“Trên đỉnh tháp cao nhất, một ngọn lửa lớn bốc cao giữa hai gác chuông. Những tia lửa cuộn xoáy. Một ngọn lửa lớn lộn xộn, giận dữ, gió cuốn lên từng mảng trong màn khói mù mịt. […] Một sự câm lặng kinh hoàng giữa đám ăn mày. Chỉ nghe tiếng kêu báo động của những phụ tá linh mục bị nhốt trong tu viện.
[…] Bóng của những tòa tháp khổng lồ phóng to lên, trùm lên mái nhà của Paris. Trong ánh sáng chúng tạo thành những khoảng tối…”
Lửa và khói bốc lên cuồn cuộn từ mái nhà Nhà thờ Đức Bà, ngày 15/4/2019 tại Paris, Pháp. (Ảnh: Chesnot/Getty Images)
188 năm trước, Victor Hugo đã viết về một thảm kịch khổng lồ xảy ra với thành phố Paris. Bóng tối và ánh sáng cuộn vào nhau giận dữ. Một sự câm lặng kinh hoàng phủ trùm lên toàn thành phố. Đầy đau đớn và bi thương.
Không còn là chi tiết hư cấu, đám cháy thảm kịch đối với cả thành phố Paris trong Nhà thờ Đức Bà Paris (1831) đã trở thành hiện thực vào chiều tối 15/4 (giờ Paris). Một ngọn lửa lớn đã nhấn chìm nhà thờ Đức Bà – biểu tượng cho tín ngưỡng, tính nhân văn, sự tự do, bình quyền. “850 năm lịch sử, kiến trúc, hội họa và điêu khắc” đã bị phá hủy – Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez viết trên Twitter. Ngọn tháp chính sụp đổ trong sự câm lặng bàng hoàng.
Sau lời hứa sẽ phục dựng lại “trái tim Paris” của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hơn 750 triệu euro được các tỷ phú, doanh nghiệp, chính quyền địa phương cam kết ủng hộ. Sau dư âm của mất mát, người dân tránh nói đến hoả hoạn, chỉ đưa nhau địa chỉ trang web đóng góp phục dựng lại nhà thờ. Trong một ngày, người dân Pháp đóng góp được 4 triệu euro.
“Đây không phải là thời điểm dành cho chính trị,” ông Macron nhấn mạnh trong bài phát biểu sau thảm họa của Paris. Khi tháp chuông cao nhất đổ sập trong biển lửa, những tranh giành quyền lực, tiền bạc phút chốc trở nên vô nghĩa. Mất mát về tinh thần trở thành nỗi đau chung. Cơn đớn đau vô hình trung hướng rất nhiều những trái tim đang căng lên, sôi sục bởi khủng bố, biểu tình, bạo lực, và tai họa bao trùm – cùng khóc, cùng bàng hoàng. Không ai đủ sức lý giải cho nỗi đau ấy. Lớp áo cao ngạo phút chốc rách toang, con người thừa nhận sự bất lực, nhỏ bé trước sự xoay vần.
Họ chỉ biết tất cả đang sụp đổ, hoảng hốt lo sợ sự vĩnh hằng sẽ tan biến. Nhà thờ bên dòng sông Sein không chỉ là công trình bằng gạch, xi măng, đá, gỗ hay sắt thép mà nó được thổi hồn vào đó bởi rất nhiều giá trị tín Thần, lòng thành kính tín ngưỡng, niềm tin dân tộc, lý tưởng của quốc gia, niềm tự hào của người dân…, kết tinh bởi thành tựu kiến trúc, hội họa và điêu khắc hàng trăm năm. Nhà thờ Đức Bà như một biểu tượng của cái đẹp, cái thiện, của những giá trị nhân ái, tự do, bình quyền, không chỉ tượng trưng cho văn minh nước Pháp mà của toàn nhân loại.
Hoa hồng được đặt gần Nhà thờ Đức Bà (Paris) một ngày sau khi xảy ra hỏa hoạn, ngày 16/4/2019. (Ảnh: Ludovic Marin/AFP/Getty Images)
Khác với Khải Hoàn Môn bị nhận chìm trong khói lửa giận dữ, thảm kịch hỏa hoạn xảy ra với Nhà thờ Đức Bà khiến con người bừng tỉnh. Tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà đã gióng lên hồi chuông đau đớn nhất, cảnh báo dữ dội rằng cái đẹp nhất cũng có thể bị đổ sụp, điều khó tưởng tượng nhất cũng có thể xảy ra. Nhà thờ – biểu tượng của văn hoá, tôn giáo, trong ngọn lửa cuồn cuộn như hiện thân cho hiện thực hàng tỷ người trên Trái đất đang tranh giành miếng ăn, quyền lực, đạp lên mọi giá trị văn hoá, nhân văn, môi sinh mà huỷ diệt, dù con đường ấy đi đến tận diệt.
Vì sao những câu chuyện di sản, công trình, tự nhiên bị phá hủy, hư hại lại khiến con người đau đớn như thế, dù giá trị đó không thuộc về ai? Ngay trong Công ước bảo vệ di sản 1972, định nghĩa về di sản văn hóa và tự nhiên của UNESCO cũng chỉ tái hiện được phần vật chất của di sản, là những cấu trúc hình thể, là hệ sinh vật, là các khối hình mang tính lịch sử, nghệ thuật hay khoa học. Vì văn hóa là linh hồn của cộng đồng, những cuộc tấn công vào di sản, dù vô tình hay hữu ý, đều động chạm đến thẳm sâu gốc rễ tinh thần của con người.
