Chính phủ, Quốc hội Việt Nam thay nhân sự, những ‘món nợ’ nào về luật cần trả trong nhiệm kỳ?

Được nhắc đến 12 lần trong một buổi sáng thảo luận, Luật Đất đai trở thành bộ luật được đề nghị sửa đổi nhiều nhất trước Chính phủ, Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ mới. Quyền hội họp đã được ghi trong Hiến pháp 1946, 75 năm sau, Luật về Hội vẫn là món nợ lớn, sau 5 năm nhiệm kỳ vừa qua lại nợ “gối đầu”… 

Khiếu nại đất đai liên quan đến vụ khu đô thị Thủ Thiêm đã kéo dài hơn 20 năm qua, qua nhiều nhiệm kỳ chính quyền vẫn chưa được tháo gỡ. Ảnh: Người dân Thủ Thiêm đi kêu oan, đòi đất bị tịch thu tại cơ quan công quyền tại Hà Nội, sáng ngày 16/10/2020. (Ảnh: Hong Quang Nguyen/Facebook)

Từ sáng 31/3 đến sáng 7/4, các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao…, sẽ lần lượt thay đổi nhân sự theo hình thức bỏ phiếu kín.

Trước mắt, 9h sáng hôm qua, 31/3, ông Vương Đình Huệ đã tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia. Trong lời phát biểu sau tuyên thệ, công luận có thể tìm thấy lời hứa của tân Chủ tịch Quốc hội “tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. 

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội cần tập trung vào điều gì? Trong hai ngày thảo luận trước đó về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội, Chính phủ, trăn trở trước hoạt động lập pháp là điều được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra nhất, với nhiều “món nợ” về luật tiếp tục được nêu.

Luật Đất đai với lợi ích của hơn 97 triệu người

Đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) vào sáng 29/3 nói rõ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ trì soạn thảo, thực hiện nghiêm các quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ của các dự án trước khi trình Quốc hội.

Trong đó, những dự án luật Chính phủ cần sớm xây dựng và trình Quốc hội như dự án Luật Đất đai, Luật Biển Việt Nam (sửa đổi); ngoài ra là việc tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà nước về đất công; có cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp để giảm thiểu đơn, thư khiếu nại, tố cáo về đền bù, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) nhấn mạnh về tình trạng buông lỏng kỷ cương, vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản, trong đó xác định nguyên nhân cơ bản ở cơ chế về pháp luật.

Bà Thúy nhận định: “Tình trạng này xảy ra khá phổ biến và kéo dài. Khi một việc xảy ra phổ biến và kéo dài thì phải tìm nguyên nhân ở cơ chế pháp luật.

Một trong những cơ chế dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai.

Chính vì nhận thấy điều này mà Chính phủ đã trình và Quốc hội cũng đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Tuy nhiên, Chính phủ đã liên tục đề nghị lùi thời điểm trình dự án luật này và cho tới nay hết nhiệm kỳ vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo luật.”

Ngoài những bất cập của Luật Đất đai, còn là việc không thực thi nghiêm túc các quy định của luật này và một số luật liên quan, theo bà Thúy. Những vi phạm đã hiện hữu ở nhiều cán bộ có trách nhiệm và của tổ chức, cá nhân khác.

“Ở các nước thì bản đồ địa chính đã công khai từ lâu, dân cứ đến cơ quan nộp ít lệ phí là xem được, giờ có công nghệ thông tin phát triển thì làm còn tiện hơn. Nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 28 của Luật Đất đai về công khai thông tin, điều này dẫn đến đủ thứ rủi ro, mà người thiệt hại lớn nhất là dân”.

Bà Thúy dẫn ví dụ vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án ma, khi công ty này mua lại các khu đất có diện tích lớn cho người thân trong gia đình đứng tên để làm dự án, dù khu đất đó mục đích sử dụng là nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang, rồi cho san ủi, xây dựng đường hạ tầng, vẽ dự án đất nền giới thiệu bán cho hàng nghìn khách hàng.

“Nếu hệ thống thông tin đất đai mà tốt thì ai bán đất cho ai, dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Tôi mong rằng Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này”, bà Thúy đưa ra khuyến nghị.

