Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho hay hiện kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỷ đồng – đủ chi bảo hiểm thất nghiệp khi Bộ Nội vụ ước tính khoảng 100.000 người, bao gồm cả viên chức, công chức phải nghỉ khi tinh gọn bộ máy.
Thông tin trên được đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), chiều 6/1.
Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy có tác động đến tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, nhân sự, liên quan cân đối quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do nhiều công chức, viên chức, người lao động không có việc làm nhưng lại chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu khi sắp xếp. Nội dung này cần được các cơ quan thảo luận.
Dẫn thông tin từ hội nghị tổng kết ngành nội vụ, bà Thanh cho hay Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu có khoảng 100.000 cán bộ, công chức, viên chức bị ảnh hưởng trong đợt sắp xếp.
Đồng thời, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hợp nhất và một số nhiệm vụ chuyển về Bộ Nội vụ, chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT. Do vậy, về mặt tổ chức, bộ máy, chức năng nhiệm vụ cũng cần xem xét, liên quan đến dự thảo luật này thế nào.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chuyển về Bộ Tài chính, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập, thành 14 ban, giảm 7 đơn vị, cơ cấu lại đầu mối bên trong của 63 bảo hiểm cấp tỉnh, giảm 126/500 phòng. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng sắp xếp lại 640 bảo hiểm cấp huyện, tổ chức thành 350 bảo hiểm khu vực liên huyện.
Theo đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) để kỳ họp tới thông qua, thời gian “rất cấp bách”.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay tại thời điểm Chính phủ trình dự luật Luật Việc làm (sửa đổi), Chính phủ chưa thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị một cách triệt để.
Do vậy, dự luật chưa dự liệu được tác động của việc thực hiện chủ trương này, như tên gọi, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong dự thảo luật (do sáp nhập); chính sách cho người không có việc làm do sắp xếp lại tổ chức bộ máy; việc cân đối quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khi giảm đối tượng tham gia và tăng đối tượng thụ hưởng.
“Có ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định để bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các trường hợp như khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy”, bà Thúy Anh nêu. Hiện nay quỹ Bảo hiểm thất nghiệp gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm.
Phát biểu giải trình, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết theo Nghị định 178 chắc chắn sẽ có viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp, khi tinh giản biên chế mà chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì sẽ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề.
Bộ Nội vụ đang dự kiến 100.000 người hưởng chế độ theo Nghị định 178, bao hàm cả công chức và viên chức. Tuy nhiên, việc tham gia, thụ hưởng liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp chỉ có viên chức, “công chức không liên quan”, theo ông Sơn. Ngoài ra, hiện chưa rõ số liệu, tác động công chức là bao nhiêu, viên chức là bao nhiêu nên Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa có số liệu cụ thể để đánh giá tác động với quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ông Sơn cho biết trong thời gian gần đây, quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có số thu và số chi cơ bản tiệm cận. Ví dụ năm 2023 thu là 23.000 tỷ đồng thì chi là 22.995 tỷ đồng.
Giải trình về việc sau khi tinh gọn tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì có ảnh hưởng đến việc giải quyết bảo hiểm cho người lao động hay không, ông Sơn cho biết năm 2023, có 1.049.000 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp thì 93,5% được chi trả qua tài khoản cá nhân.
Việc chi trả không liên quan đến địa giới hành chính. Nên nếu thực hiện theo mô hình mới, kể cả liên huyện cũng không ảnh hưởng đến việc chi trả cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ông Sơn nói thêm nếu có phát sinh chi cho những viên chức hưởng trợ cấp thất nghiệp theo Nghị định 178 thì nguồn quỹ để chi vẫn có. “Hiện nay kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp khoảng 63.000 tỷ đồng, nên nguồn chi để giải quyết chắc chắn yên tâm”, ông Sơn tuyên bố.
Luật chỉ nên ghi nguyên tắc, chi tiết thì do văn bản dưới luậtBộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết sau kỳ họp thứ 8, các cơ quan đã rà soát lại toàn bộ dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đến nay đã giảm 66 điều và chỉ còn 64 điều, thay vì 130 điều so với dự thảo ban đầu. Đối với nội dung cụ thể, ông Dung cho biết về đăng ký lao động, đây là việc rất cần thiết, không thể không làm, nhất là đối với lao động phi chính thức. Dự thảo Luật chỉ nêu các nguyên tắc trong đăng ký lao động, quản lý cơ sở dữ liệu lao động, còn các nội dung cụ thể, chi tiết hơn thì Chính phủ sẽ làm rõ trong các văn bản dưới luật. Tương tự, về việc sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Bộ trưởng Dung, việc quy định các cơ quan ra sao nên để sau này Chính phủ quy định cái gì thuộc nội vụ, cái gì thuộc về giáo dục, như thế sẽ thích hợp hơn. “Luật nên ghi theo nguyên tắc, Chính phủ trực tiếp quản lý và phân công các cơ quan thực thi nhiệm vụ này, như vậy sẽ an toàn nhất”, ông Dung nói. |
Nguyễn Quân
Theo người phát ngôn Bộ Công an, hiện tình trạng đưa tin thất thiệt, thậm…
Trong 1 tuần, lực lượng CSGT đã phát hiện, xử phạt 5.654 trường hợp vi…
Trong cuộc đời, không cần phải tham lam, bạn vẫn có thể đạt được hạnh…
Tảng sáng, trong lúc bám gành đá để cạo rong mứt, hai người phụ nữ…
Dưới sự lãnh đạo của chính quyền Tổng thống Joe Biden, FBI đã phải đối…
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã tuyên bố rằng "chế độ độc tài" của ông…