trump nhận chức thì tại sao họ lại biết được Trump và cộng sự đã sử dụng điện thoại của Nga trong Nhà Trắng?
Truyền thông thiên tả đã dựa vào lời phủ nhận của các luật sư để phản bác truyền thông cánh hữu. Tờ New York Times gọi phần lớn những thông tin được ông Durham công bố là đã “cũ” hoặc “sai lầm”. Người phát ngôn của ông Joffe cho biết: “Joffe là người phi chính trị, không làm việc cho bất kỳ đảng chính trị nào và có quyền truy cập hợp pháp để phân tích dữ liệu về các vi phạm hoặc mối đe dọa bảo mật.”
Đến đây chúng ta có thể chắc chắn rằng ông Joffe thực sự có quyền truy cập hợp pháp vào nguồn dữ liệu. Câu hỏi đặt ra là sau đó ông ta có sử dụng dữ liệu này để nghiên cứu những điều bất lợi về ông Trump hay không? Ngoài ra, ông Joffe tuyên bố ông là người phi chính trị. Tuy nhiên, công tố viên Durham đã trích dẫn một email từ ông Joffe sau cuộc bầu cử năm 2016, trong đó viết rằng: “Tôi dự kiến được đảng Dân chủ sắp xếp cho vị trí công việc [an ninh mạng] hàng đầu lúc họ có vẻ chắc chắn mình đã thắng. Tôi chắc chắn sẽ không nhận công việc này dưới quyền Trump.” Điều này nghe có vẻ không được “phi chính trị” lắm.
Các phương tiện truyền thông thiên tả cũng chỉ ra rằng ông Durham đã không buộc tội ông Rodney Joffe hay các nhà nghiên cứu của Georgia Tech về bất kỳ tội danh nào như những gì phía cánh hữu đưa tin. Điều đó là sự thật. Tuy nhiên, người dẫn chương trình Chris Chappell của kênh America Uncovered đã nhận định:
“Những điều mờ ám không nhất thiết là những điều bất hợp pháp.”
Cho đến nay, cuộc điều tra của ông Durham đối với sự kiện “Thông đồng Nga” đã dẫn đến 3 cáo trạng:
– Nhà phân tích người Nga Igor Danchenko được coi là người khai thác thông tin chính của “hồ sơ Steele” (Steele dossier) liên quan đến bằng chứng chủ chốt cáo buộc Trump “Thông đồng Nga”;
– Cựu luật sư FBI Kevin Clinesmith đã nhận tội chỉnh sửa một email, còn email này dùng để minh chứng việc nghe lén nhắm vào cựu cố vấn chiến dịch của Trump là Carter Page;
– Cựu luật sư chiến dịch của Hillary là Michael Sussmann bị cáo buộc nói dối các nhà điều tra liên bang.
Công tố viên John Durham hiện vẫn chưa kết thúc cuộc điều tra của mình về vụ việc này.
Trong 5 năm nay, bản thân cựu Tổng thống Donald Trump cũng luôn nhấn mạnh rằng ông đang bị theo dõi. Gần đây, khi báo cáo điều tra của công tố viên Durham được tiết lộ, ông Trump cũng đã tuyên bố: “Đây là một vụ bê bối có phạm vi và quy mô lớn hơn Watergate, và những người đã tham gia, đồng thời biết về hoạt động gián điệp này nên bị truy tố tội hình sự. Vào thời kỳ đất nước chúng ta mạnh lên, tội này có thể phán tử hình. Ngoài ra, cần phải bồi thường cho những người trong nước đã phải chịu tổn hại từ vụ việc này.”
Vụ bê bối Watergate mà ông Trump đề cập đến xảy ra vào năm 1972. Watergate là tên của một khách sạn nơi đặt văn phòng của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ. Thời điểm đó, FBI đã phát hiện ra Tổng thống Nixon, cùng với ủy ban vận động bầu cử của ông đã cử 5 gián điệp đột nhập vào Watergate để do thám Đảng Dân chủ và ngăn cản phong trào “Phản chiến tranh Việt Nam”. 5 người này đã bị bắt nhưng dưới áp lực của chính quyền Nixon, vụ này đã bị ỉm đi. Chỉ tới cuối năm năm 1974, một nhân viên FBI có mật danh là Deep Throat đã tiết lộ vụ việc cho hai nhà báo của tờ Washington Post, sự việc mới bị vỡ lở và công khai trên mặt báo. Đối mặt trước nguy cơ bị điều tra và đàn hặc từ Quốc hội, ông Nixon từ chức ngay trong năm đó.
Trong chương trình phỏng vấn với Glenn Beck, khi ví vụ việc bị phanh phui gần đây còn nghiêm trọng hơn cả Watergate, ông Trump cho rằng hành động đột nhập vào hệ thống thông tin của Văn phòng Bầu dục và Nhà Trắng là quá bất hợp pháp, tương đương với “tội phản quốc”.
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…