Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND Tối cao. (Ảnh: quochoi.vn)
Từ 1/1/2026, VKSND sẽ thí điểm khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương và lợi ích công tại 6 tỉnh, thành phố.
Ngày 19/5, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND Tối cao, trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm VKSND khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của nhóm dễ bị tổn thương hoặc lợi ích công khi không có người khởi kiện.
Mục đích của Nghị quyết là bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương, tháo gỡ khó khăn trong thực tiễn, đồng thời đánh giá hiệu quả của cơ chế để đưa ra đề xuất sau khi kết thúc thí điểm.
Nhóm dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em (theo Luật Trẻ em), người cao tuổi (theo Luật Người cao tuổi), người khuyết tật (theo Luật Người khuyết tật), phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự (theo Bộ luật Dân sự), và người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều, quy định về quyền khởi kiện của VKSND, trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự công ích, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, bao gồm VKSND, TAND, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, tổ chức giám định tư pháp, định giá.
VKSND có nhiệm vụ tiếp nhận, thụ lý thông tin về vi phạm; xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ; thông báo cho các chủ thể liên quan; kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm khởi kiện.
Nghị quyết dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, thực hiện trong 3 năm tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk. Các tỉnh, thành này đang được sắp xếp theo Nghị quyết số 60 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Kết luận số 120 của Bộ Chính trị, nhưng vẫn giữ nguyên tên gọi.
VKSND Tối cao cam kết bố trí đủ điều kiện để thực hiện hiệu quả việc trên. Các vụ án chưa kết thúc khi Nghị quyết hết hiệu lực sẽ được tiếp tục giải quyết đến khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng, trong báo cáo thẩm tra, cho rằng hồ sơ dự thảo được chuẩn bị công phu, đúng trình tự, thủ tục rút gọn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi.
Ủy ban đồng ý phạm vi thí điểm tại 6 tỉnh, thành phố và thời gian thực hiện từ 1/1/2026 trong 3 năm. Tuy nhiên, một số nội dung cần rà soát, chỉnh lý để thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản pháp luật liên quan.
Cụ thể, quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 3 về “người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn” quá rộng, chưa thống nhất với Luật Trợ giúp pháp lý.
Quy định về lợi ích công tại Điểm a và Điểm b Khoản 3 Điều 3 (tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khác) còn chung chung, dễ gây hiểu nhầm hoặc áp dụng không thống nhất.
Ủy ban đề nghị bổ sung nguyên tắc, phân loại hành vi, làm rõ căn cứ, điều kiện, phạm vi khởi kiện của VKSND để tránh “dân sự hóa” quan hệ hình sự, hành chính hoặc lạm quyền. Ngoài ra, cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu xâm phạm.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng chỉ nên giao thẩm quyền khởi kiện vụ án dân sự công ích, tuân thủ Bộ luật Tố tụng dân sự.
Một số ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ.
Về hòa giải, Điều 16 dự thảo Nghị quyết quy định không hòa giải đối với vụ án liên quan đến lợi ích công cộng, nhưng chưa thống nhất với Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần nghiên cứu điều chỉnh.
Khi mới 6 tuổi, lãnh tụ tinh thần Tây Tạng đời thứ 11 Ban Thiền…
Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận hạt nhân nào với Iran…
TP.HCM yêu cầu các tiệm vàng phải treo biển điểm kinh doanh vàng miếng và…
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ra lệnh thành lập một “phái đoàn đàm phán…
Đặc phái viên của chính quyền Trump, ông Steve Witkoff, đã trình bày với Israel…
Huyện Yên Thành, Nghệ An trở thành đất học nổi tiếng vào thời Lê Trung…