Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Phú Quốc (Đoàn TP.HCM) chiều 25/8 thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Síp từ giữa năm 2018”, đang khai báo (1), còn ông Trần Văn Túy, Trưởng Ban Công tác đại biểu nói chỉ mới biết tin qua báo chí, mạng xã hội (2). Những phát ngôn trên đặt nghi vấn sai phạm không chỉ của một mình cá nhân vị đại biểu hai quốc tịch.
Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) hôm 24/8 dẫn từ tài liệu mật “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Síp) công bố về chính sách “mua bán hộ chiếu châu Âu” của Cộng hòa Síp. Chương trình “hộ chiếu vàng” của Síp từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019 cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro (khoảng 2,5 triệu USD) được sở hữu hộ chiếu nước này.
Theo Al Jazeera, hàng chục quan chức cấp cao một số nước và gia đình của họ đã mua hộ chiếu của quốc gia này. Theo thông tin công bố, Việt Nam xuất hiện tên của ông Phạm Phú Quốc, một ĐBQH hiện thuộc đoàn TP.HCM, đã có hộ chiếu Síp vào tháng 12/2018 cùng vợ.
Chiều 25/8, ông Quốc thừa nhận: “Tôi có quốc tịch Cyprus từ giữa năm 2018”, song phủ định việc mua hộ chiếu mà nói do được gia đình bảo lãnh. Theo ông Quốc, trước tiên con trai ông đi học và làm việc tại Anh từ năm 2013, đến năm 2017, xin cho mẹ và em gái nhập quốc tịch Síp. Giữa năm 2018, tới lượt ông Quốc được bảo lãnh, nhận thêm quốc tịch của quốc gia này.
Nói về việc đã báo cáo với cơ quan quản lý về việc có quốc tịch thứ hai hay chưa, ông Quốc cho hay rằng mình “đang làm”.
Tóm lại, trong 2 năm qua, ông Quốc trên tư cách ĐBQH vẫn chưa “báo cáo xong” việc mình mang 2 quốc tịch. Nghịch lý là gì?
Theo Trung tâm thông tin tư liệu, Thông tấn xã Việt Nam, Việt Nam có 494 ĐBQH khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021. Tổng số đại biểu này được chia về các đoàn tại các tỉnh, thành phố, nhưng đều thuộc quyền quản lý của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong các đầu việc do Ban này chịu trách nhiệm, có việc “giúp Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội của những người trúng cử” và “tổ chức quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến đại biểu Quốc hội và cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo phân cấp quản lý cán bộ” (3).
Một ĐBQH xác nhận các công chức phải khai lý lịch hàng năm, không chỉ thông tin cá nhân mà còn bao gồm cả lý lịch, tình trạng cá nhân của thân nhân trong gia đình.
Với việc phải khai lý lịch hàng năm, thì chuyện ông Quốc chưa “báo cáo xong” tình trạng 2 quốc tịch trong suốt 2 năm qua với cơ quan quản lý tư cách ĐBQH rõ ràng là không hợp lý.
Về phía Trưởng Ban Công tác đại biểu, ông Trần Văn Túy cho biết không có báo cáo nào của ông Quốc về việc sở hữu 2 quốc tịch, ông này chỉ biết tin qua báo chí và mạng xã hội.
Theo phát ngôn trên thì Ban Công tác đại biểu rõ ràng đã không quản lý tốt nhân sự như chức năng được giao, trong đó có việc thẩm tra tư cách ĐBQH và quản lý hồ sơ và các tài liệu liên quan đến ĐBQH. Ông Túy với tư cách Trưởng Ban Công tác đại biểu và các cá nhân liên quan trong Ban phải chịu trách nhiệm liên quan đến những sai phạm này.
Hiện ông Quốc đã thừa nhận mang hai quốc tịch, còn phía Ban Công tác đại biểu cho biết sẽ xác minh từ cơ quan quản lý hộ chiếu, xin ý kiến từ các bên rồi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Ông Túy nói thêm sẽ tôn trọng quyền miễn trừ của ĐBQH theo quy định của Hiến pháp và luật (3).
Theo quy định tại Điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội 2014, quyền miễn trừ của ĐBQH bao gồm:
Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Việc đề nghị bắt, giam, giữ, khởi tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Trường hợp ĐBQH bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
ĐBQH không thể bị cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu công tác bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc, sa thải nếu không được Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý.
Theo đó, quyền lợi của ĐBQH được Ủy ban thường vụ Quốc hội bảo hộ và chỉ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền ra các quyết định tố tụng đối với ĐBQH.
Nhiều ý kiến trong công luận cho rằng ngay cả khi ông Quốc phủ nhận việc mua quốc tịch, nói rằng do người nhà bảo lãnh, thì sự việc này vẫn cần phải được điều tra. Thời điểm vợ, con gái và ông Quốc nhận quốc tịch Síp theo ông này cho hay là nằm trong khoảng từ 2017-2018, khớp với thời gian chương trình “hộ chiếu vàng” của Síp từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019. Ngay cả khi ông Quốc được người nhà bảo lãnh thì việc nhập quốc tịch của vợ và con gái ông Quốc càng cần được làm rõ để minh bạch quá trình nhận thêm quốc tịch này.
Ngoài ra, một văn bản ký ngày 18/12/2018 được cho là lấy từ “The Cyprus Paper” (Hồ sơ Síp), đang đặt ra nghi vấn ông Phạm Phú Quốc và bà Nguyễn Phan Diệu Phương (vợ ông Quốc) được cấp quốc tịch Síp qua con đường đặc cách, gây hồ nghi trước thông tin ông này cho rằng mình được gia đình bảo lãnh.
Hiện Việt Nam đã bổ sung thêm quy định ĐBQH chỉ có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, song tới ngày 1/1/2021, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi, bổ sung mới có hiệu lực. Luật Tổ chức Quốc hội 2014 hiện hành không có nội dung quy định về quốc tịch của ĐBQH.
Theo Luật Quốc tịch 2008, về nguyên tắc, công dân Việt Nam chỉ được mang một quốc tịch, nhưng một số trường hợp ngoại lệ vẫn được chấp nhận mang 2 quốc tịch. Các trường hợp ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; người nước ngoài nhập quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch cũ; trẻ em là con nuôi.
Hồi năm 2016, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ĐBQH khoá 13 trúng cử khoá 14 thuộc khối doanh nhân nhưng sau đó bị phát hiện mang 2 quốc tịch Việt Nam và Malta. Bà Hường sau đó bị bãi nhiệm.
Ông Phạm Phú Quốc (SN 1968, quê Quảng Trị, cư trú tại quận 7, TP.HCM), từng giữ các chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV. Tháng 12/2019, ông Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thời gian giữ chức vụ trong 5 năm. IPC là công ty 100% vốn nhà nước, thuộc UBND TP.HCM. Ông Quốc nhận chức tổng giám đốc IPC thay người tiền nhiệm là ông Tề Trí Dũng, đã bị khởi tố, bắt tạm giam vào tháng 5/2019 với hai tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. |
Nguyễn Minh
Chú thích:
Xem thêm:
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…