Ông Đỗ Hữu Ca khi còn đương chức. (Ảnh: thanhphohaiphong.gov.vn)
Chủ tịch nước Lương Cường quyết định đặc xá hơn 8.000 phạm nhân, trong đó có cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, cựu Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, và cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.
Ngày 29/4, tại buổi họp báo công bố Quyết định số 767/QĐ-CTN của Chủ tịch nước Lương Cường, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho biết có 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và một người đang tạm đình chỉ chấp hành án được đặc xá. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/5/2025.
Trong danh sách đặc xá có cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tử Quỳnh, và cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng.
Ông Đỗ Hữu Ca bị Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố, bắt tạm giam tháng 2/2023 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông bị cáo buộc nhận 35 tỷ đồng để giúp một nghi phạm ở Quảng Ninh thoát lao lý rồi chiếm đoạt. Tháng 4/2024, TAND tỉnh Quảng Ninh tuyên phạt ông 10 năm tù. Đến tháng 6/2024, TAND cấp cao tại Hà Nội giảm án còn 7 năm tù.
Ông Phạm Xuân Thăng bị bắt tháng 9/2022, liên quan đến vụ án Việt Á. Tháng 1/2024, TAND TP. Hà Nội tuyên phạt ông 5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do nhận 100.000 USD (khoảng 2,3 tỷ đồng) từ chủ doanh nghiệp Việt Á.
Ông Nguyễn Nhân Chiến và ông Nguyễn Tử Quỳnh bị TAND tỉnh Bắc Ninh xét xử tháng 11/2024 về tội Nhận hối lộ, liên quan đến sai phạm đấu thầu thiết bị y tế của Công ty AIC. Ông Chiến bị tuyên 4 năm 6 tháng tù, nhận 10 tỷ đồng hối lộ; ông Quỳnh bị tuyên 3 năm tù, nhận 8,1 tỷ đồng. Vụ án gây thiệt hại 48,6 tỷ đồng cho tài sản nhà nước. Cả hai đã nộp lại toàn bộ số tiền hối lộ.
Ông Đỗ Anh Dũng, SN 1961, bị bắt tháng 4/2022 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do sai phạm trong phát hành trái phiếu tại Công ty Tân Hoàng Minh, chiếm đoạt hơn 8.643 tỷ đồng. Toàn bộ thiệt hại đã được khắc phục. Tháng 9/2024, TAND cấp cao tại Hà Nội giảm án từ 8 năm xuống 7 năm tù, xem xét các tình tiết giảm nhẹ như tuổi cao, mắc bệnh hiểm nghèo, gia đình có công với cách mạng.
Theo ông Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, trong số 8.055 phạm nhân được đặc xá, có 741 người phạm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và 25 người nước ngoài thuộc 9 quốc tịch.
Đặc xá năm 2025 áp dụng cho phạm nhân có tiến bộ, ý thức cải tạo tốt, xếp loại chấp hành án khá hoặc tốt, đã chấp hành ít nhất một phần ba thời gian án (với án có thời hạn) hoặc 14 năm (với án chung thân giảm xuống có thời hạn).
Phạm nhân phạm tội tham nhũng phải hoàn thành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nộp án phí.
Những người lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo, từ 70 tuổi trở lên, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt được xem xét đặc xá với thời gian chấp hành án ngắn hơn, tối thiểu 1/4 hoặc 1/3 thời gian án.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà cho rằng “đặc xá thể hiện chính sách khoan hồng và truyền thống nhân đạo của Việt Nam, không phân biệt phạm nhân trong nước hay nước ngoài. Đây là cơ hội để phạm nhân hối cải, trở thành công dân có ích. Các hình phạt bổ sung như cấm đảm nhiệm chức vụ, quản chế, hoặc bồi thường dân sự vẫn phải thực hiện”.
Từ năm 2009, Việt Nam đã thực hiện 10 đợt đặc xá, tha tù cho gần 100.000 phạm nhân. Lần gần nhất, tháng 9/2024, hơn 3.700 người được đặc xá.
Tuy nhiên, một số tội danh như Phản bội Tổ quốc, Gián điệp, Khủng bố, hoặc các tội nghiêm trọng như Hiếp dâm trẻ em, Cướp tài sản có sử dụng vũ khí không được xem xét đặc xá.
Ukraine có thể phải đối mặt với một thất bại đáng kể trong tương lai…
Ông Donald Trump đã áp đặt thuế quan, và thế giới đã điều chỉnh để…
Người đàn ông tại Nghệ An xưng "mày, tao", vặn tay, đánh liên tiếp vào…
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào thứ Hai (28/4), Cố vấn An…
Điều tra cho thấy ĐCSTQ đang ngày càng cử nhiều tổ chức phi chính phủ…
Bên trong nơi có vẻ như ngôi nhà hoang là một đường hầm được đào…