Ông Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói rõ trong nhiệm kỳ vừa qua còn một số vấn đề hạn chế, một số vụ việc nổi cộm xảy ra chưa được quan tâm giải quyết triệt để, gây bức xúc dư luận. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều nhất là vấn đề đất đai. Việc giải quyết kiến nghị cử tri còn rất chậm trễ, hiện nay còn hàng trăm kiến nghị cử tri chưa được giải quyết.

Một số dự án luật trình Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng, có thể nói rằng ở một khía cạnh nào đó là nó còn chưa phù hợp với những nguyên tắc của nhà nước pháp quyền – ĐB Lưu Bình Nhưỡng.

Trong 4 vấn đề nêu ra đối với Chính phủ nhiệm kỳ mới, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) trần tình 10 năm qua vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn chưa được giải quyết, dù khu vực này luôn được nói là trụ đỡ của nền kinh tế.

“Tôi chất vấn Chính phủ vấn đề này [vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn – chú thích] từ những kỳ họp đầu tiên của khóa 13, đến bây giờ vẫn thấy trăn trở về vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng chưa được như chúng ta mong muốn.

Một cách thẳng thắn mà nói thì chưa phát huy đúng tiềm năng và lợi thế của ngành nông nghiệp. Trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày nói là đã xác định được vị trí trụ đỡ của nông nghiệp đối với nền kinh tế. Vậy thử hỏi khi nông dân gặp khó khăn, khi sản xuất được mùa mất giá, không bán được sản phẩm thì ai, cơ chế nào để làm trụ đỡ cho người nông dân? Có thể không nhiều, một trăm hộ nông dân, một vài ngàn hộ nông dân nhưng đó chính là cuộc sống của họ. Tôi mong muốn giải quyết vấn đề nông nghiệp.”

Bà Tâm cũng nhấn mạnh: “Chính phủ phải quyết tâm trong sửa đổi Luật Đất đai, bởi vì hiện nay Luật Đất đai có rất nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, của người sử dụng đất.”

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) khẳng định công tác xây dựng pháp luật còn nhiều vấn đề, không phải chỉ mới xảy ra trong nhiệm kỳ này mà nó đã diễn ra ở rất nhiều nhiệm kỳ trước, gây nên tình trạng cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, chồng chéo, mâu thuẫn, trong khi trách nhiệm của cơ quan tham mưu, của người đứng đầu trong trình dự án luật chưa được làm rõ.

“Tôi dẫn chứng như Luật Đất đai mà nhiều đại biểu trước tôi đã phát biểu. Đây là một luật mà có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân và khó khăn là phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt vấn đề này nóng bỏng khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai.

Nguyên nhân khiếu kiện tôi cho rằng một phần là do pháp luật. Cử tri đã phản ánh rất nhiều, nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút như đã nêu trên.”

“Đối với Luật Đất đai, tôi hy vọng rằng sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật.” – ĐB Nguyễn Thị Kim Bé

Quyền biểu tình, quyền hội họp… vẫn bị “né”

Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nói ngay khi Quốc hội khóa đầu tiên [1946], thời gian chỉ cho phép thông qua được Hiến pháp và Bộ luật rất cơ bản là Luật Lao động, sau đó là đến chiến tranh. Khi đó là đã có sắc lệnh, những văn bản dưới Hiến pháp liên quan đến quyền con người, theo cách nói bây giờ là liên quan quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội…

Theo ông Quốc, Hiến pháp 2013 đã cố gắng đưa ra mục tiêu nhanh chóng thực hiện những quyền ấy bằng việc xây dựng luật pháp, nhưng mới chỉ có vấn đề trưng cầu dân ý được thông qua và chưa bao giờ áp dụng. Trong khi đó, rất nhiều luật khác rất quan trọng, “đang là đòi hỏi của đời sống ngày thì vẫn bị vẫn né tránh”.

