Chữ ký của Chánh văn phòng Bộ Tài chính, website, con dấu của bộ này đều bị giả mạo trên các giấy xác nhận ủy quyền, bản cam kết ủy quyền và tất toán tiền… để lừa đảo người dân chuyển tiền.
Ngày 6/8, Bộ Tài chính phát thông tin cảnh báo bộ này bị mạo danh để lừa đảo. Theo tin công bố, kể từ khi cảnh báo lần thứ nhất (tháng 6/2024), cơ quan này vẫn liên tục nhận được thông tin về tình trạng giả mạo văn bản, con dấu, chữ ký của lãnh đạo và website của Bộ Tài chính để lừa đảo người dân chuyển tiền.
Các giấy tờ bị giả mạo thường gặp là giấy xác nhận ủy quyền; bản cam kết thực hiện ủy quyền và tất toán tiền…, yêu cầu người dân chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo thông qua website giả mạo Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần cảnh giác trước việc giả mạo, lợi dụng danh nghĩa cán bộ, công chức của Bộ Tài chính và Bộ Tài chính để lừa đảo người dân nhằm trục lợi cá nhân.
“Đề nghị người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác, thận trọng trong các giao dịch chuyển tiền đối với những người không quen biết trên không gian mạng”, Bộ này khuyến cáo, đề nghị người dân tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo.
Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp và đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các hành vi giả mạo văn bản, chữ ký, con dấu của bộ này.
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) hồi tháng 6 đã đưa ra 24 hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng, trong đó, 3 nhóm lừa đảo chính là giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.
Nhiều nhóm người bị nhắm đến, bao gồm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng… Với mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, hình thức dẫn dụ sẽ khác nhau, cùng thủ đoạn là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin của người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản, theo khuyến cáo.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ qua điện thoại, không truy cập vào các đường link hoặc kho ứng dụng “lạ” để tải và cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Công an các cấp tuyệt đối không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại và mạng xã hội. Khi cần hỗ trợ về cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử người dân nên đến trực tiếp Công an địa phương nơi gần nhất để được hướng dẫn.
Tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội trên không gian mạng; cần kiểm tra, xác minh kỹ các thông tin trên các trang mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng; không chuyển tiền cho bất cứ ai hay vì bất cứ lý do gì nếu chưa xác nhận được danh tính đối tượng; không tin tưởng những lời chào mời, hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội…
Cùng trong tháng 6, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đưa ra thống kê cho hay tổng số tiền người dân bị lừa đảo qua mạng trong năm 2023 khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Theo tin công bố, 91% vụ lừa đảo liên quan đến lĩnh vực tài chính. Có đến 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… thường xuyên nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã đề cử cựu Tổng chưởng lý bang…
Ông Trump thông báo bổ nhiệm cựu quan chức Bộ Ngoại giao Alex Wong làm…
Cảnh sát cứu hỏa tìm thấy toàn bộ 7 người trên tầng 8 và tầng…