Di sản không chỉ là những khối hình tự nhiên hay nhân tạo. Chúng mang vẻ đẹp của thời gian và ký ức khi chứng kiến sự thăng trầm trong hàng thế kỷ, đi qua nhiều biến động nhưng vẫn vươn mình kiên cường, làm chỉ dấu cho bình yên. Một mảnh đất, một vùng trời cùng trở nên quan trọng với bất kỳ ai, khi chứa đựng ký ức niềm vui hay mất mát. Giữa vòng xoáy biến động không ngừng của các hệ giá trị, di sản lưu giữ những giá trị sâu thẳm nhất trong mỗi từng cá nhân. Sự hiện diện của di sản giúp các thế hệ chạm được tới những giá trị ấy, đi qua tuổi trẻ nhiều hoài bão cũng như tràn đầy tình yêu, lưu giữ trải nghiệm, ký ức cho tuổi già. Qua di sản, con người như được chạm vào câu chuyện của hàng trăm năm lịch sử, nơi chứa đựng những nền tảng tinh thần cơ bản của mỗi người, từ niềm tin, ước mơ, cội nguồn cho tới lý tưởng.
Phá hủy di sản chính là sự tấn công tinh thần lên con người. Một nhà thờ cổ bị kéo đổ, đó là sự thủ tiêu tôn giáo, đàn áp tự do, làm lung lay niềm tin tín ngưỡng của cả một cộng đồng. Một công trình kiến trúc lịch sử bị thay thế, đồng nghĩa với tầng tầng các giá trị văn hoá ghi nhận qua thời gian bị phủ định. Những hàng cây bị chặt đổ, những dòng sông bị đầu độc, lần lượt từng thành phố bị hủy hoại, tự nhiên biến dạng theo đà hủy diệt, khi ấy, con người trở thành kẻ vong ân với cội nguồn cưu mang của chính mình.
Sau thảm kịch tại Paris, nhiều người chợt nhận ra sau những cầu nguyện hướng về Nhà thờ Đức Bà trong đêm tối, là tiếng khóc than không nói thành lời của những Đà Lạt, Sơn Trà, Sơn Đoòng, Tam Đảo, sông Hàn, sông Đồng Nai… trên quê hương mình đang bên bờ hủy hoại. Từ bán đảo Thủ Thiêm là tiếng kêu vọng hãy cứu lấy một cộng đồng và nhà thờ 178 năm tuổi. Từ những Lào Cai cho tới Kom Tum, Đắk Lắk, là rừng đang than khóc, là những nền văn minh bản địa tuyệt vời bị xói trôi theo chủ nghĩa vật chất thị thành. Khắp nơi trên đất nước, những cuộc chiến để gìn giữ di sản diễn ra âm thầm dù ngay trước mắt, gần như hàng ngày.
Trong lịch sử hình thành thuật ngữ “Cultural Genocide” – Diệt chủng văn hóa, được xem như một phần của tội diệt chủng, nạn diệt chủng người bản địa ở Canada được nhắc đến như một bằng chứng hoàn chỉnh. Những người thổ dân bị đẩy ra khỏi mảnh đất sinh sống, bị ép phải chuyển đổi ngôn ngữ, bị khống chế tinh thần và bạo lực, buộc từ chối nguồn gốc, phủ định tín ngưỡng, cải hóa luật tục. Mất mát ấy tương đương với một cuộc diệt chủng nhân tính. Khi di sản mất đi, họ cũng mất luôn danh tính của bản thân – họ là ai, họ thuộc về đâu và sẽ đi về đâu? Làm biến dạng một cộng đồng không cần những súng ống tối tân, trang thiết bị hiện đại. Phá hoại di sản, tiêu diệt văn hóa có thể khiến một cộng đồng hoàn toàn không biết tới nguồn cội, ký ức trống rỗng và giá trị nhân sinh không còn.
“Nếu như diệt chủng là việc phá huỷ nhắm vào sự tồn tại của một nhóm nào đó – tức là nhắm vào điều tạo nên nhóm đó – thì tất cả những hành động được thiết kế để làm cho nhóm đó bị huỷ diệt – về tài sản, văn hóa, chính trị, kinh tế hoặc bất cứ điều gì – đều được tính là diệt chủng” – Andrew Woolford và Adam Muller (cùng tại Đại học Manitoba, Canada).
Khi hành động phá hủy di sản được diễn ra một cách có chủ đích, lý do thực sự đằng sau sự tấn công ấy là gì?
Trước Nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn đã trải qua cơn biến động như một lời chỉ dấu không chỉ cho nước Pháp mà còn toàn nhân loại. Chỉ dấu về một xã hội không còn đức tin chân chính để giữ gìn phẩm giá, thay vào đó, cuồng loạn bởi dục vọng, vật chất. Sự hủy hoại di sản, đáng sợ thay khi nó lại trở thành hành động có chủ đích của chính con người. Trong câu chuyện của Việt Nam hôm nay, đáng buồn thay khi nó không chỉ còn là vấn đề tai họa hay niềm tin bị rạn nứt, mà họ đã sẵn lòng đánh đổi, thậm chí là tàn phá những giá trị không thể hàn gắn, đại diện cho tính nhân sinh của chính mình.
Lê Trai
Xem thêm:
Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM - ông Huỳnh Nguyễn Lộc bị…
Vào ngày 28/7, mẹ của Hoàng Diên Thu phát hiện con trai mất tích, cả…
Ông Kim Jong Un đã cáo buộc Hoa Kỳ gia tăng căng thẳng và khiêu…
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…