Giá thịt lợn giảm: Vị đắng đằng sau con số tăng trưởng cao
- Nguyễn Hương
- •
Đằng sau con số tăng trưởng tích cực của ngành chăn nuôi là mồ hôi, nước mắt và gia sản của người nông dân. Họ đang phải gánh thiệt hại nặng khi phải bán đổ bán tháo đàn lợn với mức rẻ mạt cho thương lái.
Năm 2016, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt: rét đậm, rét hại đầu năm tại các tỉnh phía Bắc; mưa, lũ ở miền Trung; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long khiến diện tích gieo cấy, sản lượng nông nghiệp giảm sút nghiêm trọng. Số liệu tăng trưởng 0,79% toàn ngành nông nghiệp năm 2016 có được hoàn toàn phải dựa vào sự tăng trưởng của ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi lợn đóng vai trò chủ đạo. Tính đến 1/10/2016, tổng số đàn lợn đạt 29,1 triệu con, tăng 4,8%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,7 triệu tấn, tăng 5%.
Điều đáng nói là đằng sau con số tăng trưởng tích cực của ngành chăn nuôi là mồ hôi, nước mắt và gia sản của người nông dân. Việc sụt giá thê thảm của thị trường thịt lợn xuất chuồng diễn ra liên tục từ tháng 10 tới nay chưa có hồi kết. Giá thịt lợn giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước từ mức trên 42 ngàn đồng/kg xuống còn trên dưới 30 ngàn đồng/kg. Mỗi con lợn bán ra người nông dân chịu lỗ trên dưới 1 triệu đồng/con. Tính chung, người nông dân cả nước chịu thiệt hại tới 20 ngàn tỷ đồng/tháng. Hàng triệu gia đình nông dân khốn khổ trước cơn lốc giảm giá lợn đến mức không còn tâm trạng đón Tết.
Nguyên nhân giá lợn hơi trên thị trường sụt giảm dưới mức giá thành được giải thích mông lung với nhiều lý do khác nhau: do thị trường Trung Quốc giảm thu mua, do tăng đàn quá “nóng”,…
Có phải do Trung Quốc giảm thu mua nên giá lợn hơi sụt giảm?
Câu chuyện về các thương lái Trung Quốc xâm nhập vào thị trường lợn hơi bắt đầu nóng lên từ tháng 5/2016. Lúc đó, do nhu cầu của thị trường nội địa, các thương lái Trung Quốc đã len lỏi tới từng trại lợn ở các địa phương tìm bắt lợn. Giá lợn hơi lúc đó tăng đột biến từ trên 40 ngàn đồng/kg lên tới 56 ngàn đồng/kg. Lợn được giá đã khích lệ người nông dân tăng đàn, mở rộng quy mô sản xuất. Các tỉnh có đàn lợn tăng mạnh nhất là Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang.
Cuối năm, Trung Quốc siết chặt hàng rào kỹ thuật đối với lợn nhập khẩu tiểu ngạch, khiến giá cả trên thị trường giảm sút.
Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng lợn xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trên tổng sản lượng. Và loại lợn xuất sang Trung Quốc cũng là chủng loại riêng. Do đó, việc giá cả thị trường sụt giảm chung trên diện rộng chứa đựng nhiều yếu tố “ép giá” của thương lái hơn là do thị trường Trung Quốc giảm thu mua.
Thật vậy, mặc dù giá thu mua tại trang trại hạ thấp, giá bán lẻ trên thị trường vẫn duy trì ở mức cao. Giá bán thịt lợn lẻ dao động từ 70 đến 100 ngàn đồng/kg tùy loại thịt.
Ngành chăn nuôi đòi hỏi người nuôi lợn phải xuất chuồng đúng thời hạn. Mỗi ngày duy trì đàn lợn quá lứa gây thiệt hại cho người chăn nuôi tới hàng triệu đồng tiền thức ăn, điện nước. Sự thiếu vắng của các nhà thu mua chuyên nghiệp, các phương thức lưu trữ thực phẩm đông lạnh đã khiến người nông dân không thể chọn phương án nào khác là chịu thiệt bán đổ bán tháo cho các thương lái. Như vậy, yếu tố tâm lý thị trường và sự chèn ép của thương lái đối với người chăn nuôi đã khiến giá thị trường lợn hơi sụt giảm nghiêm trọng.
Có cần thiết hãm tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi lợn?
Phản ứng với hiện tượng giảm giá lợn hơi trên thị trường, ngày 26/12/2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn có văn bản số 11225/BNN-CN gửi các địa phương khuyến cáo người nông dân không được phát triển tràn lan, ngay cả khi giá lợn vượt trên 50 ngàn đồng/kg cũng không nên tăng đàn!?
Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản lượng thịt lợn hơi năm 2016 là 3,7 triệu tấn, tương ứng với 40kg thịt lợn hơi/người/năm hay 28kg thịt lợn/người/năm – là mức không cao so với nhu cầu tiêu thụ thực tế. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6-7% GDP hàng năm cũng đòi hỏi mức tăng trưởng tương ứng của từng lĩnh vực.
Hơn nữa, tác động giảm giá của thị trường vừa qua cũng đã khiến người nông dân tự thu hẹp quy mô sản xuất. Theo số liệu tại ngày 1/10/2016, số lượng lợn con đã giảm xuống 238 ngàn con, tương ứng với giảm 8% so với cùng kỳ năm 2015, báo hiệu sự suy giảm đàn lợn, đồng nghĩa với suy giảm sản lượng chăn nuôi trong trong Quý I/2017.
Do vậy, khuyến cáo giảm sản lượng thực tế không cần thiết. Vấn đề ở đây là việc khai thông thị trường, minh bạch thông tin giá cả đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh của các thành viên tham gia thị trường. Cục cạnh tranh, Cục quản lý giá của Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có sự can thiệp kịp thời, phù hợp để bảo đảm quyền lợi của người chăn nuôi trong ngắn hạn, đồng thời cần tập hợp số liệu chính xác và nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để đưa ra những giải pháp, quy hoạch cũng như khuyến cáo phù hợp trong tương lai.
Nguyễn Hương
Xem thêm:
Từ khóa miền Trung nông dân ngành chăn nuôi thương lái thịt lợn Trung Quốc lũ lụt