Tại các phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, các đại biểu Quốc hội cho biết vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến cử tri, chuyên gia yêu cầu dừng Bộ sách Cánh Diều, dừng triển khai sách giáo khoa mới trong năm học tiếp theo.
Tại hội trường tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, ông Huỳnh Ngọc Đỡ (tỉnh Long An) cầm quyển sách Cánh Diều bức xúc nói: “Tôi học đến lớp 4, lớp 5 rồi mà cầm sách đọc không hiểu gì luôn, nữa là đứa trẻ 6 tuổi thì học như thế nào”.
Về phía Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, các phụ huynh tỉnh Tây Ninh cũng nói về những khó khăn khi dạy con em theo kịp sách giáo khoa tiếng Việt của Nhà xuất bản Cánh Diều. Chị Ngọc Giầu (Tây Ninh) cho biết với phương pháp đánh vần của sách Cánh Diều, con chị học không hiểu, bản thân chị cũng không hiểu, có lẽ cần 2 năm con chị mới có thể biết ghép vần và đọc suôn được. Chị Giầu mong muốn được dừng sách tiếng Việt Cánh Diều để trở lại chương trình cũ.
Chia sẻ về điều này, ông Huỳnh Thanh Phương – Phó đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng sách có những từ ngữ chưa phù hợp với địa phương nên đề nghị các thày cô giáo trong phạm vi, trách nhiệm của mình chủ động chỉnh sửa để không ảnh hưởng tới học sinh. Song song, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cũng tập hợp các kiến nghị của các thày cô giáo để chuyển tới các cơ quan chức năng về Bộ sách Cánh Diều.
Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cũng cho biết sau phát biểu của bà tại hội trường Quốc hội về sách giáo khoa, bà liên tục nhận được điện thoại, email của người dân, của chuyên gia nêu bức xúc về bộ sách Cánh Diều. Đặc biệt, sau khi những chỉnh sửa của Nhà xuất bản Cánh Diều được đưa lên trên mạng, có nhiều ý kiến phản đối, bất bình về cách chỉnh sửa mang tính đối phó của nhà xuất bản này.
Bà Hiền cho rằng ngữ liệu trong sách giáo khoa chỉ có sai hoặc đúng nên không thể chỉnh sửa được mà chỉ có sử dụng hay không sử dụng thôi. Bà Hiền tiếp tục yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thu hồi sách Cánh Diều, dừng toàn bộ việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới để rà soát toàn bộ.
Trước phản biện xã hội về bộ sách Cánh Diều cũng như quy trình thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa theo chương trình mới, Bộ GD-ĐT cho biết đã bổ sung yêu cầu thực nghiệm sách giáo khoa vào quy trình thẩm định. Theo đó, các sách giáo khoa đều phải được thực nghiệm trên các nhóm nhỏ trước, sau đó có tổng kết đánh giá trước khi phê duyệt.
Đối với yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc công bố bản thảo sách giáo khoa trên mạng để lấy ý kiến trước khi phê duyệt, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ yêu cầu Nhà xuất bản đưa lên website của mình, tuy nhiên không công bố rộng rãi mà chỉ mở tài khoản truy cập cho một số chuyên gia, giáo viên có chuyên môn.
Lý giải về điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng việc lấy ý kiến rộng rãi có thể sẽ làm mất tập trung, làm loãng vấn đề cần thảo luận bởi lẽ những người không có chuyên môn về giáo dục có thể có cách nhìn nhận chưa thấu đáo, toàn diện. Ngoài ra, vì vấn đề bản quyền, các nhà xuất bản cũng sẽ phải thương lượng với các tác giả để được công bố bản thảo lên website của nhà xuất bản, theo Bộ GD-ĐT.
Theo kế hoạch, bản đính chính của Bộ sách giáo khoa Cánh Diều lớp 1 sẽ có kết quả thẩm định vào ngày 21/11, nhưng đến nay công việc thẩm định vẫn chưa hoàn thành. Cũng theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, trong tháng 12 sẽ hoàn thành thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để kịp triển khai trong niên học 2021-2020.
Nhật Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…