Ấn Độ thông báo sẵn sàng cho vay 300 triệu USD để Việt Nam tăng cường an ninh hàng hải, giữa lúc hai bên cho biết muốn tăng gấp đôi thương mại và đầu tư trong vòng 5 năm tới, theo AP.
Ngày 1/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có chuyến thăm cấp Nhà nước trong hai ngày tới Ấn Độ và gặp gỡ người đồng cấp Narendra Modi.
Ông Modi và ông Chính khánh thành từ xa “Công viên phần mềm quân đội” tại Việt Nam, một cơ sở giáo dục được thành lập với sự giúp đỡ của Ấn Độ để đào tạo binh sĩ Việt Nam về kỹ năng kỹ thuật số.
Tuyên bố chung của hai lãnh đạo đưa ra công khai sau đó cho thấy các điểm nổi bật về an ninh hàng hải, hợp tác quốc phòng và khai thác dầu khí ở Biển Đông.
Toàn văn tuyên bố chung có đoạn “hai lãnh đạo tái khẳng định hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có các hoạt động thăm dò, khai thác trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam.”
Nhấn mạnh mối quan hệ giữa an ninh và thịnh vượng, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), không đe dọa sử dụng hoặc sử dụng vũ lực.
Xem UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương,… hai Thủ tướng tiếp tục kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các các quốc gia, trong đó có các quốc gia không tham gia đàm phán.
Hai ông cũng nêu bật tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và tự kiềm chế, các quốc gia có chủ quyền và các quốc gia khác không có các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định.
Ông Chính và ông Modi hoan nghênh việc triển khai hiệu quả Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Ấn Độ đến năm 2030 và tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong những năm gần đây trong đào tạo và nâng cao năng lực, chia sẻ thực tiễn, huấn luyện, đối thoại chính sách quốc phòng và hợp tác công nghiệp quốc phòng.
Hai lãnh đạo đồng ý tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng dựa trên các ưu tiên và quan tâm chung, đóng góp vào sự ổn định hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Thương mại song phương giữa hai nước năm 2022 tăng trưởng 27% và đạt 14,14 tỷ USD. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu của nước này từ Việt Nam lên tới 7,44 tỷ USD trong cùng kỳ. Xuất khẩu của Ấn Độ sang Việt Nam bao gồm sắt thép, bông, ngũ cốc, thịt và thủy sản, máy móc và thiết bị điện, phụ tùng ô tô, xi măng, hóa chất và dược phẩm. Xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ chủ yếu bao gồm thiết bị điện và điện tử, hóa chất vô cơ, máy móc và thiết bị cơ khí, đồng và cao su, cà phê và trà, gia vị, sắt thép. Theo Bộ Ngoại giao nước này, đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam ước tính khoảng 1,9 tỷ USD vào các lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản, nông nghiệp, công nghệ thông tin và các lĩnh vực khác. Việt Nam đã đầu tư hơn 28,55 triệu USD vào Ấn Độ, chủ yếu vào ngành dược phẩm, công nghệ thông tin, hóa chất và vật liệu xây dựng. Hồi năm 2016, Việt Nam và Ấn Độ nâng mối quan hệ lên từ “Đối tác chiến lược” trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện” – cấp ngoại giao cao nhất của Việt Nam. |
Khánh Vy t/h
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…