“Tôi nói chữ ‘né tránh’ bởi vì mỗi lần Quốc hội đặt vấn đề thì đều được trả lời đơn giản là ‘Chính phủ chưa hoàn thành, chưa làm xong’. Điều đó cho thấy chúng ta vừa phải thấy mặt khó khăn, những nhạy cảm của những luật đó. Nhưng không vì thế mà chúng ta không làm. Tôi rất mong rằng nhiệm kỳ tới chúng ra sẽ hoàn thiện Hiến pháp, mà năm nay đã gần 10 năm rồi”, ông Quốc nói.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đưa ra nhiều băn khoăn về việc thực thi lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra, khi: “Luật về Hội đã được thảo luận tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa này, nhưng tôi không chắc đến Quốc hội khóa sau đạo luật này có được đưa ra thảo luận lần hai hay không? Hay Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được sửa đổi 3 kỳ liên tiếp, gần đây có trong chương trình nghị sự lại bị đưa ra vào phút chót”.

Ông Hiếu đề nghị các lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm. Nếu không giữ được lộ trình đó cần phải giải trình tường minh trước Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (đoàn Ninh Thuận) cho biết nhiệm kỳ khóa 14, Quốc hội đã thông qua 72 luật, 2 pháp lệnh và nhiều nghị quyết. Nhiệm kỳ tới, ông mong Chính phủ quan tâm xây dựng hai dự án Luật, trong đó có Luật Thực hành dân chủ ở cơ sở.

“Chúng ta phải xử lý được câu chuyện dân đến khiếu nại, tố cáo mà thực tế có nguyên nhân do thực hiện chưa tốt dân chủ ở cơ sở”, ông Việt nói.

“Hổng” từ luật, tham nhũng từ luật

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) chia sẻ: “Theo cảm nhận của tôi thì Chính phủ còn quá “hiền lành” trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Hai từ “hiền lành” ở đây, tôi xin để trong ngoặc kép, bởi các lý do:

Về xây dựng và thực thi pháp luật thì tình trạng điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, xin bổ sung, xin lùi trước dự án luật vẫn còn xảy ra. Một số dự án luật mặc dù có kế hoạch từ đầu nhưng do chưa chuẩn bị kịp nên đến cuối khóa mà vẫn chưa trình được Quốc hội thông qua. Thí dụ như Luật về Hội, Luật Đất đai. Trong khi đó, lại đề xuất đưa vào trình một số dự án luật không có trong kế hoạch và chưa thật sự chín muồi.

Tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn… như chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước. Tình trạng ban hành văn bản không sát, không kín nên có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, để vun vén cho bản thân, thậm chí là để đề bạt, bổ nhiệm con cháu, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo của các cơ quan nhà nước. Còn có tình trạng không rõ ràng, minh bạch trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, nên việc chạy dự án, chạy nguồn vốn vẫn còn xảy ra. Nhiều dự án lỗ lã. Một vài Bộ trưởng, trưởng ngành hay địa phương còn để xảy ra sai phạm…”

Điều đáng chú ý, mặc dù các hạn chế, yếu kém nêu trên đã được báo chí phát hiện, nhân dân và cử tri bức xúc nhưng trong suốt nhiệm kỳ chưa thấy có ngành, địa phương nào có hình thức xử lý cụ thể, mà hầu hết là rút kinh nghiệm cho qua – ông Hận cho hay.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Nguyễn Quân

Published by
Nguyễn Quân

Recent Posts

Vụ án UFO lớn nhất Trung Quốc: 3 lần mất tích bí ẩn

Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…

6 phút ago

Ông Kim Jong Un cáo buộc Hoa Kỳ gây căng thẳng, cảnh báo về chiến tranh hạt nhân

Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…

12 phút ago

Thượng nghị sĩ Mike Rounds giới thiệu dự luật xóa bỏ Bộ Giáo dục Hoa Kỳ

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…

46 phút ago

Bộ Tài chính Mỹ nhắm mục tiêu vào Gazprombank của Nga với các lệnh trừng phạt mới

Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…

1 giờ ago

Một trường tiểu học tồn hơn 185,5 triệu đồng tiền “nước uống” của học sinh

Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…

1 giờ ago

Tổng thống Zelensky thừa nhận Ukraine không thể giành lại Crimea bằng vũ lực

Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…

1 giờ ago