Ý tưởng được đưa ra bởi đại diện Công ty SOJITZ (Nhật Bản) tại buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vào chiều 25/5.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án chuyển đổi công năng của Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và xây dựng cảng công nghiệp Liên Chiểu, ông Kazumasa Fujita, Phó trưởng bộ phận Phát triển cơ sở hạ tầng của Công ty Sojitz đã đề xuất ý tưởng phát triển tích hợp cảng Tiên Sa và cảng Liên Chiểu, theo đó, sẽ chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và tái phát triển khu vực này trở thành trung tâm thương mại sầm uất, còn cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa.
Báo cáo nghiên cứu gồm 6 phần như phân biệt và phương án khai thác công năng của 2 cảng Tiên Sa và Liên Chiểu; phương án giải quyết xung đột giao thông cho 2 cảng; năng lực thu hút vốn đầu tư v.v…
Vềphương án đầu tư, Công ty Sojitz đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ bản như đê kè chắn sóng, nạo vét luồng lạch, đường dẫn do nguồn vốn này có ưu điểm là thời gian ân hạn 10 năm, thời gian cho vay từ 30-40 năm với mức lãi suất thấp (tính theo đồng Yên Nhật là 0,1-1,4%). Hợp phần còn lại là hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công–tư (PPP).
Sojitz dự kiến sẽ thành lập 1 liên danh bao gồm Sojitz, Công ty CP Cảng Đà Nẵng và 1 nhà điều hành có kinh nghiệm trên lĩnh vực cảng biển của Nhật Bản để tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu. Ngoài ra, Sojitz sẽ giới thiệu các đối tác mang nguồn hàng đến cho cảng, đồng thời phối hợp với thành phố tìm nguồn vốn vay để đầu tư cảng Liên Chiểu và tái phát triển khu vực cảng Tiên Sa.
Trước đề xuất của Công ty Sojitz, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao ý tưởng chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và trung tâm thương mại; tập trung công năng cảng hàng hóa cho Liên Chiểu.
Ông Tuấn ghi nhận ý kiến của Công ty Solitz về việc sẽ thành lập 1 ban quản lý dự án cảng Liên Chiểu; đồng thời cho biết, Đà Nẵng muốn được Bộ GTVT ủy quyền là chủ đầu tư dự án này, khi đó, Đà Nẵng sẽ thành lập ban quản lý dự án.
Phó Chủ tịch TP Đà Nẵng cho hay trong cuộc họp gần đây nhất, Bộ GTVT và TP đã thống nhất chủ trương sớm triển khai đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu vì công suất của cảng Tiên Sa dự kiến sẽ đạt giới hạn tối đa vào năm 2020 (10 triệu tấn/năm). Dự kiến đến năm 2022, giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ hoàn thành.
Phương án đầu tư cảng Liên Chiểu sẽ theo hình thức hợp tác công–tư (PPP). Trong đó, các hạng mục gồm đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn nhà nước hợp pháp khác; hợp phần còn lại là đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tiềm năng theo phương thức xã hội hóa.
Tại buổi họp, ông Tuấn ủng hộ việc Solitz chủ động mời các đối tác để tham gia đầu tư vào dự án, đồng thời đề nghị công ty cập nhật các chủ trương mới cũng như những ý kiến đề xuất của các đơn vị và thành phố tại cuộc họp để hoàn chỉnh đề án, đưa vào báo cáo cuối cùng gửi UBND TP xem xét.
Ông Nguyễn Hữu Sia – tổng giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết công ty cùng TP Đà Nẵng đã có chủ trương đầu tư vào cảng Liên Chiểu, mục tiêu tới năm 2022 sẽ chuyển một phần hàng hóa về cảng Liên Chiểu, giảm tải cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý quy hoạch phát triển cảng Liên Chiểu thành trung tâm logistics của cảng Đà Nẵng và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hoặc các cách thức khác phù hợp. Hiện thành phố đang tham khảo dự án tư vấn từ các đơn vị. Tháng 10/2016, UBND TP tổ chức họp để nghe đơn vị tư vấn là Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng – Đường thủy (TEDIPORT) trình bày báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu theo hình thức PPP. Dự án có tổng mức đầu tư là 32.861 tỷ đồng, được triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn khởi động 2022 với mức đầu tư 7.378 tỷ đồng, công suất 1,85 triệu tấn/năm; giai đoạn 2030 với mức đầu tư 7.857 tỷ đồng, công suất 17,53 triệu tấn/năm; giai đoạn tiềm năng 2050 với mức đầu tư 17.626 ty đồng, công suất hơn 46 triệu tấn/năm. Tháng 2/2017, Công ty tư vấn Cảng Nhật Bản (JPC) đưa ra phương án đầu tư 5.581 tỷ đồng cho giai đoạn 1 cảng Liên Chiểu. Phương án đầu tư là theo hình thức PPP, trong đó, khu vực công 2.630 tỷ đồng, khu vực tư 3.071 tỷ đồng. Dự kiến cảng đi vào hoạt động vào năm 2022, phục vụ bốc dỡ hàng hóa tổng hợp và container thay thế cho cảng Tiên Sa – cảng container số 1 miền Trung trong suốt nhiều năm và là cảng biển lớn nhất miền Trung – được cho là có nguy cơ quá tải vào năm 2020. |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…