Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) vừa có khuyến cáo dành cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài để đảm bảo an toàn, hợp pháp.
Theo Cục, hoạt động di cư quốc tế của công dân Việt Nam ngày càng gia tăng, với hàng triệu lượt người xuất nhập cảnh mỗi năm, hiện diện trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, các cơ hội cũng như lợi ích của việc di cư an toàn, hợp pháp chưa được người di cư đánh giá đúng mức.
Đối với hình thức di cư ra nước ngoài làm việc, Luật Người lao động Việt Nam quy định đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có các hình thức hợp pháp sau: Thông qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài; thông qua doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức hợp đồng cá nhân.
Hiện nay, hình thức đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp dịch vụ là hình thức phổ biến nhất. Với loại hình này, người lao động cần lưu ý do hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do đó, chỉ các doanh nghiệp đã được Bộ LĐ-TB&XH cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài mới được phép tuyển chọn, đào tạo, thu tiền và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đối với hình thức di cư ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân, theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam, trường hợp này phải đăng ký Hợp đồng cá nhân tại Sở LĐ-TB&XH nơi người lao động thường trú và phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc. Có như vậy, người lao động mới được Cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích quy định trong Hợp đồng cá nhân.
Cục này cũng cho hay việc công dân Việt Nam ra nước ngoài theo các kênh không chính thống, sau đó ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, như nguy cơ không tìm được việc làm, trở thành người cư trú bất hợp pháp, bị bắt giam, phạt tiền và bị trục xuất nếu bị phát hiện; việc làm và thu nhập không bảo đảm, không được hưởng các chế độ bảo hiểm và không được pháp luật nước sở tại bảo hộ; dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người, bị cưỡng bức lao động, nhưng không được luật pháp nước sở tại thừa nhận và bảo vệ.
Ngoài ra, do công dân tự do đi làm việc ở nước ngoài không đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam, không đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam tại nước mà họ đến làm việc, nên trong trường hợp gặp khó khăn, có phát sinh các vụ việc trong thời gian cư trú và làm việc ở nước ngoài, các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ khó tiếp cận, tư vấn hỗ trợ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế.
Để hạn chế tình trạng này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã khuyến cáo các địa phương về tình hình và đề nghị các địa phương cảnh báo cho công dân các rủi ro của việc ra nước ngoài bằng visa du lịch rồi ở lại làm việc bất hợp pháp; đồng thời, đề nghị các Sở LĐ-TB&XH kiểm tra, rà soát, tình hình đi làm việc ở nước ngoài của dân tại địa phương, nhằm phát hiện các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng lại đang môi giới, tuyển chọn, tổ chức đưa người đi trái phép để chuyển cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.
Cục Quản lý Lao động ngoài nước cũng có cảnh báo các trường hợp đi nước ngoài làm việc trái phép tại một số thị trường có đông lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore.
Đối với thị trường Nhật Bản, hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang lưu trú tại nước này.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cảnh báo trong những năm gần đây, Việt Nam đứng đầu trong số vụ tội phạm người nước ngoài và số thực tập sinh nước ngoại bỏ trốn tại nước này. Nguyên nhân là do một số công ty phái cử và công ty tư vấn du học lừa gạt người Việt Nam để thu phí môi giới cao, quảng cáo sai sự thật về các chương trình vừa học vừa làm thu nhập cao.
Đáng chú ý, rất nhiều trường hợp du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản không vì mục đích học tập mà vì mục đích kiếm tiền (du học trá hình).
Trong khi đó, hiện nay những tư cách lưu trú hợp pháp đối với người lao động ở Nhật Bản đang được áp dụng chỉ gồm: thực tập kỹ năng với thời gian lưu trú dài nhất là 5 năm; kỹ sư hay các ngành nghề có trình độ chuyên môn cao; kỹ năng đặc biệt (bắt đầu áp dụng từ tháng 4/2019) và du học.
Theo quy định của Bộ Lao động, các chi phí mà thực tập sinh kỹ năng phải trả cho công ty phái cử bao gồm: phí dịch vụ không quá 3.600 USD/hợp đồng 3 năm và phí đào tạo không quá 5,9 triệu đồng. Pháp luật Nhật Bản cũng không cho phép trung gian, môi giới thu phí môi giới của thực tập sinh.
Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo những người có nhu cầu du học và làm việc tại Nhật Bản không nên sang theo các công ty phái cử không có giấy phép, không chi trả chi phí trước khi đi cao hơn quy định. Đặc biệt là không đi du học vì mục đích kiếm tiền.
Thị trường Singapore là một trong những thị trường khá khó tính trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài. Người lao động nước ngoài muốn được cấp visa làm việc tại Singapore phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn so với các thị trường khác trong khu vực.
Bên cạnh đó, luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa.
Do đó, người lao động phải cảnh giác với các thông tin tuyển lao động sang Singapore làm việc. Thời gian qua, có nhiều trang web đưa các thông tin đăng tuyển lao động đi làm việc tại Singapore. Hầu hết các trang web này đều là những trang không chính thống hoặc thông tin được đưa bởi những công ty không có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động cấp.
Hiện Singapore cấp phép khá hạn chế cho lao động nước ngoài, người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Singapore là những người được cấp một trong 3 loại visa sau: Work Permit (Giấy phép làm việc cho lao động phổ thông); S Pass (Giấy phép làm việc cho lao động có tay nghề bậc trung) và E Pass (Giấy phép làm việc cho các chuyên gia nước ngoài). Hiện Singapore không cấp visa cho lao động Việt Nam theo hình thức Work Permit.
Với thị trường Hàn Quốc, hiện có khoảng 46.000 lao động đang làm việc tại nước này theo ba kênh cung ứng chính là: Chương trình cấp phép việc làm (chương trình EPS), Chương trình thuyền viên làm việc trên tàu đánh cá và Chương trình lao động kỹ thuật cao (visa E7).
Từ năm 2018, Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa lao động thời vụ 3 tháng sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thông qua hợp tác giữa hai địa phương hai nước.
Trong đó, chương trình EPS là chương trình quan trọng trong quan hệ hợp tác lao động giữa Việt Nam và Hàn Quốc, được triển khai thực hiện từ năm 2005. Người lao động chỉ có thể tham gia vào một trong các Chương trình trên, không thể đi bằng con đường nào khác.
Đặc biệt lưu ý, công dân sang Hàn Quốc bằng hình thức visa nào (thể hiện mục đích chuyến đi) thì chỉ có thể xin tư cách lưu trú bằng loại visa đó mà không thể chuyển đổi sang loại hình visa khác, ví dụ xin visa du lịch thì không thể chuyển thành visa lao động sau khi sang Hàn Quốc.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…