Bộ Nội vụ cho biết cần 130.000 tỷ đồng để giải quyết chính sách cho cán bộ khi tinh gọn bộ máy. Dự kiến, trong 5 năm, ngân sách Nhà nước tiết kiệm được khoảng hơn 113.000 tỷ đồng từ việc tinh gọn.

bo noi vu can 130 000 ty dong de giai quyet chinh sach cho can bo khi tinh gon bo may
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc một hội nghị ngày 21/12/2024. (Ảnh: moha.gov.vn)

Truyền thông Nhà nước ngày 29/12 đưa tin Bộ Nội vụ vừa có tờ trình trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong đợt tinh gọn bộ máy.

Cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ

Bộ Nội vụ sẽ xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ.

Theo đó, thời gian nghỉ sớm để tính số tháng hưởng chế độ trợ cấp hưu trí một lần kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng tối đa không quá 60 tháng.

Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được chia thành hai trường hợp.

Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 5 năm (60 tháng).

Trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 5 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.

Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm.

Thời gian để tính trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi nếu có số tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc tương tự.

Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chính sách, chế độ nghỉ việc là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh; trường hợp trong hồ sơ không xác định ngày, tháng sinh trong năm lấy ngày 1 tháng 1 của năm sinh.

Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương theo quy định của pháp luật.

Theo dự thảo nghị định, một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì được hưởng một chính sách cao nhất.

“Việc giải quyết chính sách, chế độ cần quan tâm duy trì, giữ chân cán bộ có năng lực, phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ và gắn với thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công”, nghị định nêu.

Cần 130.000 tỷ đồng để chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ

Bộ Nội vụ cho hay cần 130.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách, chế độ với các cán bộ thuộc diện nêu trên. Trong đó, 111.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.

Theo Bộ Nội vụ, việc thực hiện tinh giản biên chế sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng BHXH, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc là 22%; 10% quỹ tiền thưởng.

Đồng thời, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023 (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý,… Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng hơn 113.000 tỷ đồng.

Dự thảo nghị định nêu rõ đối với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

Đối với viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn hợp pháp khác.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác.

Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ trên số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.

Ngân sách nhà nước chuyển một lần khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng BHXH vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian từ đủ 5 năm đến đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu.

Dự thảo nghị định đang được trình Chính phủ để ban hành trước ngày 31/12 theo kết luận của Bộ Chính trị.

Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp nói ở Việt Nam 9-10 người dân “nuôi” một người hưởng lương ngân sách, trong khi ở Trung Quốc là 170, Nga 200, Mỹ 400, Nhật Bản 700.

“Điều này thể hiện bộ máy đông quá, dân không chịu nổi. Nhiệm vụ tinh gọn, giảm biên chế đã rất gấp rút”, ông Lê Doãn Hợp nói tại hội thảo khoa học phân quyền, phân cấp trong cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, do Bộ Nội vụ phối hợp với Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam tổ chức ngày 5/12, theo báo VnExpress.

Khánh Vy