Tiền lương hàng tháng của lao động nữ di cư dao động nhiều nhất là khảng 5-7 triệu đồng/tháng. Có tới 64,7% lao động nữ di cư phải ở những căn nhà trọ chật chội, không an toàn, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh.
Các thông tin trên được đề cập trong Khảo sát thực trạng đời sống và thực hiện quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con cái của lao động nữ di cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, do Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện từ tháng 5-7/2023 vừa được công bố ngày 15/12 vừa qua.
Khảo sát được thực hiện với 1.000 người, gồm 906 lao động nữ nhập cư đang nuôi con nhỏ và lao động nữ địa phương, 62 cán bộ công đoàn cơ sở, 32 người sử dụng lao động, tại 30 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên – Huế, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Phước, An Giang, Công đoàn Dệt may Khu vực phía Nam.
Kết quả khảo sát cho thấy đa số lao động nữ di cư là công nhân trực tiếp sản xuất (chiếm 80,5%). Trong đó, nhóm lao động này chủ yếu làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày (chiếm 67%), tiếp đến là các lĩnh vực sản xuất điện, điện tử; xây dựng như giao thông – vận tải.
Phần lớn lao động nữ di cư được khảo sát có thời gian gắn bó với nơi làm việc khá dài. Gần 40% đã làm việc tại doanh nghiệp dưới 5 năm; 32% làm việc từ 5 năm đến 10 năm; 16% làm việc từ 10-15 năm; 11,9% làm việc từ 15 năm trở lên.
Về thu nhập, khoảng 50% lao động được trả tiền lương từ 5-7 triệu đồng/tháng (chủ yếu là lao động trực tiếp, lao động phục vụ); 18,8% được trả lương từ 7-9 triệu đồng/tháng (thường nằm trong nhóm cán bộ công chức, hành chính), và chỉ 11% được trả lương từ 9 triệu đồng trở lên (đa phần là lãnh đạo phòng, quản lý phân xưởng).
Các khoản thu nhập phụ trợ như tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ giữ trẻ, nuôi con nhỏ (dao động từ 600.000 – 1 triệu đồng/tháng).
Với khoản thu nhập trên, 40% số người khảo sát cho hay phải tằn tiện, chi tiêu mới đủ trang trải; 38,7% chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày chứ không đủ tích lũy; 17,7% cho hay không đủ trang trải cuộc sống (tập trung nhiều nhất là công nhân làm việc trực tiếp, chiếm gần 20%).
Chỉ 3,7% người lao động trong cuộc khảo sát có tiền tích lũy hàng tháng (tiền tiết kiệm hàng tháng)…
Cùng với đó, lao động nữ đối mặt với nhiều khó khăn do khoán sản phẩm, định mức lao động; thời gian làm việc căng thẳng, áp lực. Có 26,6% phải làm thêm giờ do thu nhập thấp; 18,3% có môi trường làm việc chưa an toàn (tiếng ồn, nóng, ô nhiễm…); 57,1% có thu nhập bị sụt giảm; 17,9% không có việc làm thường xuyên…
Với con số chỉ 0,3% lao động nữ di cư được ở trong ký túc xá tập thể của doanh nghiệp, đa số lao động nữ di cư phải thuê nhà trọ để ở (53,7%), số có nhà riêng khi di cư nhỏ (19,1%).
Mức lương “tằn tiện” nói trên khiến tình trạng nhà ở của lao động nữ di cư còn rất nhiều khó khăn. 64,7% số người được khảo sát ở những căn nhà trọ chật chội, không đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như ánh sáng, nước sạch, vệ sinh, thiếu tiện nghi sinh hoạt, không đảm bảo an toàn.
Gần 50% lao động nữ di cư ở khu nhà dưới 20m2; hơn 50% số người sống thiếu thốn vật chất, tiện nghi. Mức thuê trọ phổ biến từ 1-2 triệu đồng/tháng.
Gần 40% lao động nữ chọn thắt chặt chi tiêu bằng cách cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, như ăn uống, giải trí…; khoảng 10% lao động lựa chọn vay mượn từ người thân, bạn bè, các tổ chức tín dụng khi thiếu thốn.
Do mức thu nhập thấp, nhóm lao động nữ di cư được khảo sát cho hay thường tiết kiệm, không sắm sửa những vật dụng cần thiết trong gia đình như điều hòa, máy giặt, tủ lạnh…, khi ốm đau cũng hạn chế đi khám bệnh, điều trị.
Gia đình là động lực cũng là mối lo lắng của các lao động nữ di cư. Nhóm đã kết hôn chiếm 85,3%. Với những người đã có con, có hai lựa chọn, hoặc mang theo con cái, hoặc gửi con lại ở quê trước khi đi làm ở xa.
Trong số 833 lao động nữ trả lời khảo sát, có đến 40,5% người cho rằng gửi con về quê tạm thời, sau khi ổn định sẽ đón con lên; 29,5% cho rằng gửi con về quê là bắt buộc vì cha mẹ không có điều kiện nuôi dạy, chăm sóc trẻ và 23,8% cho rằng gửi con về quê là điều đương nhiên vì như thế mới phù hợp với điều kiện của cha mẹ phải đi làm ăn xa.
Nhóm chưa kết hôn chỉ chiếm khoảng 3,3%, đa số là những người trẻ tuổi, mới tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Họ di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập.
Nhóm ly hôn, ly thân chiếm tới 10% tổng số lao động nữ di cư, đa số chọn cách di cư để tìm kiếm cơ hội việc làm và ổn định cuộc sống sau khi ly hôn, ly thân.
Về những mong muốn của lao động nữ di cư, kết quả khảo sát cho thấy có 55,3% muốn làm việc đến tuổi nghỉ hưu theo quy định. Số người muốn rút bảo hiểm xã hội một lần là gần 45%.
Lý do được đa số đưa ra khi muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần là muốn có một khoản cho gia đình, chiếm gần 70% số người khảo sát; 28,5% số người cho hay vì cuộc sống ở đây bấp bênh, không tin tưởng có thể lưu trú lại nơi này và làm việc; 10,4% cho rằng nhận một lần có hợi hơn; 2% có lý do khác.
Cũng theo kết quả khảo sát đối với người sử dụng lao động, có 66,7% số người khảo sát cho biết tại doanh nghiệp có tình trạng người lao động muốn nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội một lần.
Lý do được người sử dụng lao động đưa ra về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là do suy giảm khả năng lao động (37,5%); do muốn về quê sinh sống (40,6%); do xa con, xa gia đình (34,4%); do không có niềm tin vào tương lai (31,3%); do thu nhập quá thấp không có tích lũy (28,1%); do điều kiện sống quá thấp (6,3%).
Những lý do khác được đưa ra như chưa hiểu rõ về chính sách bảo hiểm, công nhân lao động cho rằng tuổi đời còn trẻ nên không thể chờ thời gian được hưởng bảo hiểm xã hội quá lâu; do chuyển đổi công việc…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…