Sau khi Bộ TN&MT cấp phép đổ 1 triệu m3 bùn thải xuống biển Vĩnh Tân cách khu bảo tồn Hòn Cau 8 km – các nhà khoa học lo ngại sẽ đe dọa trực tiếp tới dải san hô và tác động hiệu ứng tràn biển rất lớn.
Ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc cho biết Bộ đã ký giấy phép chấp thuận cho Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn, cát ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).
Theo giấy phép, vị trí nhấn chìm cách Hòn Cau 8km, tổng diện tích được phép nhận chìm là 30 ha mặt nước biển, nơi nhận chìm có độ sâu không quá -36m. Trong đó: 20% là bùn, 80% là cát, vỏ sò, cát kết phong hóa, cát phong hóa, sét cát, sạn sỏi thu được từ việc nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Thời gian nhấn chìm từ tháng 6 đến hết tháng 10.
“Nó không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam. Theo UBND tỉnh, khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường” , Bộ cho biết.
Bộ cũng cho hay, bên cạnh việc cấp phép nhận chìm chất thải, nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là Khu bảo tồn Hòn Cau được đưa ra, gồm: dùng lưới ngăn cản sự phát tán vật chất nhận chìm ra ngoài; đưa ra phương án phòng chống sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ; có chương trình giám sát độc lập với 13 điểm quan trắc giám sát để đánh giá, ngăn ngừa, phát hiện sớm nếu có tác động xảy ra với Khu bảo tồn Hòn Cau và bãi cạn Breda cũng như khu vực ven bờ.
Nguy cơ de dọa trực tiếp quần thể sinh vật tại khu bảo tồn Hòn Cau
Theo các nhà khoa học, việc nhận chìm khối lượng chất nạo vét gần 1 triệu m3 được cho là có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển rất lớn. Đặc biệt, khu vực nhận chìm bùn, cát nằm gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.
Khu bảo tồn Hòn Cau là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của ba loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Nơi đây còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi và nhiều loại cá.
Trước đó, tháng 8/2016, ông Nguyễn Ngọc Hai – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Phát điện 3 về Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đã yêu cầu các nhà máy phải giải quyết tình trạng than rơi vãi theo nước mưa chảy ra biển. Điều này khiến nước biển biến thành màu đen tại khu vực cảng nhập than. Cùng với đó, các cơ quan phải giám sát chặt tình hình vận chuyển tro xỉ và thực hiện việc bảo vệ môi trường không để xảy ra sự cố.
Theo ông Nguyễn Hữu Quý – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Bình Thuận, Khu bảo tồn biển Hòn Cau có nguy cơ bị xóa sổ chỉ còn là vấn đề thời gian do chịu tác động ô nhiễm từ các nhà máy nhiệt điện ở Vĩnh Tân, các khu dự án khác.
Ông Quý cho biết, chất lượng nước biển tại đây cũng sẽ thay đổi không còn giữ được độ mặn đặc biệt như trước đây (nước biển Cà Ná – Vĩnh Tân có độ mặn cao hơn các vùng biển khác 3-4 độ). Các đồng muối Cà Ná, Vĩnh Hảo còn bị khói bụi từ các nhà máy này tác động. Không sớm thì muộn diêm dân và các công ty muối ở những vùng này sẽ đối mặt với nguy cơ biến mất.
Trần Tâm
Xem thêm
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…