Với 2 công ty “ma” được lập bằng CMND giả, một “giám đốc” quê Hà Tĩnh bị cáo buộc cầm đầu đường dây nhập khẩu hàng tấn ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam.
VKSND TP. Đà Nẵng vừa công bố đã ban hành cáo trạng truy tố Nguyễn Đức Tài (SN 1989, quê quán huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, tạm trú phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) về tội Vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.
Bị can Tài được xác định cầm đầu trong vụ án buôn lậu động vật hoang dã lớn nhất từ trước đến nay với tổng số tang vật thu được có tổng giá trị lên đến 300 tỷ đồng, gồm 456,9 kg ngà voi, hơn 138,7 kg sừng tê giác, hơn 6,2 tấn kg vảy tê tê và hơn 3,1 tấn xương sư tử.
Giá 1 kg sừng tê giác hiện dao động ở mức khoảng 100.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng), 1 kg ngà voi khoảng 3.000 USD (khoảng 60 triệu đồng), 1 kg vảy tê tê khoảng 300 USD (khoảng 6 triệu đồng). Đây được cho là mức lợi nhuận kếch xù, khiến các nhóm tội phạm dùng nhiều thủ đoạn, trong đó có cấu kết với người nước ngoài, lập nên các đường dây buôn lậu xuyên quốc gia, trong đó có buôn lậu bằng đường biển.
Trong vụ án trên, từ tháng 2-9/2021, theo sự chỉ đạo của một người tên July (chưa rõ nhân thân, lai lịch), Nguyễn Đức Tài đã thành lập 2 công ty “ma” để nhập khẩu ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê và xương sư tử từ các nước châu Phi về Việt Nam. Khi nhập hàng về Cảng Đà Nẵng, Tài bị hải quan phát hiện, thu giữ tang vật.
Để thành lập công ty “ma” để nhập khẩu trái phép động vật hoang dã, bị can Tài lên mạng xã hội đặt làm CMND giả mang tên Nguyễn Nhật Long, sốCMND: 184713729, sinh ngày: 11/9/1986, nguyên quán: Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nơi ĐKHK thường trú: Cẩm Thành, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, Giám đốc Công an Hà Tĩnh ông Trần Công Trường Ký, cấp ngày 27/8/2014.
Bị can Tài sử dụng CMND trên photo, công chứng và làm thủ tục thành lập công ty.
Ngoài lô hàng nhập khẩu bị thu giữ, bị can Tài còn cất giữ 10 vảy tê tê do July đưa làm hàng mẫu để khách xem.
Các loài động vật trên đều có tên trong phụ lục I, Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) ký tại Washington D.C ngày 1/3/1973. Việt Nam tham gia Công ước CITES vào năm 1994.
Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) được công bố vào tháng 11/2021, năm 2019, Việt Nam được xác định là quốc gia nhập khẩu ngà voi, vảy tê tê lớn nhất toàn cầu. Những sản phẩm từ động vật hoang dã bất hợp pháp được thu mua để đáp ứng nhu cầu tại Việt Nam (sừng tê giác được tin là có thể chữa bệnh ung thư, vảy tê tê giúp đảm bảo sức khỏe sinh sản, sừng tê giác và ngà voi còn được xem là biểu tượng của địa vị xã hội). Vì là điểm trung chuyển chính, một số lượng lớn ngà voi, sừng tê giác và vảy tê tê châu Phi sẽ tiếp tục được vận chuyển lậu từ Việt Nam qua các cửa khẩu biên giới đường bộ từ Việt Nam đến các thị trường cuối cùng ở Trung Quốc.
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) năm 2020 nhận định Việt Nam là điểm đến chính của các giao dịch bất hợp pháp về ngà voi, vảy tê tê, hồng mộc, sừng tê giác, đồng thời là điểm trung chuyển chính các lô hàng này đến Trung Quốc. |
Nguyễn Quân
Trong một bài phát biểu quan trọng được phát sóng truyền hình hôm Thứ Năm,…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…