Trạm thu phí T2 gần cầu Vàm Cống có nhiều bất cập. Bộ GTVT lên phương án giải quyết, trong đó có kế hoạch di dời trạm.
Vụ Đối tác công tư PPP (Bộ GTVT) cho biết Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu các phương án xử lý trạm thu phí T2 trên QL91 (quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ).
Theo đó, trạm thu phí T2 để hoàn vốn đầu tư cho dự án nâng cấp, cải tạo QL91 theo hình thức BOT. Ngoài trạm T2 đặt trên QL91, dự án còn một trạm thu phí khác là T1 đặt ở đầu tuyến QL91 (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ).
Do hai trạm thu phí T1 và T2 áp dụng hình thức thu phí hở (thu phí theo lượt phương tiện qua trạm) nên không thể tránh khỏi bất cập, bởi phương tiện đi quãng đường ngắn phải qua trạm thu phí sẽ mất tiền cả tuyến, nhưng cũng có nhiều phương tiện đi quãng đường trong phạm vi dự án mà không qua trạm thì không mất phí.
Đặc biệt, khi cầu Vàm Cống vừa thông xe đã hình thành một tuyến mới qua trạm T2. Các xe từ hướng Bắc (Đồng Tháp) xuống phía Nam (Cần Thơ) qua cầu Vàm Cống, khi rẽ về An Giang sẽ đi qua trạm T2.
Dù một số phương tiện đi quãng đường không dài nhưng phải trả tiền bằng cả chặng. Để xử lý bất cập, Bộ GTVT đã tạm thời cho dừng thu phí trạm T2 để nghiên cứu giải pháp xử lý. Sau khi xây dựng các phương án để xử lý, Bộ GTVT sẽ làm việc với các địa phương liên quan như An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ để thống nhất.
Phương án cụ thể giải quyết trạm T2 được đưa ra sẽ căn cứ trên cơ sở phương án tài chính dự án, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng. Hiện Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu cả phương án di dời trạm thu phí T2.
Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91 có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.700 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư dự án tạm tính sau quyết toán là hơn 1.650 tỷ đồng, gồm hai hợp phần:
Trạm thu phí T2 được đặt tại quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), vận hành để hoàn vốn đầu tư cho Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL91, theo hình thức BOT.
Ngày 21/5, các tài xế tập trung dừng xe tại trạm T2 phản đối vị trí đặt trạm, họ chỉ trả 2.000 – ứng với số km đi trên QL91 vì từ trạm T2 đến QL80 chỉ 200m.
Đến khoảng 14h chiều 23/5, các tài xế tiếp tục phản ứng trạm T2. Do tình hình bất ổn, Bộ GTVT đã thống nhất tạm dừng thu phí từ trưa ngày 25/5.
Liên quan đến vấn đề trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang Nguyễn Ngọc Xuân cho rằng nên xóa bỏ trạm BOT T2.
“Trước đây, trạm BOT T2 chủ yếu ảnh hưởng đến các phương tiện đi tuyến Rạch Giá (Kiên Giang) mà lượng xe đi tuyến này không quá nhiều nên tác động chưa lớn. Chúng tôi đã đăng ký cho 7.126 phương tiện giảm giá 50% và 430 xe miễn phí 100% khi qua trạm. Tuy nhiên, khi cầu Vàm Cống thông xe, các phương tiện từ An Giang đi TP.HCM đều phải mua vé qua trạm BOT T2 thiệt hại là rất lớn” – ông Xuân cho hay.
Trường hợp đơn vị quản lý vẫn không chịu xóa trạm BOT T2 thì Hiệp hội Vận tải ô tô An Giang đề xuất các phương tiện chỉ trả phí đúng theo quãng đường sử dụng.
“Đoạn Quốc lộ 91 nâng cấp dài 45km, mục đích của trạm BOT T2 là thu phí cho đoạn nâng cấp này. Các phương tiện đi Kiên Giang và qua phà Vàm Cống chỉ sử dụng có 150m tuyến đường nâng cấp, cứ cho là tính trên 1km đi. Như vậy, các phương tiện phải trả phí bằng 1/45 mức phí toàn tuyến. Ví dụ như vé qua trạm là 45.000 đồng, các phương tiện đi cầu Vàm Cống chỉ phải trả 1.000 đồng khi qua trạm” – ông Xuân nói.
Kim Long
Xem thêm:
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…