Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (Hà Nam) với tổng mức đầu tư 9.958 tỷ đồng được xây dựng với hứa hẹn sẽ giúp người dân tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao. Thế nhưng sau 8 năm, cả hai bệnh viện đều trong tình trạng cửa đóng then cài, hoang tàn, hoang hóa… Cổng bệnh viện Bạch Mai ô uế, nhiều phân gia súc; còn khuôn viên bệnh viện Việt Đức thành nơi chăn thả gà, vịt…
Tháng 1/2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM”, trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức.
Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2) được khởi công xây dựng tại xã Liêm Tuyền (TP. Phủ Lý, Hà Nam) vào ngày 13/12/2014.
Dự án có tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, thời gian thực hiện xây dựng dự kiến từ năm 2014 đến năm 2017.
Dự án có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi, do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm – Bộ Y tế làm chủ đầu tư.
Giới hữu trách hứa hẹn sau khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam mà không phải về tận Hà Nội hoặc ra nước ngoài để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp…
Thế nhưng, sau 8 năm khởi công và xây dựng, hiện công trình đang diễn ra cảnh hoang hoá nghiêm trọng.
Trong khuôn viên bệnh viện, nhiều đồ đạc xây dựng vẫn ngổn ngang, rỉ sét; cây cối mọc um tùm. Một số cổng phụ của bệnh viện hiện vẫn chưa có cổng sắt mà được rào chắn tạm bợ bằng những tấm tôn.
Nhiều hạng mục vẫn dang dở, bộn bề, vật liệu xây dựng vứt chỏng chơ, bừa bãi. Một số tòa nhà, công trình chức năng xuất hiện tình trạng bong tróc, xuống cấp, cửa kính bung vỡ.
Trước đó, hồi tháng 10/2018, bệnh viện từng tổ chức lễ khánh thành khu khám bệnh đa khoa và sau đó đón tiếp những bệnh nhân đầu tiên.
Tuy nhiên, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, tháng 3/2020 bệnh viện thông báo tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua, bệnh viện này được thay đổi chức năng thành bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại Hà Nam. Sau khi dịch bệnh hạ nhiệt, bệnh viện lại trở về cảnh “cửa đóng then cài”.
Báo VTC dẫn lời một bảo vệ cho biết “trước đây bệnh viện đã mở cửa thăm khám khiến người dân mừng lắm, vì không phải lỉnh kỉnh đồ đạc lên tận Hà Nội nữa. Nhưng không lâu sau khi mở khám bệnh, khoa khám bệnh lại đóng cửa mà không rõ lý do. Hiện bên trong bệnh viện đã được trang bị khá nhiều máy móc, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh và điều trị, nhưng đang bị bỏ không”.
“Tiền của Nhà nước bỏ ra nhiều như thế mà nay bệnh viện lại bỏ hoang. Dân mỗi khi có bệnh cứ phải lên Hà Nội, trong khi bệnh viện gần như xây xong rồi lại để không”, một người dân tại phường Liêm Chính nói trên Báo Xây Dựng.
Ngày 1/12/2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam.
Dự án này có tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2014-2017 với quy mô 1.000 giường bệnh nội trú và đáp ứng khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày, tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Tương tự Bệnh viện Bạch Mai, giới hữu trách cũng hứa hẹn dự án sẽ giúp người dân được tiếp cận những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại khu vực Hà Nam và các tỉnh lân cận, giảm tải cho cơ sở chính của bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội.
Thế nhưng đến nay, bệnh viện vẫn cửa đóng then cài, bên trong hoang tàn, vắng lặng.
Khu vực bên trong bệnh viện cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục vẫn dang dở, nhếch nhác. Thậm chí, một số tòa nhà xuất hiện bong tróc, nhiều khu vực trở nên hoang hóa, người dân địa phương tận dụng để chăn thả trâu bò, gà vịt, báo VTC phản ánh.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do đơn vị lần đầu thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai.
Hai bệnh viện được thiết kế theo nguyên mẫu của bệnh viện nước ngoài và dự án cũng thuê công ty nước ngoài thiết kế thi công.
“Tuy nhiên trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức như thay đổi hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng, số lượng điều hòa, thang máy, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá”, vị này nói.
Cũng theo Tuổi Trẻ, lãnh đạo hai bệnh viện cho hay hiện đang chờ ban quản lý dự án hoàn tất và bàn giao dự án mới có thể tính toán để đưa bệnh viện vào hoạt động.
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…