Đơn vị tư vấn quy hoạch Thủ đô đưa ra ba kịch bản tăng dân số đến năm 2030, trong đó mức cao nhất 11 triệu, cao hơn 2,5 triệu người so với hiện nay.
Ngày 21/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thay mặt liên danh tư vấn, GS.TS Hoàng Văn Cường đưa ra 3 kịch bản dự báo về tốc độ phát triển dân số cho Hà Nội.
Kịch bản 1, dân số thường trú đến năm 2030 là 9,5 triệu người và tăng lên 11,2 triệu người vào năm 2050, nếu phát triển với nhịp độ tương tự thời gian qua, thị trường lao động thủ đô hấp dẫn trung bình với dân cư ngoại tỉnh. Đây là kịch bản có tính khả thi thấp.
Kịch bản 2, dân số phát triển nhanh giai đoạn 2023-2030 và dần ổn định giai đoạn 2030-2050, thị trường lao động thủ đô hấp dẫn cao với dân cư ngoại tỉnh. Đây là kịch bản có tính khả thi rất cao và cư dân thường trú năm 2030 được dự báo khoảng 10,5 triệu, đến năm 2050 là khoảng 13 triệu người.
Kịch bản 3, dân số phát triển nhanh với các điều kiện kinh tế – xã hội phát triển mang tính đột phá, thị trường lao động thủ đô rất hấp dẫn với dân cư ngoại tỉnh, đồng thời các biện pháp điều tiết dân số kém hiệu quả.
Theo kịch bản này, dân số thường trú đến năm 2030 đạt khoảng 11 triệu người và đến năm 2050 khoảng 14 triệu người.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho hay quy mô dân số Hà Nội hiện nay vượt quá ngưỡng dự báo của quy hoạch chung Thủ đô năm 2011 (Quy hoạch 1259) và phân bố dân số không như định hướng phát triển.
Thống kê năm 2020 cho thấy dân số Thủ đô là 8,24 triệu người, vượt chỉ tiêu theo quy hoạch 1259 đề ra 7,3-7,9 triệu, bình quân tăng 2,29% mỗi năm; trong đó, dân số thành thị chiếm 49,3% (quy hoạch đề ra tỷ lệ 58 – 60%), khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 50,7%.
Từ thực tế nêu trên, ông Nghiêm cho rằng công tác lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 phải nghiên cứu cẩn trọng và xem xét đồng bộ yếu tố tác động đến dân số để dự báo hợp lý.
Cùng đề cập đến quy mô dân số của Hà Nội, TS Lê Văn Hoạt, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội, cho rằng dân số tại khu vực đô thị trung tâm và khu vực nội đô lịch sử đã cao hơn ngưỡng khống chế trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô.
Cụ thể, theo quy hoạch chung được duyệt, quy mô dân số tại khu vực nội đô lịch sử được định hướng giảm từ 1,2 triệu người vào năm 2008 xuống còn 919.300 người vào năm 2020 và còn 800.000 người vào năm 2030.
Nhưng theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở, tính đến ngày 1/4/2019, dân số hiện trạng tại khu vực này đã khoảng hơn 1,02 triệu người.
Ông Hoạt đồng thời chỉ ra điểm nghẽn trong quy hoạch thủ đô khi công tác di dời các trụ sở các bộ, ngành, cơ sở đại học, y tế chưa được các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện.
Quỹ đất sau di dời chưa được bàn giao cho thành phố để quản lý, khai thác, bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế còn thiếu cho thành phố. Công tác di dời các cơ sở công nghiệp, sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp với quy hoạch còn chậm.
“Việc điều chỉnh quy hoạch không được quản lý và kiểm soát tốt. Nhiều khu đô thị quy hoạch ban đầu rất đẹp và đồng bộ nhưng sau một thời gian triển khai xây dựng đã bị điều chỉnh trở nên xấu xí, manh mún, chắp vá. Khu đô thị Linh Đàm có thể được coi là điển hình”, ông Hoạt nêu.
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…