Bão số 4 đang di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Chiều tối ngày 25/7, bão đi vào Nghệ An – Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 22h ngày 24/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,2 độ vĩ Bắc; 109,9 độ kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Nghệ An – Quảng Trị khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 9-10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Chiều tối ngày 25/7, bão đi vào Nghệ An – Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 22h ngày 25/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc; 106,0 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Nghệ An – Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/giờ), giật cấp 8-9.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, biển động) từ vĩ tuyến 16,50N đến 20,00N; phía Tây kinh tuyến 112,00E. Vùng gần tâm bão đi qua gió mạnh cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 3-5 m; biển động mạnh.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An – Quảng Trị và suy yếu dần thành một vùng thấp trên khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Từ sáng mai (25/7), khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) có gió mạnh dần lên cấp 6, khu vực Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10, biển động mạnh; sóng biển cao từ 3-5 m.
Từ trưa mai, vùng biển ven bờ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 8, giật cấp 9-10; sóng biển cao từ 2-4 m, biển động mạnh; vùng biển ven bờ khu vực Nam Thanh Hóa và các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6-7; giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-3 m, biển động mạnh. Nước dâng kết hợp với thủy triều ở vùng ven biển từ Nghệ An đến Quảng Bình cao từ 2-3 m.
Từ chiều mai, trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 7, giật cấp 8-9; khu vực các tỉnh Nghệ An, Quảng Trị và sâu trong đất liền các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; ở vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai bão: cấp 3.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 25 đến 27/7, khu vực các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (phổ biến từ 150-250 mm cả đợt); ở đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Hòa Bình, Sơn La và Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (phổ biến từ 50-150 mm).
Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau tiếp tục có mưa rào và dông, gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3 m, biển động; khu vực Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác; Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn cho hay do ảnh hưởng của bão số 4, từ chiều tối và đêm 24/7, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa. Từ ngày 25 đến 27/7, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to (100-250 mm cả đợt); khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (50-150 mm cả đợt).
Từ ngày 25/7, trên các sông từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh), sông Gianh, sông Kiến Giang (Quảng Bình) lên mức báo động (BĐ) 1 – BĐ 2, trên thượng lưu các sông này và các sông suối nhỏ thuộc tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình có khả năng lên trên mức BĐ 2; các sông khu vực Bắc Tây Nguyên lên mức BĐ 1 và trên mức BĐ 1; các sông chính ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế còn dưới mức BĐ 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân (Thanh Hóa); huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông (Nghệ An); huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh); huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch (Quảng Bình); huyện Đắk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông (Kon Tum); Đắk Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê (Gia Lai).
Các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện ngập úng như: Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh (Hà Tĩnh), Ba Đồn, Đồng Hới (Quảng Bình). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Tại khu vực miền núi phía Bắc, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái và Phú Thọ xuống chậm. Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu); Thuận Châu, Sông Mã, Sốp Cộp (Sơn La); Mường Khương, Bát Xát, Si Ma Cai, Bảo Thắng, TP. Lào Cai, Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Xu Phì, Xín Mần, Yên Minh (Hà Giang). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Thủy Minh
Xem thêm:
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…