ĐBSCL vừa trải qua hạn mặn khốc liệt, nay tình trạng hạn hán đang ngày càng nghiêm trọng hơn tại khu vực Trung bộ và Tây Nguyên khi dung tích các hồ chứa nước thấp hơn 50%, khiến gần 51.00 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Thậm chí có hồ chỉ còn 3% dung tích.
Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết hiện dung tích các hồ chứa nước ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên thấp hơn 50%. Theo thống kê, có 520 hồ chứa nhỏ tại khu vực này đang cạn nước và dung tích thấp, trong đó Bắc Trung bộ có 286 hồ cạn nước, Nam Trung bộ có 165 hồ dung tích còn dưới 20% dung tích thiết kế, Tây Nguyên có 69 hồ có dung tích dưới 20% dung tích thiết kế.
Những hồ đang cạn nghiêm trọng như Hồ Liệt Sơn (Quảng Nam) mực nước còn 13,45%; Hồ Núi Một, Hội Sơn (Bình Định) mực nước chỉ còn 15%; Hồ Sông Trâu, Sông Biêu, Lanh Ra (Ninh Thuận) chỉ còn 3%; Hồ Sông Móng (Bình Thuận) còn 10%; Hồ Đắk Uy (Kon Tum) 14%; Hồ Ia Ring (Gia Lai), 15%; Hồ Ea Soup thượng (Đắk Lắk) còn 16%.
Tình trạng hạn hán khiến 14.279 ha cây trồng bị thiếu nước, khoảng 24.300-28.800 ha không đủ nguồn nước tưới nên phải điều chỉnh giảm diện tích, giãn vụ hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đáng chú ý, tình trạng khô hạn khiến 50.852 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, trong đó, nặng nhất là Bình Thuận với hơn 27.200 hộ, Quảng Ngãi hơn 8.800 hộ, Quảng Bình 4.500 hộ, Quảng Trị gần 4.000 hộ, Khánh Hòa 2.500 hộ, Ninh Thuận 2.400 hộ…
Hạn đang nghiêm trọng nhất tại khu vực Nam Trung bộ, với khả năng khoảng 22.000 đến 26.500 ha không đủ nguồn nước tưới, 42.052 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.
Tại Bắc Trung bộ, khoảng 14.279 ha bị hạn hán, thiếu nước và 8.800 hộ dân thiếu thốn nước sinh hoạt.
Mực nước tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên đã kéo dài từ nửa cuối tháng 12/2019 tới nay. Cuối năm 2019, Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia dự báo mực nước trên các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên sẽ xuống dần và ở mức thấp; trên một số sông, suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 40-70% so với trung bình nhiều năm, một số sông thiếu hụt trên 80%, gây hạn hán, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi.
Tại vùng ĐBSCL, theo công bố của Tổng cục Thủy lợi hồi cuối tháng 6, xâm nhập mặn đến sớm ngay từ tháng 12/2019, ranh mặn 4g/lít xâm nhập 57km theo sông Hàm Luông, sâu hơn trung bình nhiều năm tới 24km. Đến tháng 5/2020, ranh mặn 4g/lít đã vào sâu khoảng 130km trên sông Vàm Cỏ Tây, sang tháng 6 độ mặn trên các cửa sông mới giảm nhanh.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, mùa khô năm 2019-2020 đến sớm hơn trung bình nhiều năm gần 3 tháng. So với mùa khô kỷ lục năm 2015-2016, hạn mặn năm 2019-2020 đến sớm gần 1 tháng; thời gian kéo dài hơn 2-2,5 lần. Độ mặn ở vùng các cửa sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, Hàm Luông liên tục duy trì ở đỉnh, cao suốt từ tháng 2 đến tháng 5, hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể trong các kỳ triều thấp, khác với thông thường là tăng theo kỳ triều cường, giảm theo kỳ triều thấp.
Trong mùa khô năm 2019-2020, 10/13 tỉnh trong vùng bị ảnh hưởng, 1,68 triệu ha bị ảnh hưởng trong phạm vi ranh mặn 4g/lít, cao hơn 50.376ha so với năm 2016.
Hạn mặn năm 2019- 2020 đã khiến 96.000 hộ (khoảng 430.000 người) bị thiếu nước sinh hoạt, thấp hơn con số 210.000 hộ thiếu nước trong mùa khô năm 2015-2016. Tuy nhiên, sạt lở, sụp lún xảy ra nhiều nơi, như sạt 112 điểm ở vùng ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang), tổng chiều dài 15.920m; sụp lún 240m, nguy cơ sụp 4.215m, lộ giao thông nông thôn bị sụp lún 24.957m ở Cà Mau; Kiên Giang sụp lún khoảng 1.500m; riêng An Giang sạt lở 9 điểm, dài 225m, 8 căn nhà phải di dời khẩn cấp, ước thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng…
Nguyễn Quân
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…