Đây là chi phí vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.
Theo chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020, mục tiêu của Chương trình đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 – 1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% – 4%/năm).
Về chất lượng cuộc sống của người nghèo, chương trình bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).
Tới năm 2020, theo kế hoạch sẽ có 50% số hộ nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, 20-30% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Về cơ sở hạ tầng, từ 60-70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; từ 80-90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 75% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh,…
Tỷ lệ hộ nghèo tăng lên gần 10% năm 2016 do thay đổi chuẩn nghèo mới
Từ ngày 01/01/2016, mức chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 quy định tiêu chí về thu nhập:
• Ở khu vực nông thôn: Chuẩn nghèo: nâng từ 400.000 đồng/người/tháng lên 700.000 đồng/người/tháng; Chuẩn cận nghèo: nâng từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng lên 1.000.000 đồng/người/tháng.
• Ở khu vực thành thị: Chuẩn nghèo: nâng từ 500.000 đồng/người/tháng lên 900.000 đồng/người/tháng; Chuẩn cận nghèo: nâng từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng lên 1.300.000 đồng/người/tháng.
Theo mức chuẩn nghèo mới trên, kết quả điều tra từ Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội năm 2015 cho thấy, cả nước có hơn 2,338 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,235 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,22%). Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần10% năm 2016 do mức chuẩn nghèo mới nâng tiêu chí về thu nhập và đo lường thêm các mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Phân theo không gian địa lý, khu vực miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước (34,52%), miền núi Đông Bắc (20,74%) và Tây Nguyên (17,14%). Đông Nam Bộ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước với 1,23%.
Trong đó, tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước là Điện Biện (48,14%), Hà Giang (43,65%), Cao Bằng (42,53%),… Thanh Hóa là tỉnh có số hộ nghèo nhiều nhất cả nước với gần 129.000 hộ, Bình Dương là tỉnh duy nhất không có hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn nghèo mới.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 8 tháng đầu năm 2016, cả nước có 243,5 nghìn hộ thiếu đói, tương ứng với 1,008 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 14% về số lượt hộ và số lượt nhân khẩu thiếu đói so với cùng kỳ năm trước. Tính riêng tháng 8, tình trạng thiếu đói tập trung chủ yếu tại các địa phương thuộc Trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trong đó, số hộ thiếu đói tại Đắk Lắk là 4,1 nghìn hộ; Cao Bằng 2,2 nghìn hộ; Lào Cai 1,1 nghìn hộ. |
Hải Linh
Xem thêm:
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…
Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…
Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…
Một tiệm vàng ở huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) huy động tiền gửi tiết…
Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…
Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…