Dân tộc không có ký ức
Một chiều hè oi gắt, người bạn làm nghiên cứu văn hóa gợi nhắc cho tôi về những khoảng trống ký ức trong dòng diễn tiến của lịch sử. Khi sự thật bị che giấu, trong dòng chảy ấy, con người đáng buồn thay lại trở thành những nhân chứng và nạn nhân không tự biết khi tư duy và nhân tính hao hụt dần.
Đối với ông, chính sách một con của Trung Quốc không chỉ giết hại thai nhi, chúng khiến người ta không có ký ức. Rất nhiều đứa trẻ bị giết, rất nhiều đứa trẻ lớn lên không anh chị em, không có ý thức về các giá trị cộng đồng như lòng khoan dung, biết lắng nghe hay chia sẻ…, chịu đựng sự cô độc và căm ghét xã hội. Nhưng tất cả những gì chúng biết chỉ là vì chính phủ muốn kiểm soát dân số. Một cuộc thảm sát hàng loạt đối với thai nhi chỉ vì chính phủ muốn kiểm soát dân số. Điều này không khác mấy với phương châm “ổn định áp đảo tất cả” mà Đặng Tiểu Bình áp dụng cho cuộc thảm sát Thiên An Môn.
Đó là lịch sử Trung Quốc hiện đại. Đối với Việt Nam, có nhiều ý kiến của các sử gia cho hay cần “phải viết lại sách giáo khoa Lịch sử“, để ứng xử lại với nhận thức và tâm hồn của thế hệ trẻ Việt. Bởi vì lịch sử là sự tiếp biến của ký ức. Không chỉ là ký ức chiến tranh, mà còn là bề dày của lịch sử văn minh dân tộc, của đa dạng tộc người, sự chuyển dịch của những dòng di cư, những tiếp nối văn hóa, hay lịch sử kiến tạo của nhà nước, quốc gia. Đó là những trang sử rất đẹp của dân tộc. Nhưng lịch sử được giảng dạy phổ biến thì không thế. Đó là lịch sử chiến tranh với góc nhìn một chiều. Dễ hiểu vì sao người trẻ Việt không yêu sử Việt. Bởi vì lịch sử họ được học không trao cho họ niềm tin hay giá trị kiến tạo đời sống.
Cùng nhìn sang Hàn Quốc, trong nhiều năm kể từ sau cuộc tham chiến kết thúc, những tội ác của binh lính Hàn Quốc đối với dân thường Việt Nam bị giữ trong vòng bí mật. Năm 1999, tờ The Hankyoreh21 đăng loạt phóng sự của nữ ký giả Ku Su-Jeong về những vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam, tiếp đến là loạt bài viết khác cùng dòng của tòa báo. Một cuộc tự vấn lương tâm gây nên chấn động lớn trong xã hội Hàn Quốc. Trong số cựu binh Hàn Quốc, nhiều người tức giận vì sự thật bị phơi bày, nhưng nhiều người đã trở lại làng Bình Hòa, Quảng Ngãi, quỳ lạy trước tấm bia tưởng niệm để nói lời xin lỗi Việt Nam, sau hơn nửa thế kỷ kể từ vụ thảm sát 1966. Không chỉ thế hệ trước, nhiều thanh niên Hàn Quốc cũng âm thầm tới Việt Nam, viếng nhang, mặc niệm, làm tình nguyện… để bày tỏ lời xin lỗi chân thành trước những tội lỗi mà cha ông họ từng gây ra.
Câu chuyện diễn ra hôm nay cho thấy sự thật lịch sử không thể bị lãng quên hay che giấu. Những sự kiện trong quá khứ nên được trả về đúng với giá trị giáo dục của nó. Nếu không, lịch sử chỉ là những khoảng trống không thể lấp đầy trong tâm trí của những chứng nhân câm lặng, và hàng thế hệ vô phương trong việc tìm hiểu dân tộc mình đã tồn tại với thất bại và vinh quang ra sao.
