Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định thuốc trị ung thư H-Capita của VN Pharma là hàng giả; BOT Quốc lộ 5 – Xung đột lợi ích tiếp tục được giải quyết bằng “tiền lẻ”; Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm của UBND tỉnh Phú Yên trong quản lý rừng phòng hộ; Khởi tố nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình; Đề xuất phạt tối đa 200 triệu đồng đối với vi phạm về ATTP;… là những tin tức nổi bật trong nước tuần qua.
Mặc dù Bộ Y tế cho rằng thuốc điều trị ung thư H-Capita do công ty VN Pharma nhập khẩu không phải là hàng giả nhưng ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) khẳng định thuốc trị ung thư H-Capita là hàng giả.
Ông Hùng nhận định VN Pharma đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì (công ty không có thật ở Canada). Theo ông Hùng, việc các cơ quan của Bộ Y tế cho rằng thuốc 97,5% có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký nên không kết luận được hàng giả, hành vi giả là một cách ngụy biện.
Chiều 30/8, Ban Chỉ đạo 389 đã đề xuất Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác quản lý Nhà nước đối với Cục Quản lý Dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Ông Hùng cho hay trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 sẽ có văn bản kiến nghị xử lý vụ việc.
Khoảng 16h ngày 4/9, một số tài xế lái ô tô biển số Hải Dương tập trung tại trạm BOT số 1 quốc lộ 5 (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên), sử dụng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng và 1.000 đồng mua vé để phản đối việc thu phí.
Đến khoảng 18h, cả hai chiều lưu thông Hưng Yên – Hải Phòng qua trạm đều ùn tắc nghiêm trọng, kéo dài gần 10km, trạm thu phí buộc phải xả trạm gần 1 giờ đồng hồ. Đến 20h, trạm thu phí trở lại.
Tiếp đó, khoảng 16h30 ngày 5/9, hàng chục lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ trả phí, gây ùn ứ kéo dài cả hai đầu trạm, buộc chủ đầu tư phải xả trạm lần 2.
Tối ngày 6/9, các lái xe tiếp tục dùng tiền lẻ trả phí qua trạm khiến giao thông qua đây ùn tắc.
Đại diện đơn vị quản lý trạm thu phí – Tổng công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) khẳng định “doanh nghiệp thực hiện thu phí BOT quốc lộ 5 theo đúng quy định”. Tuy nhiên, các lái xe cho rằng trạm BOT này đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là vô lý, chất lượng đường thấp nhưng mức phí quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hiện mức phí thấp nhất qua trạm là 40.000 đồng/lượt, cao nhất là 180.000 đồng/lượt.
Ngày 7/9, đại tá Đỗ Đình Hào – Giám đốc Công an tỉnh Hưng Yên cho biết cơ quan công an đang điều tra dấu hiệu của hành vi gây rối trật tự công cộng tại BOT Quốc lộ 5.
UBND tỉnh Hưng Yên sẽ làm việc với Vidifi về các vấn đề ở trạm thu phí để có báo cáo, đề xuất lên Bộ GTVT.
Theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên đã vi phạm hàng loạt quy định của pháp luật về quản lý đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng. 20 dự án liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác tại Phú Yên đều có sai phạm.
19/20 dự án có tổng diện tích hơn 1.100 ha (chiếm 86%) được chấp thuận cho đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đang thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.
Trong đó, dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City tại thành phố Tuy Hòa có nhiều sai phạm nghiêm trọng nhất khi phá rừng và khởi công làm sân golf nhưng chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác. UBND tỉnh Phú Yên đã cho phép nhà đầu tư thực hiện phân kỳ thu hồi rừng phòng hộ từng đợt nhỏ hơn 20 ha trong tổng số 122 ha đất rừng phòng hộ để “né” quy định chuyển mục đích hơn 20 ha rừng phòng hộ phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
17/19 dự án có sử dụng đất rừng tại Phú Yên đến nay vẫn chưa có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 413 ha.
Thanh tra Chính phủ kết luận các sai phạm thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Phú Yên, Giám đốc các Sở NN&PTNT, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Tài nguyên – Môi trường cùng các tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư có liên quan.
Ngày 8/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Đặng Thanh Bình (SN 1954, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự và áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các quyết định của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Ông Bình được xác định có liên quan trách nhiệm đến vụ án kinh tế làm thất thoát 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh và đồng phạm tại Ngân hàng Xây dựng.
Tối ngày 8/9, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra khi có yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật. Theo NHNN, việc cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với ông Bình không ảnh hưởng đến công việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động của ngân hàng.
Sáng ngày 7/9, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ra mắt theo quyết định thành lập số 352 ngày 22/3 của Thủ tướng Chính phủ.
Ông Võ Kim Cự – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam là một trong ba Phó trưởng ban, cùng với hai Phó trưởng ban khác là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Trước đó, liên quan đến những sai phạm trong vụ Formosa Hà Tĩnh xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, tháng 4/2017, ông Cự chịu hình thức kỷ luật cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2005-2010 và nhiệm kỳ 2010-2015, cách chức nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Bí thư Ban cán sự đảng ủy UBND Hà Tĩnh.
Bộ Công thương đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định thay thế Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp quy định); Ngoài ra phải chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn; bị tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện, v.v…
Nếu được thông qua, dự kiến Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/12/2017, thay thế Nghị định 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013.
Minh Hợp
Xem thêm:
Các nhà điều tra Ukraine đang nghiên cứu mảnh vỡ của một tên lửa đạn…
Hôm Chủ nhật (24/11), thủ đô Islamabad của Pakistan đã bị phong tỏa vì lý…
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cam kết tăng cường lưu lượng…
Theo VKS, bản án quy kết bị cáo Trương Mỹ Lan tham ô 304.000 tỷ…
Theo thống kê, hơn 800.000 người nhập cư Venezuela đã đổ vào Mỹ trong 4…
Theo một báo cáo của Tạp chí Nature đăng vào ngày 8 tháng 11, hành…