Một nhà đầu tư vừa đề xuất với Sở GTVT TP.HCM làm cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất để giải bài toán kẹt xe ở khu vực “cửa ngõ” vào sân bay.
Ông Vũ Huy Thắng, giám đốc Công ty CP Bilco – đơn vị thực hiện các tuyến cáp treo ở Vinpearl Nha Trang, Bà Nà Hill, Núi Cấm An Giang, Yên Tử… là người đề xuất ý tưởng trên. Ông Thắng cho biết ý tưởng này xuất phát khi đọc một bài báo nói về việc TP.HCM sẽ xây dựng một tuyến metro từ Công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất với tổng kinh phí khoảng 5.500 tỷ đồng.
Theo ông Thắng, theo dự tính sơ bộ, để làm tuyến cáp treo vào Tân Sơn Nhất chỉ mất 1/10 kinh phí so với làm metro, tức khoảng trên dưới 500 tỷ đồng.
Theo đề xuất, các trụ tháp được xây dựng ở dải phân cách đường Trường Sơn, thiết kế mỹ thuật, không chiếm không gian đô thị. Tuyến cáp treo có công suất 3.000 lượt người/giờ, nếu áp dụng công nghệ mới có thể chở 4.000 – 4.500 lượt khách/giờ. Vận tốc cabin khoảng 25 km/giờ, độ an toàn cao. Ngoài ra, vì đi đường thẳng vào nhà ga, không vòng vèo như đường bộ nên thời gian cũng rút ngắn đáng kể.
Thời gian hoàn thành dự án khoảng 10 tháng. Ông Thắng cũng khẳng định không đùa khi đề xuất làm cáp treo vào sân bay.
Trước đề xuất này, giám đốc Sở GTVT – ông Bùi Xuân Cường cho hay hiện chưa thể khẳng định được tính khả thi của giải pháp vì mới dừng ở bước ý tưởng. Việc thực hiện hay không còn phải trải qua nhiều bước nghiên cứu kỹ về phương án kỹ thuật, hiệu quả tài chính, khả năng ảnh hưởng đến các quy hoạch dọc tuyến, thuận lợi khó khăn khi tổ chức khai thác vận hành.
Trong khi đó, các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực giao thông cho rằng đây là ý tưởng táo bạo nhưng không tưởng, không khả thi.
Theo TS Phạm Sanh, việc xây dựng cáp treo chỉ áp dụng trên các địa hình hiểm trở, bên dưới không có không gian để làm đường hoặc để bảo tồn khu di tích văn hóa. Việc cáp treo chỉ phục vụ du lịch, khai thác cảnh quan và chỉ phục vụ cho mục đích du lịch với lượng ít người đi chứ không thể dùng để chống kẹt xe với lượng lớn người tham gia giao thông như tại TP.HCM.
Ngoài ra, vấn đề bảo dưỡng và an toàn cho người dân cho dù được làm với công nghệ tốt nhất nhưng không thể lường trước được rủi ro xảy ra. TS. Phạm Sanh cho rằng, dù đầu tư tuyến metro vào sân bay chi phí cao hơn (gấp 10 lần so với xây dựng cáp treo), thời gian thi công lâu hơn nhưng tính an toàn và khả thi cũng cao hơn.
Theo T.S Phạm Sanh, vấn đề kẹt xe ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất thời gian qua không phải do lượng khách qua sân bay mà chủ yếu do nhu cầu đi lại của chính người dân thành phố, do đó cần giải tỏa các điểm kẹt xe thay vì giải quyết nhu cầu đi vào sân bay.
Đồng ý kiến, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng kẹt xe tuyến đường vào sân bay Tân Sơn Nhất không phải do lượng khách du lịch vào sân bay lớn mà chính là từ khách đi lại của thành phố.
Theo tính toán của TS Phúc, năng lực lưu thông của đường Trường Sơn là 170.000 người/giờ. Với ước chừng khoảng 19.000 hành khách và người đến tiễn ra vào cửa sân bay trong một giờ, thì Tân Sơn Nhất lúc tấp nập nhất chỉ đóng 11% năng lực lưu thông của đường Trường Sơn. Theo đó, đường Trường Sơn bị kẹt hoàn toàn không phải do hành khách tăng lên mà là do người dân TP đi lại nhiều, TS Phúc nhận định.
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng xây dựng cáp treo từ công viên Gia Định vào sân bay Tân Sơn Nhất không giải quyết được vấn đề kẹt xe. Đây cũng không phải cửa ngõ người dân vào sân bay nhiều nhất mà cửa ngõ chính là các tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn…
Nguyễn Quân (T/h)
Xem thêm:
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…
Tại Trung Quốc vào tháng trước chứng kiến hiện tượng hiếm thấy khi nước biển…