Nếu sự thật lịch sử không được nói cho người dân biết, điều gì sẽ xảy ra? Một ví dụ nhỏ cho thấy nhân cách và tư duy bị đánh cắp ra sao dù những sự kiện lịch sử đã bị biến thành vô hình, đã qua đi. Không dưới mười lần, tôi thấy những đứa cháu trình ra bản khai sơ yếu lý lịch. Luôn có một đáp án chung cho một số mục nhất định: Tôn giáo: Không; Thành phần gia đình: Bần nông; Bố: Công nhân; Mẹ: Nội trợ. Hỏi ra thì chúng nói bố mẹ chúng bảo cứ viết vậy, mặc đứa trẻ thắc mắc gia đình mình có phải là bần nông đâu… Nỗi sợ hãi bị đấu tố từ thời cách mạng ruộng đất khiến các cá nhân tự động kiểm duyệt tư duy, tự nhận là giai cấp công-nông dù gần 70 năm đã trôi qua. Nỗi khiếp sợ khiến tinh thần của con người bị cầm tù dù thân thể được tự do.
Việc san phẳng lăng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe tham quan lăng Tự Đức – lăng Đồng Khánh (Huế) chỉ là một trong muôn vàn những biểu hiện của sự trống rỗng của ký ức của dân tộc, là hệ quả từ làn sóng đập phá đền, chùa, miếu, am thờ sau chiến tranh. Vài thế hệ đã trở nên vô thần, không có luân thường đạo lý, không tôn trọng quá khứ, không có nhân nghĩa đạo đức cơ bản. Đáng buồn thay, khi người ta không còn tâm thức kính ngưỡng về sự tồn vong, họ không ngại giết hại lẫn nhau, lừa đảo lẫn nhau, không xem trọng nhân tính mà hoàn toàn vì vật chất, theo đuổi quyền lực để đứng trên quyền lực mà làm điều càn.
Vì sao chúng ta cần những ký ức lịch sử? Vì sao những sự kiện hôm nay vẫn tiếp tục bị bóp méo? Vì nhân cách và dân tộc tính của mỗi quốc gia không thể được làm nên từ những lời dối trá. Tới một lúc, những đứa trẻ “con một” của Trung Quốc sẽ đòi hỏi được biết tại sao chúng lại trở thành chứng nhân bất đắc dĩ cho chính sách tàn bạo giết hại thai nhi. Đó đơn thuần là việc kiểm soát dân số, hay là gieo rắc thảm họa bất tự nhiên một cách chủ ý? Trong lịch sử Việt Nam, người dân trước những đoạn trường bi ai như Chiến tranh Biên giới 1979, thảm sát Gạc Ma 1988… tới nay là thảm họa Formosa 2016 với hàng vạn người mất việc, nhiều người dân bị bắt giữ, khởi tố… đã và đang đòi hỏi quyền được biết về những điều đang diễn ra.
Thực tế thì mỗi cá nhân sẽ tự đi tìm kiếm câu trả lời gần sát với sự thật nhất, bằng cách này hay cách khác. Đó là sự thúc đẩy tự nhiên của con người. Có vẻ như sáo mòn nếu nói điều này là cần thiết vì hôm nay sẽ là quá khứ của ngày mai. Nhưng nếu hôm nay chúng ta không biết mình đang làm gì, đang xoay vần trong cơn gió bụi nào, thì ngày mai sẽ hoàn toàn là vô phương và vô định. Nhìn về quá khứ – đó không phải là sự hoài niệm. Đó là sự vượt qua và sống sót. Một bức tường không thể trụ vững nếu chân không được chôn sâu trong đất hay thiếu móng. Sống bằng tri thức đầy đủ, mỗi cá nhân sẽ có được sự cảm thụ tự nhiên về thế giới quan, nhân sinh quan, thay vì trở thành những nhân bản thiếu ký ức, hao hụt về nhân tính, tôn thờ chủ nghĩa vị kỷ và vô lương.
Một dân tộc thiếu ký ức, theo thiển ý, có lẽ còn bất hạnh hơn một dân tộc tha hương. Không muốn tồn tại mãi trong tinh thần yếu nhược, thì không có cách chi ngoài việc phải tự mình đứng dậy và đổi thay.
Lê Trai
Xem thêm:
Từ khóa thuyết vô thần lịch sử Việt Nam sự thật lịch sử Việt Nam học thuyết vô thần