Categories: Việt Nam

30 năm trận chiến Gạc Ma: Tôn trọng lịch sử là cách để chữa lành vết thương

Trong dòng chảy của lịch sử, có những vết thương đã đóng lại và lên da non, nhưng những ký ức về nó dường như vẫn chưa bao giờ có thể lành lặn trong tâm trí của nhiều người con đất Việt. Trận chiến tại Gạc Ma năm 1988 là một sự kiện như thế.

Tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong trận Gạc Ma (Ảnh: danang.gov.vn)

Đá Gạc Ma và câu chuyện của 30 năm trước

Đá Gạc Ma nằm ở vị trí chiến lược, cách đá Cô Lin 3,6 hải lý, cách đá Len Đao 6 hải lý, đánh dấu đầu mút phía Tây Nam của cụm đảo Sinh Tồn. Đây là một vị trí quan trọng bởi nếu chiếm giữ được Gạc Ma, đối phương có thể khống chế đường qua lại của quân đội Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Ý đồ của Trung Quốc là tạo ra một tuyến dài hơn 300 km cắt ngang biển Đông, cài răng lược với các đá, đảo mà Hải quân Việt Nam đang bảo vệ.

Bên cạnh đó, năm 1988 là thời điểm nhạy cảm, khi dư luận thế giới tập trung vào các giải pháp chính trị ở Campuchia. Trong khi Liên Xô, đồng minh quan trọng của Việt Nam khi đó, bị sa lầy ở Afghanistan, đồng thời Moscow còn có kế hoạch tái xây dựng quan hệ với Bắc Kinh.

Trước tình hình đó, Trung Quốc đã lần lượt xâm chiếm một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Cụ thể, ngày 31/1/1988, Trung Quốc chiếm bãi đá Chữ Thập; ngày 18/2/1988 chiếm bãi Châu Viên; ngày 26/2/1988 chiếm bãi Ga Ven; ngày 28/2/1988 chiếm bãi Tư Nghĩa.

Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, Bắc Kinh đã xâm chiếm trái phép 4 bãi đá trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trước tình hình kể trên, Hải quân Việt Nam đã xác định Trung Quốc có thể tiếp tục chiếm thêm một số bãi cạn quanh cụm đảo Sinh Tồn, Nam Yết và khu vực Đông kinh tuyến 115 độ.

Liên tiếp vào 2 ngày 12 & 13/3/1988, Hải quân Việt Nam đã điều các tàu 605 (Lữ đoàn 125) tới Len Đao, tàu HQ 604 và tàu HQ 505 tới Gạc Ma và Cô Lin để khẳng định chủ quyền và quyết tâm bảo vệ đảo.

Ngày 14/3/1988, tàu Trung Quốc đã bắn pháo 100 ly vào tàu HQ 604 của Việt Nam, đồng thời đưa quân tấn công tàu, khiến tàu HQ 604 bị chìm xuống biển. Trong đợt tấn công đó, 64 chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh cùng tàu HQ 604 ở khu vực đá Gạc Ma, sau trận chiến chênh lệch về tương quan lực lượng cũng như phương tiện vũ khí.

Gạc Ma rơi vào tay Trung Quốc kể từ đó, và Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục xây dựng bất hợp pháp ở khu vực này cho tới nay.

Hình ảnh tàu HQ-604 của Hải quân Việt Nam do thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy bị chìm trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 đang nằm lại gần đảo Gạc Ma do Trung Quốc chiếm đóng – (Ảnh do nhiếp ảnh gia dưới nước Ngô Lợi Tân của Trung Quốc chụp năm 2010)

Tôn trọng lịch sử là một cách để chữa lành vết thương

Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, là một phần lãnh thổ Việt Nam được các chúa Nguyễn đã xác lập chủ quyền và khai thác đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đã 30 năm trôi qua, lịch sử đang dần lùi xa, vết thương đã lành nhưng nỗi đau thì chưa bao giờ nguôi ngoai bởi nhiều sự trăn trở và day dứt vẫn còn đó. Vì rất nhiều lý do được coi là “nhạy cảm” mà trong một thời gian khá dài, sự kiện bi hùng này bị lãng quên.

Đã 30 năm, thân xác của nhiều bộ đội Việt Nam đã hy sinh vẫn còn nằm dưới biển. Xét trong bối cảnh và tính chất của sự kiện này thì đó là một sự hy sinh anh dũng vì Tổ quốc, cần được ghi nhận và vinh danh như những người anh hùng của đất nước.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn có nhiều “khúc mắc” khiến cho một sự việc tưởng chừng như hiển nhiên đó vẫn còn nằm trong sự kiểm soát cho dù đã có nhiều lơi lỏng. Những buổi tưởng niệm và thắp hương cho các chiến sỹ đã hy sinh vẫn ít nhiều bị can thiệp. Ngay cả các sách giáo khoa lịch sử phổ thông được xuất bản, tái bản nhiều lần sau sự kiện này cũng không hề tìm thấy thông tin về nó. Thậm chí, cả nhiều thầy cô giáo dạy môn Sử phổ thông trên nhiều trường học trên cả nước khi hỏi đến kiến thức này cũng rất mơ hồ.

Cho dù vì lý do gì, mọi sự che đậy, né tránh hay lãng quên cũng khó được chấp nhận. Sách giáo khoa mới cần bổ sung những kiến thức cơ bản về quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo về Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu cố tình che đậy, né tránh những sự thật hiển nhiên, học sinh sẽ tin vào ai, sách giáo khoa, lời thầy cô giáo hay thông tin trên các phương tiện truyền thông, Internet? Học sinh cần biết để rèn luyện tư duy khoa học tôn trọng sự thật lịch sử, biết giá trị về hòa bình, độc lập.

Chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử, bởi chỉ có như vậy mới có thể làm nguôi ngoai đi vết thương chiến tranh. Một dân tộc dám nhìn thẳng vào sự thật và tôn trọng sự thật lịch sử mới có đủ nội lực để phát triển bền vững.

Bài học bi hùng từ Gạc Ma 30 năm trước cho thấy chỉ có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên cơ sở có một thực lực và tiềm lực kinh tế nhất định. Đó phải là một nền kinh tế phát triển ổn định, độc lập, tự chủ, không lệ thuộc vào thị trường cũng như nguồn vốn của nước ngoài. Đồng thời, việc xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh cũng là yếu tố cơ bản mà trong đó, sự đồng lòng của nhân dân luôn là một phần quan trọng, có tính chất quyết định trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, hiện tại cũng như lâu dài.

Lê Xuân (t/h)

Xem thêm:

Lê Xuân

Published by
Lê Xuân

Recent Posts

Tiệm vàng tại Nghệ An mở sổ tiết kiệm như ngân hàng

Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…

11 phút ago

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

48 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

1 giờ ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

1 giờ ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

1 giờ ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

1 giờ ago