Bắt đầu tiến hành từ tháng 7, tới hết năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên sẽ tiêm vắc-xin COVID-19, và tăng lên 70% dân số khi kết thúc quý 1/2022. Đợt tiêm vắc-xin COVID-19 quy mô lớn nhất này áp dụng nguyên tắc “sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc-xin đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau”.
Tối 9/7, Bộ Y tế Việt Nam công bố ngày 8/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Quyết định số 3355/QĐ-BYT ban hành kế hoạch triển khai “Chiến dịch tiêm vắc-xin COVID-19 năm 2021-2022”.
Tiến hành từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên tiêm phòng vắc-xin COVID-19 trong năm 2021, và trên 70% dân số đã tiêm, tính tới hết quý 1/2022.
6 nguyên tắc triển khai được đặt ra, trong đó, đợt tiêm chủng “sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau để tăng độ bao phủ của vắc-xin cho người dân; đảm bảo tiêm hết số lượng vắc-xin trước khi hết hạn để tránh lãng phí”.
Ngoài ra, Bộ này cho biết đợt tiêm sẽ huy động hệ thống chính trị tham gia; huy động tối đa lực lượng bao gồm cơ sở trong và ngoài ngành y tế, công an, quân đội… hỗ trợ triển khai tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, đợt tiêm này được triển khai ngay từ tháng 7 này với khoảng 8,7 triệu liều vắc-xin COVID-19 được tiếp nhận. Ngành y tế sẽ tổ chức hơn 18.000 điểm tiêm (bao gồm điểm tiêm lưu động). Kinh phí triển khai từ nguồn ngân sách, Quỹ vắc-xin COVID-19 và nguồn viện trợ. Ban chỉ đạo triển khai chiến dịch trực 24/24 và thiết lập các tiểu ban về giám sát chất lượng, phản ứng sau tiêm… đảm bảo tối đa về an toàn tiêm chủng.
Bộ Y tế khuyến cáo, thành phố ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các nhóm đối tượng sẽ được đưa vào đợt tiêm chủng gồm:
4 nhóm tỉnh, thành phố nằm trong nhóm tiêm đầu trong đợt này, lần lượt gồm: Các tỉnh, thành đang có dịch (trong đó sẽ tiêm trước cho người ở vùng đang có dịch); các tỉnh, TP thuộc vùng kinh tế trọng điểm; các tỉnh, TP có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đông công nhân và dân cư; các tỉnh, TP có biên giới, giao lưu đi lại lớn, có cửa khẩu quốc tế.
Với bối cảnh dịch virus Vũ Hán đang phủ rộng tại TP.HCM, từ đây lan ra nhiều tỉnh thành, Bộ Y tế dự kiến sẽ ưu tiên tiêm đủ liều cho tuyến đầu tại TP này.
Đối với việc triển khai tiêm, Bộ Y tế lưu ý các bệnh viện trung ương, tỉnh, TP, bệnh viện và trung tâm y tế cấp huyện tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị và hỗ trợ cho các điểm tiêm, đặc biệt là ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất một đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 điểm tiêm chủng.
Các bệnh viện đa khoa tỉnh, TP cũng phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực (tối thiểu 5 giường/bệnh viện) để sẵn sàng xử trí các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.
Bộ Y tế quy định thời gian vận chuyển vắc-xin đến điểm tiêm chủng không quá 3 ngày sau khi có giấy chứng nhận xuất xưởng lô vắc-xin. Theo quy định, nếu vắc-xin đã bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C tới 8 độ C sẽ không bảo quản trở lại ở nhiệt độ âm. Các vắc-xin được bảo quản ở nhiệt độ âm, âm sâu hoặc có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2 độ C đến 8 độ C như Pfizer, Moderna hay Janseen. Còn với vắc-xin bảo quản ở nhiệt độ -25 độ C đến -15 độ C như vắc-xin Sputnik V dạng đông lạnh, sau khi rã đông, vắc-xin không dùng hết phải hủy bỏ theo quy định. Cả nước hiện có 8 kho bảo quản vắc-xin tại Bộ Tư lệnh Thủ đô và 7 Quân khu (trong đó TP.HCM và 8 tỉnh thành khác bảo quản vắc-xin tại kho của Quân khu 7), Bộ này cho hay. |
Bộ Y tế cho biết hiện có khoảng 105 triệu liều từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến sáng 9/7, Việt Nam mới tiếp nhận tổng cộng 6 triệu liều vắc-xin COVID-19 từ nhiều nguồn phân phối, trong đó gần 2,5 triệu liều do COVAX Facility hỗ trợ, hơn 980.000 liều đặt mua thông qua Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC), khoảng 2,5 triệu liều vắc-xin do các nước tặng, 97.110 liều vắc-xin đặt mua của Pfizer/BioNTech (đã nhận vào sáng 7/7 tại Hà Nội).
Con số trên đã bao gồm 580.000 liều vắc xin COVID-19 AstraZeneca do Công ty VNVC đặt mua về đến Việt Nam và cả lô khoảng 600.000 liều vắc-xin COVID-19 AstraZeneca từ nguồn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản (tổng 3 đợt chuyển gần 2 triệu liều) trong cùng ngày 9/7.
Dự kiến cuối tuần này, thêm 2 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Moderna do Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp thông qua Cơ chế COVAX sẽ về đến Việt Nam.
Chiều 9/7, truyền thông Việt Nam công bố Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) – ông Lê Việt Dũng vừa ký quyết định phê duyệt cho phép Công ty TNHH Một thành viên Dược Sài Gòn (quận 4, TP.HCM) nhập khẩu 5 triệu liều vắc-xin Sinopharm theo đơn hàng số 272/ĐH-SPC-XNK đề ngày 1/7/2021. Đơn hàng trên có giá trị tới tháng ngày 8/7/2022.
Theo văn bản của Cục Quản lý Dược, lô vắc-xin này của nhà sản xuất: Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc).
Trong đó, Công ty Dược Sài Gòn chịu trách nhiệm về nguồn gốc, chất lượng vắc xin nhập khẩu; đảm bảo việc bảo quản vắc xin tại các cơ sở bảo quản theo đúng quy định, tránh ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin nhập khẩu; đồng thời bảo đảm việc sử dụng vắc-xin phục vụ nhu cầu tiêm chủng theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
500.000 liều vắc-xin Sinopharm đã được Việt Nam tiếp nhận từ Đại sứ quán Trung Quốc theo diện quà tặng vào ngày 20/6, 17 ngày sau khi loại vắc-xin này được Bộ Y tế phê duyệt (ngày 3/6).
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Mưa lớn kéo dài những ngày qua khiến một số điểm ở huyện miền núi…
Hôm thứ Bảy (23/11), tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một luật mới cấm…
Cuối ngày làm việc với Công an huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), người đàn…
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cell Metabolism (Chuyển hóa Tế bào) cho…
Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng số ca tử vong do ung thư…
Chính quyền Biden có thể công bố các hạn chế xuất khẩu mới sang Trung…