5 tòa nhà N015 (A, B, C, D, E) tại khu đô thị Thượng Thanh bị bỏ hoang. (Ảnh: hanoitv.vn)
Được xây dựng trên diện tích 30ha, người dân đã ký hợp đồng mua nhà nhưng vì nhiều lý do, 5 tòa giãn dân phố cổ tại Long Biên vẫn bỏ hoang.
Ngày 9/1/2013, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Mục tiêu của đề án là giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn khoảng 500 người/ha (mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020). Điều này có nghĩa phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người.
Dự án chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 di dời 1.530 hộ dân đến khu đô thị giãn dân phố cổ nằm trong khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) rộng 11,12ha.
Giai đoạn 2 (2013-2020) thực hiện di dời 5.020 hộ khu phố cổ sang khu đô thị Thượng Thanh, Long Biên. Quỹ đất rộng khoảng 30ha, được cho là đất vàng. Giai đoạn II kết thúc vào năm 2020, tổng mức đầu tư ước tính hơn 4.900 tỷ đồng.
5 tòa nhà N015 (A, B, C, D, E) tại khu đô thị Thượng Thanh, nằm dọc đường Lý Sơn, được xây dựng với hơn 400 căn hộ, để giãn dân phố cổ nhưng bị bỏ hoang suốt 12 năm mà không có người về ở, gây lãng phí rất lớn.
Các tòa nhà và các công trình phụ trợ đều đang bị xuống cấp trầm trọng. Tường nhà bong tróc, sảnh mái nứt vỡ, cỏ dại mọc um tùm, rác thải vứt ngổn ngang, tạo ra hình ảnh vô cùng nhếch nhác mất mỹ quan.
Một người dân ở phía đối diện khu nhà ở giãn dân này cho biết trong khi nhiều người dân ở quận Long Biên còn thiếu nhà ở, phải ở thuê, sống trong cảnh chật chội, mà dự án trên lại bỏ hoang nhiều năm, thật quá lãng phí.
Còn người dân thuộc diện được mua nhà tái định cư ở Thượng Thanh thì cho hay dù điều kiện ăn ở sẽ tốt hơn, thoáng đãng và rộng rãi hơn, song cái khó nhất là công ăn việc làm, lại xa trung tâm, trong khi ở lại khu phố cổ thì còn có việc làm, có thu nhập hàng ngày.
Hơn nữa, các tòa nhà thiếu hạ tầng xã hội như bệnh viện, chợ, trường học; đồng thời, chất lượng xây dựng không đảm bảo, hệ thống cấp nước, phòng cháy chữa cháy và điện chiếu sáng còn hạn chế.
Ngoài ra, giá mua nhà tái định cư chênh lệch quá cao so với tiền bồi thường khi thu hồi đất, khiến nhiều hộ dân không đủ khả năng tài chính để mua.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý cụm công trình này, nếu như người dân diện tái định cư, giãn dân không về ở thì cần chuyển đổi công năng sang nhà xã hội để tránh lãng phí, đồng thời giúp cho những người dân đang có nhu cầu về nhà ở có hội được mua nhà.
Luật sư Thắng cho biết hiện nay các quy định của pháp luật cũng cho phép thực hiện việc này. Cụ thể, tại Điều 53 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, quy định việc chuyển đổi công năng từ nhà ở phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội chỉ được thực hiện khi tại khu vực có nhà ở cần chuyển đổi không còn nhu cầu về nhà ở phục vụ tái định cư và nhà ở chuyển đổi có diện tích phù hợp với tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Trong trường hợp nhà ở sinh viên quy định tại Điểm c khoản này hoặc nhà ở phục vụ tái định cư quy định tại Điều 53 của Nghị định này không đủ điều kiện chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội thì áp dụng theo Khoản 1 Điều 57 Nghị định 95/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép bán đấu giá nhà ở này, Luật sư Thắng nói, theo báo Phụ nữ Việt Nam.
Israel sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột ở Gaza nếu Hamas hạ…
Vừa qua, sáu người đàn ông từ Tiền Giang đã nhập viện tại Bệnh viện…
Đơn hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử có trị giá hải quan 1…
Dạy dỗ bằng giọng điệu nhẹ nhàng giúp nuôi dưỡng những đứa trẻ tự tin.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TP.HCM tổ…
Hai ngày trước công bố thuế quan mới của Hoa Kỳ, các chính phủ chờ…