3 lý do chính Ấn Độ và Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác quốc phòng
- Mộc Vệ
- •
Cả Ấn Độ và Việt Nam đều có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia, việc Ấn Độ và Việt Nam hợp lực để chống lại tham vọng bá quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là có ý nghĩa chiến lược.
Ấn Độ và Việt Nam ký thỏa thuận sử dụng chung căn cứ quân sự để hợp tác quốc phòng sâu rộng hơn
Việt Nam đang tăng cường hợp tác quốc phòng với Ấn Độ. Hai nước đã ký một thỏa thuận vào tháng Sáu cho phép sử dụng chung các căn cứ quân sự của nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo trì và cung cấp thiết bị quân sự, bao gồm cả vũ khí. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam ký một thỏa thuận như vậy với một nước khác.
Việt Nam và Ấn Độ đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký tuyên bố về “Quan hệ đối tác quốc phòng đến năm 2030”. Hai bên đang tuân theo “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Ấn Độ đề xuất nhằm mở rộng quan hệ song phương.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã chuyển giao cho Việt Nam 12 tàu tuần tra cao tốc do Ấn Độ sản xuất. Ấn Độ cũng công bố khoản cho vay bổ sung 500 triệu USD để tăng cường khả năng quốc phòng của Việt Nam.
“Hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là không thể thiếu để duy trì sự ổn định ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, ông Singh viết trên dòng tweet sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang.
Nguồn tin cho biết thỏa thuận hỗ trợ hậu cần mà Ấn Độ và Việt Nam ký hồi tháng Sáu sẽ giúp việc triển khai tàu, máy bay và nhân viên tại các căn cứ của hai bên, đồng thời giúp cung cấp cho nhau dễ dàng hơn về lương thực, nhiên liệu, vũ khí và dịch vụ bảo dưỡng. Ấn Độ đã ký các thỏa thuận tương tự với Nhật Bản và Mỹ.
Theo trang mạng của Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong thời gian tới, trên cơ sở “Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ vì Hòa bình, Thịnh vượng và Người dân” được thông qua vào tháng 12/2020, Việt Nam và Ấn Độ thống nhất tăng cường thúc đẩy hợp tác, triển khai đầy đủ, hiệu quả các văn bản, thỏa thuận đã ký kết, như: Tăng cường tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, nhất là đoàn cấp cao; duy trì và nâng cao hiệu quả các cơ chế Đối thoại, tham vấn, giao lưu, nhất là cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng; huấn luyện, đào tạo; hợp tác quân binh chủng; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tăng cường phối hợp, tham vấn trên các diễn đàn đa phương…
Trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề cùng quan tâm, hai bên thống nhất đánh giá hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu hướng chủ đạo trên thế giới. Tuy nhiên, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, với những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen; đại dịch COVID-19 đã tác động trên nhiều lĩnh vực và ở phạm vi toàn cầu; môi trường an ninh thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn… Hai bên cũng chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ hỗ trợ đào tạo quân nhân Việt Nam
Theo Mạng Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 10/6/2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Sĩ quan Không quân và Trường Đại học Thông tin Liên lạc của Việt Nam.
Ông Singh đã tài trợ trị giá 1 triệu USD cho Trường Sĩ quan Không quân Việt Nam để xây dựng Trung tâm Ngoại ngữ và Công nghệ Thông tin; đồng thời tặng 5 triệu Rupee Ấn Độ (tương đương 1,49 tỷ đồng) cho Trường Đại học Thông tin Liên lạc Việt Nam để mua thiết bị đào tạo.
Tin cho hay tại Học viện Không quân Ấn Độ mới đây, phía Ấn Độ đã đào tạo bay cơ bản cho 10 phi công Việt Nam, đồng thời có kế hoạch tiếp tục đào tạo cho thêm 10 phi công Việt Nam.
Trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ – ASEAN, vào năm 2015, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã thành lập Trung tâm Ngoại ngữ và Công nghệ thông tin tại Trường Sĩ quan Thông tin liên lạc Việt Nam. Từ năm đó, 2 sĩ quan Ấn Độ đã giảng dạy tiếng Anh và Công nghệ thông tin tại Trường Đại học Thông tin Liên lạc Việt Nam. Ngoài ra vào tháng 9/2016, Chính phủ Ấn Độ đã hỗ trợ không hoàn lại 5 triệu USD cho việc xây dựng Công viên Phần mềm Quân đội của Trường Sĩ quan Thông tin liên lạc.
