Bộ NN-PTNT đã bổ sung chất Cysteamine vào Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Theo đó, loại chất này sẽ chính thức bị cấm kể từ ngày 1/3/2017.
Thời gian vừa qua, ngoài Salbutamol (đã bị đưa vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm), một chất mới đang được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi là Cysteamine. Chất này có tác dụng kích thích tăng trọng, tăng tỷ lệ thịt nạc, giảm tiêu tốn thức ăn, do đó, có thể mang lại siêu lợi nhuận cho người chăn nuôi.
TS Lã Văn Kính, Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Phân Viện chăn nuôi Nam bộ cho biết theo kết quả nghiên cứu về sử dụng Cysteamine trong điều trị bệnh ở người do EU và Mỹ tiến hành, nếu dùng Cysteamine liều cao, sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như gây loét tá tràng, hoại tử vỏ thượng thận, dị tật thai nhi.
GS Vũ Duy Giảng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết nếu Cysteamine được sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng thì những người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền, suy yếu hệ thống miễn dịch…
Theo TS Kính, ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu nào về Cysteamine. Còn trên thế giới, hầu hết chỉ có Trung Quốc nghiên cứu về tác dụng của Cysteamine trong chăn nuôi.
GS Giảng cho biết theo các thí nghiệm thực hiện tại Trung Quốc, khi cho gà thịt sử dụng chế phẩm Avianin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) với liều lượng 400mg/kg thức ăn, gà thịt sẽ gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) từ 5-17%.
Đối với lợn thịt, giai đoạn sau cai sữa (35-63 ngày tuổi), chế phẩm Porcinin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) với liều lượng 500mg/kg thức ăn có thể khiến lợn gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày từ 14% đến 33%. Đối với lợn thịt giai đoạn vỗ béo (từ 23kg đến xuất bán), nếu sử dụng bổ sung chế phẩm Porcinin với liều lượng 400mg/kg thức ăn, lợn thịt sẽ tăng trọng thêm 12%, tăng tỷ lệ nạc 4,6%, giảm 8,5% lượng mỡ…
Được biết, Cysteamine không có trong danh mục của tổ chức CODEX – Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế; bị Liên minh Châu Âu (EU) cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Nhiều tổ chức thú y ở các nước trên thế giới khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể; không dùng trong chăn nuôi đại trà, thương mại…
TS Kính cho biết hiện đang có thông tin rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất cho phép sử dụng Cysteamine trong chăn nuôi, nhưng thực tế thì chưa rõ.
Trở lại với quy định cấm sử dụng chất Cysteamine làm phụ gia thức ăn chăn nuôi, hành vi vi phạm sẽ bị xử lý theo điều 36 Nghị định số 119/2013/NĐ-CP ngày 9/10/2013. Cụ thể,
Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ;
Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại.
Phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ, trang trại, buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ; buộc tiêu hủy vật nuôi trong trường hợp tái phạm.
Đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở bị đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng.
Các cơ sở vi phạm phải tiêu hủy toàn bộ chất cấm, thức ăn chăn nuôi có chất cấm.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…