Sau 8 tháng thành lập, tổng số nhân sự của 5 ban quản lý dự án chuyên ngành tại Hà Nội lên tới 984 người, trong đó có 5 công chức, 706 viên chức và 273 lao động hợp đồng.
Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Hà Nội vừa báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ của 5 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình chuyên ngành của thành phố. 5 ban gồm: Ban Quản lý Dự án dân dụng và công nghiệp, Ban Quản lý dự án giao thông, Ban Quản lý dự án NN&PTNT, Ban Quản lý dự án văn hóa xã hội, Ban Quản lý dự án cấp nước, thoát nước và môi trường.
Được thành lập từ đầu năm 2017, 5 “siêu ban” được lập trên cơ sở tiếp nhận nguyên trạng về bộ máy, nhân sự, tài sản, công việc của 26 BQLDA tiền thân trực thuộc thành phố và trực thuộc sở, ngành trước đây. Sau gần 8 tháng kể từ ngày thành lập và được UBND TP phê duyệt cơ cấu tổ chức, bộ máy và giao nhiệm vụ cụ thể, các ban quản lý chuyên ngành đã cơ bản sắp xếp xong tổ chức nhân sự, bắt đầu đi vào hoạt động bài bản.
Theo kết quả khảo sát của liên ngành thành phố Hà Nội gồm Ban Kinh tế ngân sách, Ban Đô thị của HĐND TP, Sở Kế hoạch – đầu tư, Sở Tài chính và Kho bạc Nhà nước Hà Nội thực hiện cuối tháng 8/2017, tổng số nhân sự của 5 ban quản lý nói trên có tới 984 người, trong đó, 5 công chức, 706 viên chức, 273 người thuộc diện lao động hợp đồng.
Đáng chú ý, một số ban quản lý dự án chưa đủ kinh phí để trả lương, như Ban Quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thông đã được thành phố hỗ trợ 1,4 tỷ đồng và tạm ứng ngân sách thành phố 6,2 tỷ đồng; Ban quản lý dự án giao thông dự kiến chỉ đủ chi phí hoạt động đến hết quý 3/2017. Viên chức, người lao động hợp đồng có trình độ, kinh nghiệm tại một số ban đã xin chuyển công tác.
Căn cứ số lượng cán bộ và nhiệm vụ được giao, đoàn khảo sát liên ngành thành phố nhận định số lượng cán bộ, người lao động nhiều hơn so với khối lượng công việc tương ứng số lượng dự án, kế hoạch vốn được giao triển khai.
Ban Kinh tế ngân sách TP cho biết các ban quản lý dự án hiện mới chỉ được kho bạc tạm ứng kinh phí tối thiểu cho hoạt động đơn vị do chưa được cấp trên của chủ đầu tư phê duyệt dự toán. Theo chủ trương, các ban quản lý dự án này là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc thành phố, hoạt động trên nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên.
Từ những bất cập trên, liên ngành thành phố yêu cầu các Ban quản lý nói trên tiếp tục rà soát kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của đơn vị, xây dựng bộ máy tổ chức gọn nhẹ, chuyên nghiệp…, từ đó đảm bảo nguồn thu để tự chủ kinh phí đáp ứng chi trả lương cho cán bộ, người lao động.
Ngày 31/12/2016, UBND TP Hà Nội tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập 5 Ban Quản lý dự án chuyên ngành Thành phố.
5 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở sát nhập 24 đơn vị trước đây, bao gồm:
Các Ban QLDA này là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Thành phố, hoạt động trên nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Cơ cấu tổ chức của các ban gồm Giám đốc và không quá 3 Phó giám đốc; các tổ chức tham mưu tổng hợp và chuyên môn nghiệp vụ; văn phòng, kế hoạch tổng hợp, thiết kế dự án…
Kho bạc Nhà nước Hà Nội cho biết tính đến cuối tháng 8/2017, 5 Ban quản lý dự án trên mới giải ngân được 1.625 tỷ đồng trong tổng 6.524 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017, chỉ đạt 25% kế hoạch. Ban quản lý dự án Dân dụng và công nghiệp là đơn vị giải ngân cao nhất, chỉ đạt 42%. Có 3 ban để 17 dự án được bố trí vốn nhưng không giải ngân được đồng nào.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…