Ấn Độ và Việt Nam tiến tới quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
Sau Chiến tranh thế giới thứ II, Ấn Độ và Việt Nam đã thiết lập quan hệ chính trị tốt đẹp. Năm 1954 Ấn Độ mở Lãnh sự quán tại Hà Nội, năm 1956 Việt Nam mở Lãnh sự quán tại New Delhi, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1972, và quan hệ hai nước đã trở nên thân thiết hơn kể từ năm 1991 khi Ấn Độ thực hiện Chính sách Hướng Đông.
Tháng 3/2000, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ lúc bấy giờ là Fernandez thăm Việt Nam và hai nước đã ký “Hiệp định Hợp tác Quốc phòng”, trong đó có việc thể chế hóa họp định kỳ Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, các cuộc tập trận chung trên biển, hỗ trợ Việt Nam đào tạo phi công, nhận thức về mối đe dọa chiến lược và chia sẻ thông tin tình báo…
Tháng 5/2003 Việt Nam và Ấn Độ ra “Tuyên bố chung về Khung hợp tác toàn diện”, cam kết định kỳ tổ chức cuộc họp cấp cao và tiến hành các cuộc tham vấn được thể chế hóa giữa Bộ quốc phòng. Cùng năm, hai nước thiết lập cơ chế đối thoại chính sách quốc phòng và mở rộng hợp tác quốc phòng về cả Không quân – Lục quân – Hải quân; lĩnh vực hợp tác bao gồm đào tạo, công nghiệp quốc phòng và các chuyến thăm lẫn nhau của tàu chiến.
Vào tháng 7/2007, Việt Nam và Ấn Độ tuyên bố thiết lập “Quan hệ đối tác chiến lược mới” và ký hiệp định quốc phòng và an ninh mới, trong đó xác nhận về mặt pháp lý rằng Ấn Độ sẽ ưu tiên bán vũ khí và trang thiết bị tiên tiến như tên lửa và máy bay chiến đấu cho Việt Nam; hợp tác quân sự song phương bắt đầu nhanh chóng nóng lên và đi vào “đường cao tốc”.
Tháng 5/2015, Việt Nam và Ấn Độ đã ký “Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Ấn Độ giai đoạn 2015-2020 về hợp tác quốc phòng”, nhất trí mở rộng hợp tác an ninh hàng hải và các hoạt động huấn luyện quân sự, đồng thời hai bên cũng ký “Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng” và “Bản ghi nhớ hợp tác về Cảnh sát biển”.
Tháng 9/2016, Việt Nam và Ấn Độ tuyên bố sẽ nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược toàn diện”, theo đó hợp tác an ninh song phương đã bước sang một giai đoạn lịch sử mới.
Trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác quốc phòng và quan hệ đối tác nêu trên, Việt Nam và Ấn Độ đã ký hơn 10 thỏa thuận hợp tác quân sự, bao gồm đào tạo cán bộ kỹ thuật quân sự, chuyển giao công nghệ vũ khí, cải tiến máy bay chiến đấu và hệ thống pháo, sửa đổi tàu chiến, cung cấp hệ thống phần mềm và thông tin liên lạc quân sự, trao đổi huấn luyện tác chiến trong rừng, an ninh mạng, gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ xây dựng công viên phần mềm quân sự, hợp tác hạt nhân, chia sẻ thông tin hàng hải và trao đổi tình báo quân sự bình thường hóa, và thiết lập một số cơ chế hợp tác an ninh.
Hợp tác quân sự Việt Nam – Ấn Độ để chống lại ĐCSTQ
Việt Nam nằm ở trung tâm của vòng cung chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và được Ấn Độ coi là quốc gia điểm tựa để thực hiện “Hành động hướng Đông” và “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Ông Cheng-Hsin Chuang từ Viện Chính trị Quốc tế thuộc Đại học Chung Trung Hưng Đài Loan (National Sun Yat-sen University, NSYSU) đã viết một bài báo trên Mạng lưới quan sát viên Nam Á để phân tích 3 lý do thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam.
