Trong 73 trạm BOT do Bộ GTVT quản lý, sau khi rà soát có 17 trạm tồn tại bất cập. Tuy nhiên, với các lý do như do “lịch sử” để lại, ngân sách khó khăn, miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm… tính đến hiện tại, chỉ 1 trạm đặt sai vị trí bị xóa bỏ do đã đủ tiền hoàn vốn.
Mới đây, Bộ GTVT đã có Công văn số 1831/BGTVT-ĐTCT trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.
Cụ thể, ngày 10/1, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến. Nội dung kiến nghị: “Cử tri phản ánh hiện nay tình trạng các trạm BOT được đặt khắp các tỉnh, thành phố, nhiều nơi đặt trạm rất gần nhau gây bất bình trong nhân dân. Đề nghị các Bộ, ngành kiểm tra có giải pháp khắc phục”.
Trong công văn trả lời cử tri, Bộ GTVT cho biết Bộ đã tiến hành rà soát tổng thể các trạm thu phí BOT. Theo đó, trên toàn quốc hiện có 88 trạm thu phí, trong đó, Bộ GTVT quản lý 73 trạm, UBND các tỉnh và thành phố quản lý 15 trạm.
Trong 73 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, 17 trạm có bất cập về vị trí, khoảng cách, mức thu giá dịch vụ…
3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án, gồm: trạm Tào Xuyên, trạm Cầu Rác, trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài 6 trạm BOT đặt trên tuyến chính thu phí cho tuyến tránh, gồm: trạm Nam Cầu Giẽ, trạm Bến Thủy, trạm Quán Hàu, trạm Trảng Bom tỉnh Đồng Nai, trạm tuyến tránh Thành phố Sóc Trăng, trạm Cai Lậy tỉnh Tiền Giang 6 trạm thu phí trên cả tuyến quốc lộ và cao tốc, các trạm thuộc 4 dự án: Quốc lộ 6 Hòa Lạc – Hòa Bình; Quốc lộ 3 Thái Nguyên – Chợ Mới; cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng 2 trạm thu “hộ” Dự án hầm Đèo Cả: trạm La Sơn – Tuý Loan đặt trên Dự án BT La Sơn – Tuý Loan, trạm Nam Hải Vân cách trạm Bắc Hải Vân khoảng 12 km |
Trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 13/4/2018, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý đối với 17 trạm thu phí có bất cập này. Ngày 23/4/2018, tại cuộc họp xem xét giải pháp xử lý các trạm thu phí bất cập, Thủ tướng Chính phủ kết luận “cơ bản đồng ý với các giải pháp Bộ GTVT đề xuất”.
Bộ GTVT cho biết hiện Bộ này đã chỉ đạo các cơ quan phối hợp với nhà đầu tư, làm việc và thống nhất với Tỉnh ủy, Đoàn đại biểu Quốc hội, UBND các tỉnh có liên quan; căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, tính toán, lựa chọn giải pháp phù hợp cho từng trạm, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp, bảo đảm hiệu quả tài chính của Dự án. Về kết quả thực hiện, Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận, làm cơ sở để triển khai.
Hiện tại, trong tổng số 17 trạm BOT có bất cập về vị trí, Bộ GTVT đã xóa bỏ trạm BOT Tào Xuyên, dự kiến sẽ bỏ trạm BOT La Sơn – Túy Loan và gộp 2 trạm BOT Nam Hải Vân với Bắc Hải Vân. Theo đó, 14 trạm BOT chưa có phương án xử lý; tổng 16 trạm thu phí bất cập vẫn tồn tại.
Riêng trạm BOT Tào Xuyên, trạm này đã bị Bộ GTVT xóa bỏ từ tháng 8/2017, trước 8 tháng so với thời gian Bộ này báo cáo kết quả rà soát các trạm thu phí BOT trên cả nước. Trạm này nhằm thu phí hoàn vốn cho tuyến tránh Thanh Hoá nhưng lại được đặt nhiều năm trên Quốc lộ 1A, ở cửa ngõ vào TP Thanh Hoá. Trạm có thời hạn thu phí hoàn vốn là 27 năm 8 tháng và tạo thu phí lợi nhuận 3 năm (từ ngày 1/1/2009). Tuy nhiên, chỉ sau 7 năm 2 tháng, số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư tính đến hết ngày 31/7/2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra.
Như vậy, tình trạng 16 trạm thu phí bất cập do Bộ GTVT quản lý vẫn chưa được xử lý dù đã 1 năm kể từ ngày Bộ GTVT có công văn báo cáo Chính phủ.
Tháng 9/2018, Bộ GTVT cho biết Bộ này có 5 phương án trình Chính phủ, tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nên ưu tiên phương án giữ nguyên vị trí trạm, thực hiện miễn, giảm giá đối với người dân quanh trạm, ưu tiên giảm giá chung cho các phương tiện nếu phương án tài chính của các dự án còn khả thi.
Liên quan đến tình trạng trạm thu phí BOT, mới đây nhất, 7 tài xế bị bắt với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại.
Cụ thể, ngày 5/3, công an huyện Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh) phối hợp công an tại Hà Nội đã bắt tạm giam tài xế Hà Văn Nam (38 tuổi) với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng” theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015, vì liên quan vụ án gây rối trật tự công cộng tại Trạm thu phí BOT Phả Lại (xảy ra ngày 31/12/2018 tại xã Đức Long, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Quyết định do Viện kiểm sát nhân dân huyện Quế Võ phê chuẩn ngày 4/3.
Trước đó, tháng 1/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam 6 người để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm BOT Phả Lại. 6 tài xế gồm Nguyễn Quỳnh Phong (SN 1986), Nguyễn Quang Hùng (SN 1993), Nguyễn Tuấn Quân (SN 1984), Lê Văn Khiển (SN 1990), Vũ Văn Hà (SN 1990, cùng ở thị xã Chí Linh, Hải Dương) và Trần Quang Hải (SN 1991, ở Quế Võ).
Trạm thu phí BOT Phả Lại nhằm thu phí hoàn vốn cho Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh – Uông Bí. Đoạn quốc lộ 18 được cải tạo, nâng cấp dài 57 km, có tổng mức đầu tư 2.905 tỷ đồng, do Công ty CP Phát triển Đại Dương đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án được khởi công từ tháng 5/2014, hoàn thiện vào tháng 7/2018, ngày 24/12 bắt đầu thu phí để hoàn vốn.
Thời gian thu phí 16 năm 3 tháng. Mức phí qua trạm cho phương tiện nhóm 1, 2, 3, 4, 5 lần lượt là 35.000; 50.000; 75.000; 120.000 và 180.000 đồng/lượt.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…
Bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc kiêm Chủ tịch Công ty Xuyên…
Các cuộc biểu tình chống NATO và ủng hộ Palestine đã nhanh chóng bùng phát…
35 trẻ mẫu giáo và tiểu học hiện phải quay về điểm trường cũ đã…