Đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương và có thêm phụ cấp theo tính chất công việc, vùng miền.
Tại phiên họp Quốc hội sáng ngày 1/11, đại biểu Hà Ánh Phượng (giáo viên Trường Trung học phổ thông Hương Cần, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) đề cập về vấn đề lương của giáo viên và nhân viên trường học hiện nay. Đại biểu Phượng nhận thấy thực tế qua 10 năm thực hiện chế độ tiền lương, tuy nhiên, mức thu nhập của nhà giáo vẫn thấp, thậm chí có nhóm nhà giáo không đủ trang trải cuộc sống của gia đình.
“Nhiều giáo viên phải nghỉ việc, chuyển việc, làm thêm việc khác nên chưa tròn vai và tâm huyết với nghề”, bà Phượng nói.
Đại biểu Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ trong cải cách tiền lương lần này cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc theo vùng, đúng theo Nghị quyết số 29.
Bên cạnh đó, bà Phượng cho rằng nhân viên trường học (khoảng 10% trong môi trường giáo dục) có vai trò quan trọng vận hành và phát triển nhà trường. Song, họ làm việc 8 tiếng mỗi ngày vẫn không được hưởng phụ cấp công vụ như công chức và phụ cấp thâm niên như nhà giáo dù cùng làm trong ngành giáo dục.
Vì vậy, đại biểu Phượng đề nghị có giải pháp tăng lương, phụ cấp cho nhân viên trường học để họ yên tâm làm việc.
Đại biểu Triệu Thị Huyền (viên chức tỉnh Yên Bái) nêu thực trạng thiếu giáo viên các môn tiếng Anh và tin học ở nhiều nơi. Nhân viên trường học cũng thiếu, nhất là ở vùng khó khăn. Thời gian qua, Bộ Nội vụ, GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ gỡ vướng trong tuyển dụng giáo viên, nhưng chính sách hiện hành chưa thu hút được nhà giáo đến công tác ở địa phương khó khăn do chính sách đãi ngộ hạn chế.
“Tôi đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút giáo viên, nhân viên trường học, trong đó ưu tiên tuyển con em đồng bào dân tộc. Những môn học đặc thù có thể cho phép tuyển giáo viên trình độ cao đẳng, rồi tiếp tục đào tạo để họ hoàn thiện khung trình độ như quy định”, bà Huyền nói.
Theo thống kê của ngành giáo dục, hiện cả nước có 1,6 triệu giáo viên, thiếu khoảng 100.000. Chỉ trong năm 2022, tổng số giáo viên bỏ việc trên cả nước là hơn 16.000, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.
Lương công chức, viên chức hiện được tính bằng lương cơ sở nhân hệ số lương. Hệ số lương thể hiện sự chênh lệch mức tiền lương giữa các vị trí, cấp bậc công việc dựa trên trình độ, bằng cấp của công chức, viên chức. Lương cơ sở thấp (từ ngày 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng), hệ số lương ít thay đổi nên không tạo được động lực cho người lao động.
Từ ngày 1/7, giáo viên mầm non hạng III vẫn là nhóm nhận lương thấp nhất, từ gần 3,8 đến hơn 8,8 triệu đồng một tháng tùy bậc. Mức này cao hơn so với trước đây khoảng 0,6-1,5 triệu đồng. Giáo viên tiểu học, THCS và THPT hạng I nhận lương cao nhất. Trong đó, người được áp dụng hệ số lương 6,78 sẽ được nhận hơn 12,2 triệu đồng một tháng.
Bảo Khánh
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…