Thứ nhất là nhu cầu chiến lược của mỗi bên: Ấn Độ và Việt Nam đều tìm kiếm vai trò hàng đầu trong khu vực. Ấn Độ tìm kiếm vai trò hàng đầu ở Nam Á, và Việt Nam tìm kiếm vai trò hàng đầu ở bán đảo Đông Dương. Ấn Độ và Việt Nam hỗ trợ lẫn nhau để đạt được các mục tiêu chiến lược hàng hải và khu vực của mỗi bên.
Thứ hai là để chống lại ĐCSTQ: Subhash Kapila của Nhóm Phân tích Nam Á (tổ chức tư vấn của Ấn Độ) đã phân tích rằng Việt Nam và Ấn Độ đều có đường biên giới trên bộ dài với Trung Quốc, ĐCSTQ từng có hành động quân sự với cả hai nước, và hiện nay hai nước đều có vấn đề tranh chấp biên giới với Trung Quốc. Chống lại ĐCSTQ có ý nghĩa chiến lược đối với cả Việt Nam và Ấn Độ. Việt Nam nằm ở vị trí địa chiến lược quan trọng giáp với Trung Quốc nên là chìa khóa để kiềm chế bá quyền của ĐCSTQ. Sự phát triển quan hệ chiến lược giữa Ấn Độ và Việt Nam có thể cho Ấn Độ cơ hội tốt để gây sức ép và kiềm chế tham vọng mưu cầu bá chủ của ĐCSTQ. Việt Nam cho phép Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang và dự định cho Ấn Độ tiếp cận Vịnh Cam Ranh.
Là nước ven biển Đông Nam Á, Việt Nam có rất nhiều hải cảng tuyệt vời, trong đó căn cứ quân sự Vịnh Cam Ranh là một trong những cảng nước sâu tốt nhất trong toàn khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, thậm chí có thể cập tàu sân bay cỡ lớn, trong khi các cơ sở quân sự ở Nha Trang cũng có thể được sử dụng cho các tàu chiến của Ấn Độ bảo đảm về hậu cần. Năm 2018, Việt Nam đã cho phép hải quân Ấn Độ sử dụng cảng Nha Trang cách vịnh chiến lược Cam Ranh không xa. Vào tháng 12/2021, tàu khu trục tàng hình Gildan của Hải quân Ấn Độ đã cập cảng Nha Trang sau đó tham gia cuộc tập trận chung “Vượt biển” được tổ chức ở Biển Đông, động thái đã đánh dấu sự gia nhập chính thức của việc Hải quân Ấn Độ tiến sâu vào khu vực Thái Bình Dương và khiến cuộc tập trận chung của hai nước đã lên một tầm cao mới.
Thứ ba là nhu cầu kinh tế: Ấn Độ và Việt Nam đang tích cực tăng cường hợp tác song phương dựa trên sự bổ trợ về các mặt quân sự, kinh tế, khoa học và công nghệ. Việt Nam dự định tăng cường hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực quân sự và khoa học công nghệ, đồng thời mong muốn sử dụng sức mạnh của Ấn Độ để nâng cao năng lực quân sự và khoa học công nghệ, thực hiện chiến lược phát triển quân sự và khoa học công nghệ của Việt Nam. Trữ lượng dầu khí dồi dào ở đại dương xung quanh Việt Nam và tiềm năng thị trường cũng trở thành lực hút quan trọng để Ấn Độ tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Tác gải bài viết cho rằng Ấn Độ cần tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam để đảm bảo đồng minh địa chính trị và chiến lược lâu dài ở Đông Nam Á; Việt Nam cũng nhờ vấn đề Biển Đông để khiến Ấn Độ coi trọng địa chính trị và năng lượng của Việt Nam. Căn cứ quân sự của ĐCSTQ trên đảo Hải Nam là một thách thức chiến lược lớn đối với Ấn Độ và Việt Nam, vì nó là nơi tiếp tế liên tục cho các tàu ngầm hạt nhân ở cực nam của ĐCSTQ. Vì vậy, việc Ấn Độ và Việt Nam tăng cường hợp tác chiến lược là điều tất yếu.
Từ khóa Ấn Độ Thái Bình Dương quan hệ Việt Nam - Ấn Độ Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ Dòng sự kiện Ấn Độ Dương